5 học viên Pháp Luân Công – một môn khí công tu dưỡng cả tâm lẫn thân chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn – đã có buổi gặp gỡ với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 20/7, khi môn tập kỷ niệm năm thứ 21 hứng chịu một chiến dịch đàn áp toàn diện của chính quyền Bắc Kinh.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ông Robert Destro và ông Sam Brownback, đại sứ Hoa Kỳ vì tự do tôn giáo quốc tế, đã tham dự buổi gặp mặt qua điện thoại, đã bày tỏ lo ngại đặc biệt về vấn nạn mổ cướp tạng từ các học viên Pháp Luân Công, theo nội dung cuộc thảo luận được chia sẻ với Thời báo The Epoch Times.
Tháng 6/2019, Tòa án về Trung Quốc – một tòa án độc lập ở Luân Đôn – sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, đã đi đến kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua “trên một quy mô đáng kể”, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính. Nội tạng của nạn nhân sẽ bị cưỡng chế lấy đi để rao bán trên thị trường ghép tạng thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Trong phán quyết cuối cùng vào tháng 3, tòa án cho biết tội ác nhân quyền này vẫn còn đang diễn ra trong thực tế, đồng thời tuyên bố rằng “hành vi không được giám sát này đã khiến nhiều người phải chết một cách khủng khiếp”.
Pháp Luân Công là gì?
Là môn khí công đơn truyền từ cổ xưa, Pháp Luân Công lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Những hiệu quả kỳ diệu về sức khỏe và tinh thần của Pháp Luân Công đã khiến môn tập phát triển nhanh chóng lên tới 70-100 triệu học viên tại Trung Quốc, lần lượt theo ước tính của chính phủ và các học viên vào năm 1999.
Khi thấy số người tập Pháp Luân Công vượt quá 65 triệu đảng viên ĐCSTQ, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đương thời, Giang Trạch Dân đã phát sinh lòng đố kỵ và coi đây là một mối đe dọa đối với quyền lực tuyệt đối của ông ta. Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999, dù các thành viên trong Bộ Chính trị khi đó không tán thành việc đàn áp môn tập.
Bất chấp chiến dịch đàn áp và phỉ báng môn tập, Pháp Luân Công vẫn được chào đón trên thế giới và phổ biến ở khắp các châu lục.
Trong số những người tham dự buổi gặp mặt có Tiến sĩ Trương Ngọc Hoa, một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Giang Tô, người đã nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ và quấy rối vì từ chối từ bỏ đức tin của cô vào môn tập.
Cô Trương, 59 tuổi, trưởng khoa tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, đã trải qua tổng cộng 7,5 năm trong tù trước khi trốn thoát thành công sang Mỹ vào năm 2015.
Cô Trương nhớ lại việc phải đứng nhiều ngày liền bên trong một phòng giam, không được nghỉ ngơi hay ngủ. Cơ thể cô sưng phồng lên vì đau đớn – cơn đau bắt đầu từ phần chân, sau đó lan lên phần tay.
“Không chỉ là một ngày, hai ngày hay một tuần. Họ bắt tôi đứng như vậy cho đến khi gục ngã”, cô chia sẻ với tờ The Epoch Times, đồng thời nói thêm rằng cô dễ dàng bị ngã và ngất đi trong khoảng thời gian này. Thời gian dài nhất mà chính quyền buộc cô phải đứng là hơn 50 ngày.
Chồng của cô Trương, ông Mã Chấn Vũ, đã bị kết án ba năm tù giam vì “lý do duy nhất là gửi sáu bức thư cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc” liên quan đến Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, theo cô Trương. Cô đã không thể liên lạc với ông kể từ năm 2018. Ông Mã đã ở tù tổng cộng khoảng bảy năm trước thời điểm đó, cô Trương cho biết.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 22/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc “ngay lập tức chấm dứt việc lạm dụng và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công”, thả các học viên bị giam giữ trái phép, trong đó có chồng của cô Trương, và công bố nơi chốn của những người đang bị mất tích.
“Cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công kéo dài 21 năm qua là quá dài, và nó phải chấm dứt”, ông Pompeo nói.
Năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã gặp gỡ Tiến sĩ Trương Ngọc Hoa tại phòng làm việc của ông ở Nhà Trắng. Khi đó, bà Hoa nói rằng chính phủ Mỹ cần ngăn chặn cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tổng thống Trump lắng nghe chăm chú chia sẻ của bà Hoa và nói: “Phải, tôi hiểu rồi. Tôi đánh giá cao [chia sẻ của bà]. Cảm ơn bà rất nhiều.”
Video: Tổng thống Trump nói chuyện với học viên Pháp Luân Công về cuộc đàn áp ở Trung Quốc

Theo Minh Huệ – trang thông tin chính thức báo cáo về cuộc đàn áp Pháp Luân Công – hàng triệu học viên đã bị bắt giam phi pháp, hàng trăm ngàn người bị tra tấn và hàng nghìn người qua đời dưới áp lực cự đại.
Cùng ngày, đại sứ Brownback đã viết trên Twitter cá nhân bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với các học viên Pháp Luân Công dưới sự đàn áp ở Trung Quốc.
“Bị quấy rối, bắt giam và cầm tù tàn bạo vì đức tin của mình, chúng tôi sát cánh cùng những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị cầm tù suốt 21 năm dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc”, ông viết.
Trong một dòng tweet khác, ông cũng mô tả một cuộc gặp mặt riêng với các học viên Pháp Luân Công là rất “mạnh mẽ”, nói rằng ông “rất ấn tượng trước sự kiên định của các học viên Pháp Luân Công, trong khi bị đe dọa bởi áp lực từ chính phủ Trung Quốc vẫn không từ bỏ niềm tin của mình”.
Hơn 30 nhà lập pháp và quan chức Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố chung lên án cuộc đàn áp kéo dài 21 năm. Một loạt các hỗ trợ từ các quan chức hàng đầu của Mỹ, cô Trương nói, đã giáng “một đòn chí mạng” xuống chính quyền Trung Quốc, vốn từ lâu đã coi Pháp Luân Công là “kẻ địch hàng đầu của họ”.
Lập trường của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy thêm các hành động từ các quốc gia khác để vạch trần các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, cô Trương nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, gọi đây là một “xu hướng không thể ngăn chặn”.
Hơn 600 nhà lập pháp từ 30 quốc gia cũng đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp vô nhân đạo này.