Vào ngày 21 tháng 3, chính phủ Trung Quốc và Nga đã ra tuyên bố chung về cuộc chiến ở Ukraina, nhấn mạnh rằng “cuộc khủng hoảng Ukraina nên được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình”. Tuyên bố nêu rõ Nga tái khẳng định cam kết nối lại các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt, điều mà ĐCSTQ đánh giá cao. Theo chuyên gia, lúc này Ukraina đặt ra cho ông Tập Cận Bình một bài toán khó.

Tuyên bố chung Trung-Nga một lần nữa đề cập đến 12 luận điểm do Bắc Kinh đề xuất trước đó, nhưng chúng được coi là ủng hộ Nga và gây tổn hại đến lợi ích của Ukraina, và đã bị Ukraina, Hoa Kỳ và các nước châu Âu phủ quyết.

Tuyên bố nêu rõ: “Các bên lưu ý rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina, cần phải tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn sự hình thành đối đầu trong khối, ngừng các hành động làm trầm trọng thêm xung đột”

Cơ quan truyền thông Gzero Media của tổ chức tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group, đã đăng một bài phân tích nói rằng ông Tập Cận Bình đã nói về hòa bình ở Ukraina tại Matxcova, nhưng những gì ông ấy nói về hòa bình không phải là điều mà Ukraina hay phương Tây mong muốn. 

Bài báo cho rằng có một loạt tính toán của ĐCSTQ đằng sau tuyên bố này: Ông Tập biết rằng không có hại gì khi trở thành một người kiến ​​tạo hòa bình. Nếu làm tốt thì Bắc Kinh có thể nhận hết công lao; nếu làm không được, thì có thể đổ lỗi cho người khác.

Một số chuyên gia phân tích video về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin cho biết, ông Tập cũng chịu áp lực nhưng ông Putin có vẻ căng thẳng hơn. Sự căng thẳng cho thấy không có bạn bè thực sự trong giới chính trị. Cái bắt tay chặt và khoảnh khắc cả hai nhà lãnh đạo cùng tránh giao tiếp bằng mắt cho thấy có rất nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Cựu cố vấn trưởng về chính sách Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Dư Mậu Xuân (Yu Maochun) nói rằng Bắc Kinh đã cố gắng tự cho mình là “trung lập” và “hòa giải”, nhưng điều đó sẽ không thành công vì họ không có uy tín và không trung thực. Ông Tập đang cố gắng thu hút sự chú ý về phía mình bằng cách trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu vì hòa bình. Đặc biệt là để làm giảm tầm quan trọng của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu quan trọng.

Ngoại giới đang chú ý đến “đề xuất hòa giải” của ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, liệu tổng thống Nga Putin có thực sự tiến tới một lệnh ngừng bắn dựa trên điều này hay không?

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) tin rằng, “Lệnh ngừng bắn mà ông Putin hy vọng là lệnh ngừng bắn với tiền đề duy trì hiện trạng. Điều này có nghĩa là 4 tỉnh của Ukraina mà Nga đã chiếm đóng sẽ ngừng bắn sau khi chúng thực sự được sáp nhập vào lãnh thổ của Nga”.

Theo nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông, ông Tập Cận Bình sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraina Zelensky sau chuyến thăm Nga. Đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa họ kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina. Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang lo lắng, hy vọng rằng ông Zelensky sẽ hiểu được hiện trạng và không bị ĐCSTQ lừa gạt.

Tuy nhiên, ông Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi khi ông Tập Cận Bình thảo luận về “kế hoạch hòa giải”, nhấn mạnh rằng bất kỳ kế hoạch hòa giải nào cũng phải yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraina. 

Một số quan sát chỉ ra rằng điều này khác xa với “lệnh ngừng bắn” vốn là nội dung cốt lõi trong mười hai điểm đề xuất của ĐCSTQ. Đây sẽ là một chủ đề đáng xấu hổ cho ông Tập Cận Bình. Bởi vì ĐCSTQ luôn nhấn mạnh chủ trương tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng khi nói đến xung đột giữa Nga và Ukraina, Bắc Kinh lại đang cố gắng hết sức để tránh điều này.

Thông qua cố vấn Mykhailo Podolyak, ông Zelensky thậm chí còn chỉ trích “Kế hoạch hòa giải Ukraina” của ĐCSTQ là thiếu logic và mâu thuẫn. Ông Zelensky cũng công khai ca ngợi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraina, là người bảo vệ thực sự trật tự quốc tế, điều này tương đương với việc lên án ông Tập là kẻ phá hoại trật tự ấy.

Chuyên gia cố vấn người Mỹ Gabriel Alvarado nói rằng, ông Tập Cận Bình quan ngại nhất về đánh giá trực tiếp và thẳng thắn của ông Zelensky về cái gọi là “văn kiện hòa giải” của Bắc Kinh, và vai trò của ĐCSTQ trong cuộc xung đột này.

Trong các cuộc đàm phán giữa ông Tập và ông Putin, NATO cũng đứng ngoài cuộc, nói rằng NATO “đã thấy một số dấu hiệu” cho thấy Nga có thể đã yêu cầu ĐCSTQ viện trợ vũ khí sát thương cho cuộc xâm lược Ukraina của Nga.

Vào thời điểm này, ông trùm Yevgeny Prigozhin của đội lính đánh thuê Wagner người Nga, đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để cảnh báo rằng, quân đội Ukraina đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công sắp tới nhằm cô lập lực lượng Wagner khỏi quân đội chính quy của Nga. Trong bức thư được truyền thông Nga công bố, ông Prigozhin khẳng định “cuộc tấn công quy mô lớn” đã được lên kế hoạch diễn ra vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraina, ông Oleksandr Merezhko, tin rằng quan hệ ngoại giao Ukraina – Trung Quốc đang gặp khủng hoảng. Trong khi đại đa số các quốc gia đang cố gắng cô lập Nga, ĐCSTQ lại làm sâu sắc thêm mối quan hệ với “quốc gia hiếu chiến” ở nhiều cấp độ, điều này chắc chắn sẽ có tác động đến chính sách ứng phó với Bắc Kinh của Ukraina.

Ông Merezhko nói thêm rằng: “Hơn nữa, Ukraina đã chọn hội nhập với Châu Âu – Đại Tây Dương, điều này đi ngược lại sự phát triển quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi đứng về phía thế giới tự do và dân chủ, chứ không đứng về phía chế độ độc tài”.