Tiêu Kiến Hoa là ‘găng tay trắng’ của tập đoàn Giang – Tăng. Theo Điều 192 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc, số tiền gây quỹ trái phép vượt 50 triệu NDT thì đã bị chung thân, nhưng số tiền trái phép của Tiêu Kiến Hoa là 680 triệu NDT (vượt quá con số trên), nhưng ông chỉ bị phạt nhẹ 13 năm tù. Điều này cho thấy Tập Cận Bình đã thoả hiệp với Giang phái.

Gần đây, người của Đoàn phái là Hồ Xuân Hoa liên tục xuất hiện và có tiếng nói hơn thường lệ, đồng thời đang đi những bước mà Thủ tướng Quốc vụ viện cần làm. Điều này cho thấy ông Tập có thoả hiệp với Đoàn phái. 

Nếu Tập gia quân (tức Chi Giang tân quân) đã có thoả hiệp với Giang phái và Đoàn phái, mỗi bên đã tính toán gửi gắm ‘nhân mã’ vào Bộ Chính trị, vậy thì sắp xếp nhân sự ở Đại hội 20 sẽ như thế nào?

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 24/8, từ những dữ liệu thu được và phân tích cặn kẽ, Giáo sư Chương Thiên Lượng nhìn nhận khả năng cao là ông Tập tái đắc cử, đồng thời đưa ra dự đoán 5/7 vị Thường Uỷ trong Bộ Chính trị ĐCSTQ như sau.

Tập Cận Bình đã thoả hiệp với Giang phái và Đoàn phái

Đầu tiên Giáo sư Chương nói, sau mật nghị Bắc Đới Hà, Tập Cận Bình và các phe phái đã có những thoả hiệp nhất định. 

Tháng 6 năm nay, Giáo sư Chương đã đưa ra quan điểm về vụ án Tiêu Kiến Hoa rằng: Tiêu Kiến Hoa là một tiêu chí vô cùng quan trọng. Nếu Tiêu Kiến Hoa bị án nhẹ, ở mức độ nhất định, Tập Cận Bình đã đạt được một số thoả hiệp với Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân, bởi vì vì Tiêu Kiến Hoa là ‘găng tay trắng’ (doanh nhân có cán bộ cấp cao ĐCSTQ hậu thuẫn) của Giang – Tăng. 

Nếu Tiêu Kiến Hoa bị án nặng, có nghĩa là Tập Cận Bình sẽ điều tra lên, giống như năm đó Bạc Hy Lai bị xử, sau đó bắt một loạt quan to như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu… Năm 2017, Tập Cận Bình bắt Tiêu Kiến Hoa là vì muốn bắt Tăng Khánh Hồng. Nhưng từ đó đến nay không có quan chức cấp Uỷ viên Bộ Chính trị ngã ngựa, huống chi là Tăng Khánh Hồng. 

Do đó khi Tiêu Kiến Hoa bị án nhẹ chứng tỏ Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng đã đạt được một số thoả hiệp nhất định.

Tập Cận Bình và Đoàn phái cũng đạt được một số thoả hiệp nhất định, tức có bổ nhiệm nhân vật của Đoàn phái làm Thủ tướng, kế thừa vị trí của Lý Khắc Cường. 

Chúng ta biết rằng năm đó Hồ Cẩm Đào vốn dĩ an bài thể chế kế nhiệm ‘song Lý’. Nghĩa là sau khi Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu, Lý Khắc Cường sẽ làm Tổng Bí thư, còn Lý Nguyên Triều làm Thủ tướng, việc này rất nhiều người biết. Nhưng sau đó Tập Cận Bình thay Lý Khắc Cường, Lý Khắc Cường đành phải làm Thủ tướng. Lý Nguyên Triều sau đó có quan hệ với Bạc Hy Lai, cho nên sau này Lý Nguyên Triều chỉ làm Thường Uỷ một nhiệm kỳ rồi nghỉ hưu.

Lý Khắc Cường giáng xuống làm Thủ tướng, sau đó Lý Nguyên Triều ra khỏi Bộ Chính trị, còn Tập Cận Bình tiến vào, Giáo sư Chương nhìn nhận: đây là kết quả triển khai của các nguyên lão và Giang Trạch Dân.

Hồ Cẩm Đào cũng muốn làm một chỉ định kế nhiệm, chính là hy vọng sau khi Lý Khắc Cường nghỉ hưu sẽ là thể chế ‘Hồ Tôn’. Hồ là Hồ Xuân Hoa sẽ làm Tổng Bí thư, còn Tôn là Tôn Chính Tài sẽ làm Thủ tướng. Sau này vì Tôn Chính Tài làm chính biến rồi rớt chức, còn lần này Hồ Xuân Hoa cũng không thể làm Tổng Bí thư được (vì khả năng Tập tái đắc cử rất cao), nên có thể Hồ Xuân Hoa sẽ lùi một bước từ Tổng Bí thư xuống làm Thủ tướng. Cho nên trong tương lai Đoàn phái sẽ có một ghế vô cùng quan trọng trong Thường Uỷ Bộ Chính trị.

Có người nói rằng: Uông Dương cũng là người của Đoàn phái, tuổi cũng chưa tới 68, Uông Dương cũng có thể làm Thủ tướng. Uông Dương được cho là người của Đoàn phái vì từng làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Tỉnh uỷ An Huy. Ở đây Giáo sư Chương giả định, nếu Uông Dương làm Thủ tướng thì sẽ ra sao.

Từ tuổi đời thấy rằng Uông Dương chỉ có thể làm một nhiệm kỳ rồi nghỉ hưu. Điều này vẫn được, nhưng lại xuất hiện một sự lấn cấn và chồng chéo giữa các nhân vật trong Đoàn phái. 

Giáo sư Chương giải thích, nếu Uông Dương làm Thủ tướng sẽ khiến Hồ Xuân Hoa bị lỡ 5 năm. 5 năm sau, khi Uông Dương nghỉ hưu, Hồ Xuân Hoa đã 64 tuổi, khi ấy chỉ làm được một nhiệm kỳ, mà Thủ tướng làm 1 nhiệm kỳ là điều khá hiếm thấy trong lịch sử ĐCSTQ bởi vì chỉ có Chu Dung Cơ chỉ làm Thủ tướng một nhiệm kỳ. 

Uông Dương (ảnh Wikipedia).

Nếu Uông Dương làm Thủ tướng, thì cả Uông Dương và Hồ Xuân Hoa chỉ làm được một nhiệm kỳ Thủ tướng. Đây là điều dị thường, cũng là điều bất lợi cho tính liên tục của chính sách. Cho nên khi nhìn đi nhìn lại, chiểu theo kết quả thoả hiệp giữa các bên, thì Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng là an bài hợp lý nhất về mặt logic.

Những ngày gần đây, biểu hiện của Hồ Xuân Hoa rất ‘bắt mắt’. Hồ Xuân Hoa đã làm cái gọi là nghề nghiệp cho sinh viên đại học, vấn đề ‘tam nông’ (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), vấn đề thương mại dịch vụ quốc tế… Trước đây Hồ Xuân Hoa chỉ quản nông nghiệp, nhưng gần đây chúng ta cảm thấy ông ấy đều nhúng tay vào các lĩnh vực kinh tế. 

Ngày 22/8, Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch ‘Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc’ (CPPCC) là Uông Dương đã mời Phó Thủ tướng Quốc vụ viện – Hồ Xuân Hoa. Thông thường CPPCC không mời người của Quốc vụ viện bởi vì họ là những nhân sĩ bên ngoài đảng, đây là điều bất thường thứ nhất. Thứ hai, Hồ Xuân Hoa không chỉ đến tham gia thảo luận như cuộc họp thông thường, mà còn phải viết báo cáo. Đây giống như tư thái (dáng vẻ) của Thủ tướng Quốc vụ viện.

Hơn nữa, nếu theo nguyên tắc đưa tin của truyền thông ĐCSTQ, thì CPPCC nên lấy ai là trọng điểm? Đương nhiên là Uông Dương, hơn nữa Uông Dương là Thường Uỷ Bộ Chính trị, còn Hồ Xuân Hoa là Uỷ viên Bộ Chính trị, về cấp bậc trong đảng thì Uông Dương vẫn cao hơn.

Nhưng lần này hầu như không có từ nào nói về Uông Dương, còn Hồ Xuân Hoa lại vô cùng nổi bật. Có cảm giác như Uông Dương chủ động thấp giọng để Hồ Xuân Hoa trông bắt mắt hơn, nhằm phát đi tín hiệu rằng: Hồ Xuân Hoa là người kế nhiệm Lý Khắc Cường, tương đương với việc các thành viên trong Đoàn phái là Lý Khắc Cường, Uông Dương đã liên thủ để làm nổi bật Hồ Xuân Hoa. Do đó Giáo sư Chương dự đoán khả năng Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng là 80%.

Những Thường Uỷ có khả năng ở Đại hội 20

Lý Khắc Cường rút lui

Một số người cho rằng, sau khi rời chức Thủ tướng, Lý Khắc Cường có thể làm Chủ tịch Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Đương nhiên không loại trừ khả năng này, nhưng Giáo sư Chương nhìn nhận, đến Đại hội 20, Lý Khắc Cường sẽ rút lui làm một cái giá để đưa Hồ Xuân Hoa lên làm Thủ tướng trong 10 năm, tương đương với việc tiếp tục những chính sách cải cách. 

Hiện nay kinh tế Trung Quốc đã ‘vô phương cứu chữa’, ‘bệnh nhập vào xương’. Lý Khắc Cường kiên trì với cải cách mở cửa có thể được một ít danh tiếng cho mình, ý tứ là: Kinh tế hỏng không phải là vấn đề của tôi, mà là vấn đề của ông Tập. Vậy làm sao thay đổi? Lý Khắc Cường cũng đành bó tay, không ai biết cách khôi phục kinh tế Trung Quốc hiện nay. Lý Khắc Cường đành phải đưa mớ bòng bong cho Hồ Xuân Hoa. 

Điều này ứng nghiệm với dự đoán của Trương Mộc Sinh – người được mệnh danh là túi khôn của Hồ Cẩm Đào. Ông đã nói câu rằng: “Ôm quả bom hẹn giờ là ‘kích cổ truyền hoa’ (đánh trống chuyền hoa, tức trò chơi khi đánh trống thì chuyền hoa, khi trống dừng thì người cầm hoa sẽ phải uống hoặc biểu diễn gì đó, coi như một ‘hình phạt’ nhẹ)”. Kinh tế Trung Quốc hiện nay như quả bom sắp nổ, không ai dám đụng vào, và người làm kinh tế không khác gì người ôm bom.

Do đó Giáo sư Chương đánh giá, Lý Khắc Cường rút lui là an toàn nhất. Lý Khắc Cường biết rằng kinh tế Trung Quốc đã hỏng, nếu ông làm Chủ tịch Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, thì ông vẫn ở trong tầm mắt của công chúng, mọi người có thể nói ‘khi còn Thủ tướng ông đã làm hỏng kinh tế’ v.v. Cho nên Lý Khắc Cường im lặng rút lui để Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng, Giáo sư Chương cho rằng đây là một lựa chọn không tệ.

Triệu Lạc Tế là tường chắn cho Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân

Những gì chúng ta thấy hiện nay là xác suất Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng tăng cao, Tập Cận Bình đã đạt được thoả hiệp với Đoàn phái. Từ việc Tiêu Kiến Hoa bị án nhẹ, tiết lộ Tập Cận Bình đã đạt được thoả hiệp với phe Giang – Tăng. Vậy thì trong những Thường Uỷ ở Đại hội 20, phải có ít nhất một ghế của phe Giang – Tăng. Giáo sư Chương dự đoán người này khả năng cao là Triệu Lạc Tế.

Triệu Lạc Tế hiện nay làm Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ở Đại hội 20 vẫn giữ chức vụ đó. Nếu Triệu Lạc Tế còn tại vị, Tăng Khánh Hồng sẽ có cảm giác an toàn, bởi vì chống tham nhũng, bắt cán bộ cấp cao ĐCSTQ… đều do Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương động thủ.

Triệu Lạc Tế có quan hệ rất thân thiết với Tăng Khánh Hồng. Vào năm 2000, Triệu Lạc Tế được đề bạt, trọng dụng làm Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Đảo, ông chính là người được đề bạt trong thời kỳ Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng, khi đó Tăng Khánh Hồng còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương. 

Sau đó vào năm 2003, dưới sự đề bạt của Giang – Tăng, Triệu Lạc Tế trở thành Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hải, là Bí thư Tỉnh uỷ trẻ nhất thời bấy giờ. Cho nên quan hệ giữa Triệu Lạc Tế và Giang – Tăng rất thân thiết. Nếu Triệu Lạc Tế làm Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông sẽ là ‘bức tường phòng hoả’ cho Giang – Tăng.

Vương Hỗ Ninh

Giáo sư Chương đánh giá, khả năng Vương Hỗ Ninh làm Thường Uỷ cũng rất cao. Vương Hỗ Ninh năm nay 66 tuổi, chưa vi phạm ‘thất thăng bát giáng’ (67 tuổi có thể làm tiếp, 68 tuổi phải nghỉ hưu). Vương Hỗ Ninh cũng có quan hệ rất gần với Giang Trạch Dân, thời đó người ta gọi Vương Hỗ Ninh là ‘file tài liệu’ của Giang Trạch Dân, rất nhiều lý luận của Giang Trạch Dân đều do Vương Hỗ Ninh làm.

Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế. Ảnh ghép minh hoạ.

Từ quãng thời gian đó đến nay, về phương diện hình thái ý thức của Tập Cận Bình, thì rất nhiều cách nói đều đến từ Vương Hỗ Ninh như: Trung Quốc mộng, nhất đới nhất lộ, ngoại giao chiến lang v.v.

Do đó chúng ta xem Đại hội 20, khả năng cao Tập Cận Bình tại vị, Hồ Xuân Hoa thăng lên làm Thủ tướng, Triệu Lạc Tế và Vương Hỗ Ninh vẫn được lưu lại. 

Lý Cường hoặc Thái Kỳ có thể tiến vào Thường Uỷ Bộ Chính trị

Sau khi Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng, Hàn Chính sẽ nghỉ hưu, vậy ai sẽ vào Quốc vụ viện để làm Phó Thủ tướng thay Hàn Chính?

Giáo sư Chương đoán rằng, có thể là Lý Cường – Bí thư Thành uỷ Thượng Hải hoặc Thái Kỳ (蔡奇) – Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh. 

Lý Cường và Thái Kỳ. Ảnh ghép minh hoạ.

Để làm Phó Thủ tướng, người ấy phải có kinh nghiệm quản lý tỉnh lớn hoặc thành phố lớn trực thuộc trung ương. Giáo sư Chương cho rằng Lý Cường khả năng cao sẽ trám vào vị trí Phó Thủ tướng của Hàn Chính. Bởi vì theo truyền thống chính trị của ĐCSTQ, Bí thư Thành uỷ Thượng Hải sau khi làm Uỷ viên Bộ Chính trị một nhiệm kỳ, thông thường sẽ tiến nhập vào vị trí Thường Uỷ Bộ Chính trị.

Tuy rằng Lý Cường làm Thượng Hải tồi tệ, nhưng về độ trung thành thì Tập Cận Bình hoàn toàn tín nhiệm ông ta. Do đó Giáo sư Chương dự đoán khả năng cao Lý Cường sẽ tiến vào vị trí Thường Uỷ. 

Đây là những dự đoán cơ bản của Giáo sư Chương, còn thực tế như thế nào thì đến giữa tháng 10 sẽ có kết quả, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Hội nghị Bắc Đới Hà: tương đương với hội nghị công việc mùa hè, bắt đầu vào thời kỳ Mao Trạch Đông.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, các quan chức đến đó để bơi, liên lạc với nhau… giống như cuộc gặp gỡ vào kỳ nghỉ hè. Lúc này bầu không khí có nhẹ nhàng hơn chút, nên một số người mượn cơ hội này để hình thành một số đồng thuận. Do đó bắt đầu từ thời Mao Trạch Đông, Hội nghị Bắc Đới Hà đã trở thành thông lệ.