Ethan Gutmann là tác giả của cuốn “The Slaughter” (Tạm dịch: Cuộc thảm sát) và “Losing the New China” (Tạm dịch: “Đánh mất Tân Trung Hoa”).

Ông đã viết nhiều bài về các vấn đề Trung Quốc cho các ấn phẩm như Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal Asia), Nhật báo Kinh doanh của Nhà đầu tư (Investor’s Business Daily), Tuần báo Weekly Standard, Tạp chí Quốc gia (National Review), và Tạp chí World Affairs Journal.

Ngoài ra, ông cũng cung cấp bằng chứng cũng như chỉ dẫn cho Quốc hội Hoa Kỳ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Nghị viện châu Âu, Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế tại Geneva, Liên Hợp Quốc, và Nghị viện Ottawa, Canberra, Dublin, Edinburgh và London. Ông là cựu chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông Gutmann đã xuất hiện trên PBS, CNN, BBC, và CNBC.

Ông Shelley B. Blank, phóng viên quốc tế, nhà sản xuất các chương trình cho Đài Phát thanh Công chúng (Public Radio) đã phỏng vấn ông Ethan Gutmann về nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc.

Shelley B. Blank: Chào Ethan. Chúc mừng cuốn sách mới của ông, “Cuộc thảm sát”. Mọi người có thể mua cuốn sách này ở đâu?

Ethan Gutmann: Cảm ơn Shelley. Hãy vào trang Amazon, Barnes & Noble, hoặc Random House để mua sách in. Ở đây, tại London, hầu hết các nhà sách lớn đều có một vài bản. Tất nhiên, nếu bạn đang nóng lòng muốn đọc nó ngay lập tức thì bạn có thể phải trả thêm tiền và tải bản mềm trong một vài phút thôi.

Các ấn bản tiếng Đức sẽ được xuất bản trong một hoặc hai tháng tới. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có ấn bản tiếng Trung, CH Séc, và thậm chí có thể là một ấn bản audio tiếng Anh vào cuối năm nay.

(Ảnh: plumblossomcentre.ca)

Ông Blank: Có sự khác biệt nào giữa ấn bản điện tử và ấn bản in không? Cũng cho phép tôi diễn đạt câu hỏi một cách rộng hơn: Với chủ đề đặc biệt đáng báo động về mổ cướp nội tạng được chính quyền bảo trợ ở Trung Quốc, ông nhận thấy có gì khác biệt giữa độc giả điện tử và báo chí Internet với độc giả phi điện tử và báo chí truyền thống?

Ông Gutmann: Tôi đã thấy ít nhất một nghiên cứu trình bày về điều này. Nó cũng phù hợp với kinh nghiệm của tôi – rằng đọc sách điện tử thường khó nhớ hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là đọc sách trên phương tiện điện tử là lãng phí thời gian. Nó có nghĩa là bạn hay đọc lướt qua. Tôi chắc như vậy.

Và nếu bạn đang đọc nó trên một máy tính thì cả thế giới trực tuyến – bạn bè, các trò vui chơi giải trí, tình dục, tin tức… chỉ cách bạn một cú click chuột mà thôi.

Chính điểm này phù hợp cho câu hỏi lớn hơn mà ông vừa đặt. Ngày nay hầu hết các bài báo được viết trên các trang web – đều được thiết kế đặc biệt cho một không gian nơi mà các cám dỗ giải trí ở quá gần bài viết. Các bài báo trên web về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.

Ngay cả các hoạt động (như nghiên cứu, các cuộc gọi điện thoại, các cuộc biểu tình .v.v..) đang được thay thế bằng trào lưu chia sẻ ảnh chế (meme) trên các trang mạng xã hội. Ồ, tôi thích được giới thiệu như một người hùng nhân quyền chứ – nhưng bạn không thể nói nhiều trong một bức ảnh. Nó chỉ là một đoạn thông tin ngắn, chỉ đơn giản khẳng định rằng những người dân vô tội đang bị thu hoạch nội tạng. Nếu không đưa ra bằng chứng thì không thực sự thuyết phục. Không có thời gian cho điều đó.

Trong một thế giới như vậy, “Cuộc thảm sát” trở thành chỉ một lá bùa, một di tích, một chỗ dựa để cho thấy rằng có bằng chứng ở đâu đó và có những người thực sự bị tra tấn và giết chết. Chuyện đó đã xảy ra.

Xem thêm:

Tuy nhiên, những nạn nhân này không chỉ là những người vô danh. Họ có tên tuổi, gia đình và nhân cách. Bạn có nghĩ rằng phần lớn những người Tây phương thiện lương khi lướt qua những thông tin trên web có biết những cái tên đó có nghĩa là gì không? Tôi đã cố gắng khiến cho các nạn nhân trở nên thực tế và lôi cuốn trong cuốn sách của tôi – đó là lý do tại sao tôi đã viết nó – nhưng nhiều người đơn giản là không đọc nó kỹ lưỡng.

Các nhà báo trên Internet chỉ nói về nạn mổ cướp nội tạng một cách mờ nhạt.

Đó là lý do tại sao mức độ nhận thức chung về mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc không thực sự nâng lên; báo chí không xây dựng các bài viết dựa trên những phát hiện trước đó. Thay vào đó là tất cả đều mới toanh: Phụ nữ Anh sử dụng kem dưỡng da có chứa collagen từ các tử tù! Báo cáo “Bloody Harvest” (Tên tiếng Việt: Thu hoạch đẫm máu) cho biết các học viên Pháp Luân Công đang bị giết hại! Lạ lùng thay, người Trung Quốc đã bất ngờ tuyên bố ngừng thu hoạch nội tạng từ các tù nhân! Tất cả những lời tuyên bố này đã được đưa tin trước đây. Nhiều lần rồi.

Nhưng vẫn có tin tức thực tế để báo cáo. Tôi và những người tổ chức điều tra vấn đề này – ông Kilgour và ông Matas, Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh (Epoch Times), Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG ), Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH ) – đã có những bước tiến lớn trong việc hiểu biết về vấn nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc trong những năm qua. Luôn luôn có một cái gì đó mới.

Xem thêm:

Ông Blank: Ông nói “trong những năm qua”, vậy là bao nhiêu năm? Có lẽ đây là một điểm để ông chia sẻ những suy nghĩ và những kỷ niệm về một người đồng nghiệp vừa qua đời: nhà báo Danny Schechter.

Ông Gutmann: Cuộc điều tra thu hoạch nội tạng bắt đầu vào năm 2006. Nhưng hãy ngược trở lại một chút nữa. Danny Schechter là một người bạn và “người đồng sáng lập” của những dự án đầu tiên của tôi tại Trung Quốc. Trên thực tế, các báo cáo video đầu tiên tôi đã làm về Pháp Luân Công – cuộc biểu tình đầu tiên ở Washington D.C. – đã được thực hiện với sự hợp tác của Danny vào tháng 8/1999.

Về mặt chính trị chúng tôi có thể không phải là những người có cùng quan điểm, nhưng Danny, tác giả phương Tây đầu tiên của một cuốn sách toàn diện về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vẫn luôn luôn chĩa mũi dùi vào những chỗ mà những người cánh tả khác sợ không dám động đến. Quay trở lại năm 2000, ông Danny đã dự đoán rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện tại có thể sẽ “leo thang thành một thảm kịch như những cơn ác mộng ám ảnh nhất của lịch sử”. Đó là một lời tiên tri. Tôi sẽ không bao giờ quên được ông.

Ông Blank: Với thảm họa nhân văn đang tiếp diễn của nạn mổ cướp nội tạng được nhà nước bảo trợ tại Trung Quốc, ông nghĩ rằng truyền thông kỹ thuật số và đa phương tiện đã thay đổi cách chúng ta xử lý thông tin như thế nào?

Ông Gutmann: Đó là một nghịch lý, thế nhưng sự thờ ơ lại thực sự ngày càng tăng.

Xem thêm:

Ông Blank: Ý của ông là bây giờ chúng ta có nhiều tin tức truyền thông hơn, nhưng lại có ít sự phản hồi từ công chúng hơn? Những người chú ý đến những thông tin này còn ít hơn nữa? Liệu có phải lượng thông tin khổng lồ này đang chôn vùi ý nghĩa của nó hay không?

Ông Gutmann: Đúng vậy, hiện tại, chúng ta thấy sốc với việc có quá nhiều sự tàn bạo trên toàn cầu và bản chất trắng trợn của chúng, trong trường hợp của ISIS, các cuộc hành quyết có trẻ em tham gia được chụp ảnh một cách thích thú, v.v… Ví dụ, chúng ta chỉ biết được rằng ISIS đang thu hoạch nội tạng. Dĩ nhiên nó không thể so sánh với số lượng người vô tội đang bị thu hoạch nội tạng tại các bệnh viện quân đội ở Trung Quốc, nhưng hãy thử nói với một người vừa xem video một người đàn ông bị thiêu sống xem! Trong thế giới kết nối của chúng ta, tội ác cũng lây lan nhanh chóng, trong trường hợp thu hoạch nội tạng, giống như virus vậy. Chúng tôi đấu tranh chống lại nó, nhưng chúng tôi phải trả giá trong sự mệt mỏi đáng thương.

Nghịch lý là khi nói đến Trung Quốc, chúng ta không có nhiều thông tin. Khối lượng thông tin hữu ích thực sự là rất ít. Đó là lý do tại sao mọi câu chuyện về từng người tị nạn, mọi dữ liệu, là cực kỳ quý giá.

Ông Blank: Ở Trung Quốc, chính quyền hiện nay có khả năng vô hiệu hóa các thông tin liên lạc và tin tức giống như tắt một vòi nước. Ông đã xuất hiện trước các ủy ban chính phủ với các chủ đề như “Golden Shield” (Tấm khiên vàng) và hệ thống Cisco và nói về “khả năng giám sát các dịch vụ chat trực tuyến và thư điện tử, IP và tất cả các thông tin liên lạc trước đó của một người, và sau đó phong tỏa nơi ở của người đó… và thực hiện việc bắt giữ”.

Ông Gutmann: Đúng vậy, đó là thực tế tại Trung Quốc. Ở phương Tây, Internet tạo ra một ảo tưởng rằng chúng ta đều được kết nối, tất cả đều quan sát được, giống như một vị thần. Chúng ta có một người bạn Facebook từ Trung Quốc và chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết về Trung Quốc. Chúng ta không biết về Trung Quốc và họ cũng thế; họ sống trong “chiếc hộp” được xây dựng rất công phu ở Trung Quốc.

Đó là ý nghĩa thực sự của hệ thống “Anh Cả” (Big Brother). Và mẫu hình độc tài đó có một tương lai, một tương lai vượt ra ngoài cả Trung Quốc, và vượt quá cả những cảnh báo của Assange hay Snowden cho thế giới phương Tây. Trong nhiều trường hợp, các công ty của phương Tây có lẽ chỉ thỏa hiệp vì lợi ích của mình, nhưng cái mà họ đã giúp xây dựng nên đã thông minh và nguy hiểm hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì mà Cục An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ (NSA) từng tạo ra.

Xem thêm:

Ông Blank: Ông đã từng phỏng vấn hơn 100 nhân chứng bao gồm các học viên Pháp Luân Công còn sống, bác sĩ, cảnh sát, và các quản lý trại giam. Ông đã đưa ra các tuyên bố rằng 65.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng từ năm 2000 đến năm 2008, và rằng có khoảng 450 nghìn đến 1 triệu học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ tại bất kỳ thời điểm nào. Và còn bao gồm các nạn nhân đến từ các tổ chức khác như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, Kitô giáo. Là một nhà báo, ông cảm nhận thế nào về cách mà báo chí quốc tế đưa tin về thảm họa này? Và báo chí nên làm gì hơn nữa đối với vấn nạn này?

Ông Gutmann: Tôi đã yêu cầu báo chí đừng lãng phí thời gian vào những thứ đã có rồi. Hãy bắt đầu thực hiện một số điều tra đầu tiên của riêng họ. Giữa ông Kilgour, ông Matas, và công việc của tôi, bạn có thể tìm thấy một hướng đi đến các lĩnh vực chưa được biết về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, ví dụ như sự thỏa thuận về du lịch ghép tạng từ phương Tây. Đó là một lĩnh vực rộng mở, đủ chín muồi để tìm hiểu.

Xem thêm:

Ông Blank: Ông có nghĩ rằng ngành y tế Mỹ có thể làm điều gì đó để thay đổi tình trạng này, và hiện tại họ đang làm gì?

Ông Gutmann: Họ là những người lái chính trên chiếc thuyền này. [Chính quyền] Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã ngừng thu hoạch nội tạng từ các tù nhân từ ngày 01/01/2015. Trong thực tế, họ cũng đã đưa ra lời hứa tương tự từ năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian này, họ đã duy trì một kẽ hở nội bộ: các tù nhân được phép hiến tạng tự nguyện theo một chương trình mới.

Không rõ là các tù nhân sẽ được tính đếm như thế nào và quả thực những số ca ghép và hiến tạng của Trung Quốc càng ngày càng không còn có chút hợp lý thực tế nào nữa. Thế nhưng, các cơ quan y tế của phương Tây lại đang nghiêm túc cân nhắc việc công khai khen thưởng [chính quyền] Trung Quốc cho thông báo giả dối này – có vẻ như họ lịch sự đến mức còn không đưa ra vấn đề xác minh nữa!

Xem thêm:

Gần đây tôi đã được yêu cầu viết một bài báo nhắm vào các cơ quan y tế Mỹ, khẩn cầu họ không tiến hành kế hoạch này. Chuyện này có vẻ nhỏ mọn, nhưng tôi đã có những cảm xúc cản trở, không muốn viết bài báo đó, bởi vì có viết thì tôi cũng chỉ lặp đi lặp lại những lời cuối cùng trong cuốn sách của tôi: “Không một tổ chức phương Tây nào có quyền về đạo đức lại cho phép ĐCSTQ cản trở việc vạch trần tội ác chống lại loài người, để đổi lấy lời hứa cải cách y tế. Như một cơ chế sinh tồn của giống loài chúng ta, chúng ta phải nhận định bối cảnh, đánh giá và cuối cùng là rút ra bài học từ những lần con người sa vào việc giết chóc hàng loạt.

Cuối cùng, các sử gia có đồng thuận rằng nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc cũng khủng khiếp như sự đồi bại về mặt y tế của Đơn vị sát nhân 731 trước đây của Nhật Bản, hay hệ thống trại lao động tàn bạo thời Xô Viết, hoặc các phương pháp cải giáo mạnh tay của Tây Ban Nha thời Trung Cổ.

Điều tối quan trọng là còn có lịch sử. Và chỉ có gia đình của những nạn nhân này mới có quyền tha tội cho ĐCSTQ hay không”.

Ông Blank: Điều gì làm ông nghĩ rằng sẽ mang lại kết quả tích cực và sự quan tâm của quốc tế đối với thảm họa này?

Ông Gutmann: Chúng ta phải sử dụng những công cụ này trong tay. Internet thúc đẩy sự chú ý một cách nhanh chóng nơi twitter và meme chiếm ưu thế, và Wikipedia được coi là một nguồn dữ liệu đáng tin cậy.

Hơn thế nữa, Internet cũng thúc đẩy một ý tưởng rất mạnh mẽ: tất cả chúng ta đều có thể tham gia. Và bạn cũng thế. Nhưng giống như bước ra từ một đống lửa trại để xem các ngôi sao trên bầu trời đêm, bạn có thể phải bước ra khỏi màn hình một lúc. Hãy đọc “Cuộc thảm sát” – đọc một cách cực kỳ cẩn trọng! Hãy đọc “Thu hoạch đẫm máu” và cả “Nội tạng Nhà nước”. Sau đó phát triển các nghiên cứu nội dung của riêng bạn, các dự án sáng tạo của riêng bạn. Các công cụ đó có thể đã thực sự thay đổi, nhưng cuộc đấu tranh chống lại cái ác thì vẫn luôn trường tồn.

“Thu hút, kinh hoàng, căm giận và hoàn toàn hấp dẫn… hãy đọc cuốn sách này.”

– Ông Bill Kristol, đánh giá cuốn “Cuộc thảm sát”

Shelley B. Blank
Bài phỏng vấn được đăng tải trên Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh. Tựa bài do Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt biên tập.
Ánh Sao biên dịch

Xem thêm: