Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba (28/1) đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật ủng hộ nhân quyền và tự do tín ngưỡng của người Tây Tạng, một động thái đặt ra thách thức đối với chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu áp lực tứ bề.
Một trong các điều khoản của Đạo luật Hỗ trợ Chính sách Tây Tạng năm 2019 là yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không cho phép Trung Quốc mở lãnh sự quán mới trên đất Mỹ, trừ khi Bắc Kinh cho phép Washington xây dựng cơ sở ngoại giao của mình tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng.
Nổi tiếng là vùng đất giàu bản sắc tín ngưỡng, Tây Tạng từng là quốc gia độc lập cho đến khi bị quân đội Trung Quốc xâm lược vào năm 1950. Các kênh tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi đây là cuộc “giải phóng hòa bình Tây Tạng”.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, buộc phải tị nạn sang Ấn Độ vào năm 1959, sau một cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng và bị chính quyền Trung Quốc trấn áp bằng bạo lực.
Dù sống tha hương, Đạt Lai Lạt Ma vẫn được coi là biểu tượng cho tinh thần và tín ngưỡng của người dân Tây Tạng, dù nhân quyền và tín ngưỡng tôn giáo của họ tiếp tục bị chính quyền Trung Quốc xâm hại ở mức đáng báo động.
Vừa được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo (392 phiếu thuận và 22 phiếu chống), Đạo luật Tây Tạng còn đặt ra một lộ trình xử phạt các quan chức Trung Quốc can thiệp vào sự kế vị của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma sau khi qua đời sẽ chuyển sinh vào một đứa trẻ. Ban Thiền Lạt Ma, một nhân vật quan trọng khác của Phật giáo Tây Tạng, sẽ có trách nhiệm tìm ra đứa trẻ đó. Tuy nhiên, Ban Thiền Lạt Ma thật sự (có tên Gedhun Choekyi Nyima) đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào năm 1995 khi chỉ mới là một cậu bé.
Bắc Kinh đã tự phong một Ban Thiền Lạt Ma khác và tỏ rõ ý đồ sẽ định đoạt ai sẽ là Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.

SCMP đưa tin, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết sau khi thông qua Đạo luật Tây Tạng: “Chúng tôi đang gửi tới Bắc Kinh một tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc can thiệp vào các vấn đề tôn giáo và văn hóa của Tây Tạng, đồng thời thể hiện rõ rằng các quan chức Trung Quốc can thiệp vào quá trình công nhận Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ phải chịu lệnh trừng phạt”.
Đạo luật Tây Tạng đang chờ được bỏ phiếu tại Thượng viện. Nếu được thông qua, Đạo luật sẽ được chuyển tới bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump để ký ban hành.
Đạo luật cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khởi xướng các nỗ lực đa quốc gia để bảo vệ tài nguyên nước ở cao nguyên Tây Tạng; và yêu cầu hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động điều phối của chính phủ Mỹ về các vấn đề Tây Tạng.
