Với giọng điệu khẩn cấp hơn để thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm của Trung Quốc, một quan chức hàng đầu của nước này đang kêu gọi thực hiện “đổi mới táo bạo” trong việc hoạch định chính sách thúc đẩy sinh nở.
Ông Dương Văn Trang, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã lưu ý trong một bài xã luận về Dân số và Sức khỏe rằng chi phí nuôi con là yếu tố quyết định trong việc khuyến khích sinh nhiều hơn. Ông nói: “Chính quyền địa phương nên được khuyến khích tích cực khám phá và đưa ra những đổi mới táo bạo trong việc giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục.”
Ông Dương cho biết 17 bộ phận của Quốc vụ viện đã cùng nhau ban hành hướng dẫn, đề xuất 20 biện pháp chính sách từ 7 khía cạnh để thúc giục chính quyền địa phương thực hiện những đổi mới táo bạo trong việc giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng dân số.
Theo tờ Reuters, Trung Quốc chỉ ghi nhận 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái, đây là con số thấp nhất từng được ghi nhận. Ông Dương lưu ý rằng trước năm 2025 là giai đoạn quan trọng để đẩy nhanh mức sinh trước khi vấn đề sụt giảm dân số vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông nói: “Các nghiên cứu cho thấy rằng, khi các nước châu Âu triển khai các biện pháp hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ sinh đã ở mức dưới 1,5 (số ca sinh trên một phụ nữ) và tỷ lệ này chỉ bắt đầu phục hồi chậm sau khoảng 10 năm”.
Toàn bộ nội dung của ý kiến đã được truyền thông đại lục The Paper đưa tin vào ngày 9 tháng 2.
Năm 2022 cũng đánh dấu lần suy giảm dân số lớn đầu tiên kể từ khi kết thúc Nạn đói lớn vào năm 1961, khi hàng chục triệu người Trung Quốc đã chết vì đói. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã chính thức công bố rằng dân số nước này đã giảm 850.000 người vào năm ngoái.
Cho đến năm 2015, chính phủ Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách một con nghiêm ngặt để ngăn dân số gia tăng.
Theo tờ SCMP, nhà kinh tế Trung Quốc Ren Zeping đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã không giảm giới hạn độ tuổi kết hôn đối với những người có thể kết hôn, đó là 22 đối với nam và 20 đối với nữ. Ông tin rằng giới hạn độ tuổi hiện tại là tàn dư của chính sách một con và nó sẽ cản trở nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh.
Về vấn đề này, nhà báo Vương Hạc cho rằng Trung Quốc đã rơi vào vực thẳm dân số. Cuộc khủng hoảng này có tác động toàn diện tới mọi lĩnh vực của đất nước và có thể giáng một đòn mạnh vào sự phát triển bền vững của dân tộc Trung Hoa.