Khi lương tri của con người lên tiếng, thì không còn phân biệt đảng phái và màu sắc chính trị. Quả là như vậy, đó là các nghị sĩ Pháp đến từ các tất cả các xu hướng chính trị, có cả cánh tả lẫn cánh hữu.

Đáng chú ý là, phần lớn đó là những nghị sĩ theo đường lối chính trị ôn hòa, « trung dung » (les centristes) chứ không nằm trong số bị công chúng xem là cực đoan, và nhiều người trong số họ nằm trong liên minh cầm quyền từ những năm 2017 tới nay, LaREM (và MoDem). Họ là các nghị sĩ, cả Thượng viện lẫn Hạ viện nước Pháp, khi được biết đến những báo cáo về sự đàn áp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên những học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc suốt từ năm 1999 tới nay – dưới nhiều hình thức mà một trong số đó là cướp mổ nội tạng – đã lên tiếng phản đối. 

Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thượng nghị sĩ André Gattolin và Dân biểu Laurianne Rossi

Chúng tôi xin được nêu ra một số ví dụ điển hình. Bắt đầu từ Thượng nghị sĩ André Gattolin và Dân biểu Laurianne Rossi, cả hai đều thuộc đảng cầm quyền LaREM, đại diện cho « tỉnh » [1] Hauts-de-Seine. Hai người cùng viết chung một bài báo được đăng trên thời báo Libération, số ra ngày 10 tháng 2 năm 2019, với tựa đề, tạm dịch « Nước Pháp phải có nhiệm vụ chống lại việc cướp mổ nội tạng » [2]. 

Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thượng nghị sĩ André Gattolin và Dân biểu Laurianne Rossi. (Ảnh: Wikipedia)

Nội dung bài báo có thể tóm lược trong những dòng chữ sau : « Theo một báo cáo năm 2006 của David Matas và David Kilgour (người Canada, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ quốc tế DAFOH [3], hay còn gọi là Hiệp hội các bác sỹ chống lại nạn cướp mổ nội tạng), hình thức đàn áp này có mục tiêu chính là hàng ngàn tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công – một hình thức yoga của Trung Quốc – cũng như những người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng bị cầm tù [trái pháp luật]».

Thượng nghị sĩ André Gattolin là người có hai bằng Thạc sỹ. Một là cho những nghiên cứu về thị trường và dư luận tại Học viện Chính trị Paris (Sciences Po Paris), một là về lịch sử xã hội tại Trường (lớn) về các nghiên cứu xã hội học. Sau đó, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về khoa học thông tin tại Đại học Sorbonne « mới » – Paris 3. Đặc biệt từ năm 1988 tới năm 1996, Tiến sỹ Gattolin là Phó Giáo Sư tại ngôi trường danh tiếng Học viện Chính trị Paris. Ngày nay, mặc dù đã trở thành một chính khách, Tiến sỹ Gattolin vẫn tiếp tục có những giờ trên giảng đường của Đại học Paris 3. 

Không chỉ lên tiếng chống lại nạn cướp mổ nội tạng, Tiến sỹ Gattolin còn là người liên tục cảnh báo những nguy cơ mang tính toàn cầu đến từ ĐCSTQ. Ví dụ, trong năm 2021, ông là tác giả của một báo cáo nhằm “Bảo vệ tốt hơn di sản khoa học và tự do học thuật của chúng ta“, trong đó ông phân tích sự can thiệp của Trung Quốc vào thế giới học thuật Pháp, đặc biệt là thông qua mạng lưới các viện « Khổng Tử ». Ngay sau đó, ông là khách mời của chương trình radio nổi tiếng France Inter để cảnh báo về tình trạng “tự kiểm duyệt đã trở thành chế độ thống trị trên một số đối tượng nhất định” trong giới truyền thông và tinh hoa nước Pháp dưới ảnh hưởng của ĐCSTQ. 

Dân biểu Laurianne Rossi. (Ảnh: Wikipedia)

Còn về phần mình, bà Laurianne Rossi tốt nghiệp các học viện và đại học danh tiếng như Đại học Paris Panthéon-Sorbonne và Sciences Po Aix-en-Provence. Sinh năm 1984, từng là một trong những lãnh đạo trẻ của đại công ty về vận chuyển đường sắt của Pháp, SNCF, khi trở thành chính khách, bà là người lãnh đạo của nhóm các Dân biểu chủ trương cải cách hệ thống giao thông. Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch của Hiệp hội chống ô nhiễm tiếng ồn của Pháp, Phó chủ tịch Hiệp hội Quan sát về các vấn đề đạo đức công cộng. 

Dân biểu – nhà sản xuất phim danh tiếng – Frédérique Dumas

Dân biểu Dumas là một người cực kì nổi tiếng trong giới làm phim nước Pháp. (Ảnh: Twitter Frédérique Dumas)

Bà Dân biểu Frédérique Dumas là người có những hoạt động có thể nói là không mệt mỏi lên án nạn cướp mổ nội tạng và nạn đàn áp các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ tiến hành tại Trung Quốc. Bà còn là tác giả của dự luật phán xét các hành vi đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ mang tính diệt chủng. Nhưng trước khi đi vào chi tiết của những hoạt động này của bà, chúng tôi xin giới thiệu một cách ngắn gọn sự nghiệp lẫy lừng người phụ nữ trong lĩnh vực chuyên môn của mình trước khi bước chân trên con đường chính trị. 

Thật vậy, bà Dumas là một người cực kì nổi tiếng trong giới làm phim nước Pháp. Bà là chủ nhân của những huân huy chương danh giá bậc nhất nước Pháp, trong đó có Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh về Nghệ thuật. 

Bà là người sáng lập, người chủ, người lãnh đạo Studio 37, trước khi hãng phim này được đại công ty truyền thông Orange của Pháp mua lại. Bà đã từng là nhà sản xuất của rất nhiều bộ phim danh tiếng, trong đó, có bộ phim đoạt đến 5 giải Oscar (chưa kể các giải chính của Liên hoan phim Cannes, 3 giải Quả cầu Vàng, 6 giải César) và làm nên sự nổi tiếng trên trường quốc tế của tài tử Jean Dujardin: bộ phim The Artist. Hoặc là cũng có thể kể đến bộ phim Timbuktu, ngoài các giải thưởng tại các liên hoan Phim Cannes và Oscars, nó là chủ nhân của 7 giải thưởng Césars, trong đó có giải Phim hay nhất.

Trở lại những hoạt động không mệt mỏi của bà chống lại những tội ác man rợ của ĐCSTQ, thì theo những gì chúng tôi được biết, bà là tác giả chính của ít nhất 2 dự luật gây chấn động tại Quốc hội Pháp. Một là lên án các hành vi phi đạo đức trong việc hợp tác và đào tạo các kĩ năng cấy ghép nội tạng giữa Pháp và Trung Quốc, và qua đó là nạn du lịch « cấy ghép tạng » của du khách Pháp; hai là việc phải chỉ rõ các hành vi mang tính diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ. 

Đầu tiên là dự luật năm 2021, nhằm « đảm bảo sự tôn trọng các nguyên tắc đạo đức của việc hiến tạng được thực hiện bởi các đối tác nằm ngoài Châu Âu » [4], được bà trực tiếp soạn thảo, và sửa đổi từ những phiên bản đầu tiên từ năm 2020, và được đồng kí tên bởi 38 dân biểu khác. 

Trong dự luật, bà đã trích dẫn tác phẩm « Bị kết án lưu đày » [5] của nữ sĩ nổi tiếng Sayragul Sauytbay, người từng là cựu đảng viên ĐCSTQ, sinh ra tại Tân Cương, trốn chạy khỏi Trung Quốc năm 2018 và đưa ra các bằng chứng tố cáo sự đàn áp vô nhân tính của Trung cộng lên người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi xin được dẫn nguyên đoạn trích mà bà Dumas đã chọn để đưa vào dự luật :

« Sayragul Sauytbay, một người Kazakhstan sinh ra ở Tân Cương, viết rằng vào những năm 1990, “Ở Tân Cương, mọi người đều nói về sự mất tích của các học viên Pháp Luân Công và các cá nhân khác bị bôi nhọ bởi Giang Trạch Dân – vào thời điểm đó là lãnh đạo đảng. Chúng tôi biết rằng, Trung Quốc cấy ghép nhiều nội tạng hơn rất nhiều so với số lượng [được ghi nhận một cách chính thức] đến từ những người hiến tặng tự nguyện, và đến từ các tử tù[…] Do đó, ở Trung Quốc, việc buôn bán nội tạng sinh lợi không phải là công việc của các băng đảng tội phạm có tổ chức, mà là của chính ĐCSTQ”».

Bà Dumas còn trích dẫn báo cáo của cựu Quốc vụ Khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, David Kilgour và luật sư dân quyền David Matas : « Cuộc khảo sát của David Kilgour và David Matas, kết quả được công bố vào năm 2016 và được rà soát lại vào năm 2020, cho thấy có từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng được thực hiện mỗi năm ở Trung Quốc, trong khi số ca cấy ghép được công bố chính thức chỉ là từ 19.000 đến 29.000. » [6]

Dự luật mang số 4783 được lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2021 này không được thông qua, nhưng nó làm rung chuyển Quốc hội Pháp, khi nó dựa trên báo cáo [6] vào tháng 3 năm 2021 của chính bà Dumas về vai trò của rất nhiều các trường đại học Y khoa và các bệnh viện hàng đầu của Pháp trong việc đào tạo các kĩ năng mổ lấy và cấy ghép nội tạng người cho các chuyên gia Trung cộng, dưới hình thức « hợp tác nghiên cứu khoa học ». Một trong những điều khoản của dự luật này, do vậy, chỉ đơn giản, là nghiêm cấm các hoạt động nghiên cứu khoa học mà bỏ qua các quy phạm về đạo đức như vậy.

Năm 2022, nữ Dân biểu Frédérique Dumas lại đích thân là người soạn thảo những phiên bản mới của dự luật này, nhằm vô hiệu hóa các phản đối của đại diện của chính phủ Pháp ở Quốc hội. Tháng Hai cùng năm, bà tiếp tục sửa đổi dự luật, ngoài việc định ra một khung pháp lý về các nguyên tắc đạo đức cho việc hợp tác nghiên cứu y khoa với Trung Quốc, còn là kiểm soát và có các chế tài chống lại tệ nạn du lịch « cấy ghép » đến Trung Quốc nếu mục đích là cấy ghép nội tạng.

Theo báo cáo của thời báo Figaro [7], với phiên bản này, « Frédérique Dumas đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các phe đối lập cả cánh tả (PCF, LFI, PS) lẫn cánh hữu (LR và UDI), và thậm chí các dân biểu của đảng cầm quyền [LaREM] ». Tuy nhiên, theo đúng từng câu từng chữ của thời báo Le Monde [8], dự luật đã bị chính phủ Pháp tìm cách ngăn chặn, với lý do « đề nghị này không đem lại bất cứ điều gì mới cho cái kho vũ khí về mặt pháp lý và ngoại giao vốn đã rộng lớn mà nước Pháp hiện đang sở hữu ».

Ở một diễn biến khác, những nỗ lực của nữ Dân biểu Frédérique Dumas, lại được đền đáp xứng đáng: Cũng với rất nhiều phiên bản, cũng đã bị ngăn chặn nhiều lần bởi đảng cầm quyền LaREM, cuối cùng thì Quốc hội Pháp cũng chính thức thông qua điều khoản công nhận tính diệt chủng của sự đàn áp mà ĐCSTQ thực hiện trên đất Tân Cương đối với người Duy Ngô Nhĩ. Mà không ai khác, chính bà Dumas lại là người trực tiếp soạn thảo và điều chỉnh liên tục điều khoản này.  

Điều khoản được thông qua với 169 phiếu thuận và chỉ có một phiếu chống, của nghị sĩ phụ trách quan hệ đối ngoại Pháp – Trung. Câu chuyện ly kì của rất nhiều phiên bản của điều khoản ghi nhận tính diệt chủng của sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, cho đến khi nó được thông qua, được tường thuật đầy đủ bởi Le Monde trong một bài báo tháng Giêng năm 2022 [9]. 

Các dân biểu liên minh cầm quyền LaREM – MoDem viết thư chất vấn Ngoại trưởng Pháp

Dân biểu Eric Alauzet. (Ảnh: Wikipedia)

Trong câu hỏi bằng văn bản của mình cho chính phủ ngày 7 tháng 8 năm 2018, ông Eric Alauzet, dân biểu LaREM của tỉnh Doubs thu hút sự chú ý của Ngoại trưởng Pháp về “những nghi ngờ buôn bán nội tạng lấy từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, nhưng cũng từ các nhóm chính trị hoặc dân tộc thiểu số, sẽ được sử dụng để thúc đẩy du lịch cấy ghép nội tạng. » 

Nghị sĩ Alauzet đề cập đến số người Pháp đang trong danh sách chờ cấy ghép nội tạng tại Pháp nhưng đã “biến mất khỏi danh sách những người nộp đơn xin nội tạng được liệt kê trên trang web của Cơ quan Y sinh học, mà không phải là do tử vong. Điều này đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của một kênh hiến tạng bất hợp pháp. »

Dân biểu Fadila Khattabi. (Ảnh: Assemblée Nationale)

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2018, bà Fadila Khattabi, dân biểu LaREM tỉnh Côtes d’Or đã cảnh báo Ngoại trưởng Pháp về vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Bà nghị sĩ đưa ra các con số đáng chóng mặt: “50.000 ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã diễn ra mỗi năm kể từ năm 2000-2001, không có nguồn gốc nội tạng được giải thích; 4 báo cáo quốc tế (Kilgour /Matas 2008, Gutmann 2015, Matas 2016) chứng minh rằng các thành viên của phong trào Phật pháp Pháp Luân Công là nạn nhân đầu tiên của các tệ nạn này. »

Dân biểu Sophie Mette. (Ảnh: Wikipedia)

Dân biểu Sophie Mette, đại diện cho đảng MoDem tại Gironde cũng đã viết thư chất vấn Ngoại trưởng Pháp vào ngày 26 tháng 6 năm 2018. Trong thư, bà Mette nhấn mạnh rằng « số lượng các trung tâm cấy ghép ở Trung Quốc đã tăng từ 150 lên 600 từ năm 1999 đến năm 2006. Theo ba báo cáo quốc tế đáng sợ (Kilgour / Matas năm 2008, Gutman năm 2015, Kilgour / Matas / Gutman vào năm 2016), được thiết lập trên cơ sở các điều tra độc lập, mục tiêu đầu tiên của họ là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù và bị đàn áp đẫm máu, nhưng cũng có các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo (Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Kitô hữu). [Họ được sử dụng] để nuôi một kênh bán nội tạng của cả Trung Quốc. »

« Đồng thời, một số công ty dược phẩm, bao gồm cả những người khổng lồ châu Âu Roche và Novartis, đã bị các nhóm nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế và các phương tiện truyền thông lớn của châu Âu như tờ báo Đức Die Zeit chỉ ra là đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép tạng, và đã ký kết mà không chứng minh nổi sự minh bạch cho bất kì mối “quan hệ đối tác nghiên cứu” nào mà họ tài trợ rộng rãi cho Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép tạng ». 

Do đó, bà muốn biết « Pháp đã thực hiện hành động gì để đảm bảo việc chấm dứt trên thực tế các hoạt động phi đạo đức như vậy, và để đảm bảo rằng các công ty dược phẩm Pháp không đóng góp gián tiếp, thông qua tài chính của họ, cho việc buôn bán nội tạng người ở Trung Quốc. »

Nguồn ảnh: minhhui.org.

Khi lương tri lên tiếng, thì không còn trái hay phải, cực tả hay cực hữu

Quả là như vậy, nếu ta nhìn vào danh sách những nghị sĩ mà chúng tôi đã nêu ở trên, cũng như những nghị sĩ đã tham gia đồng kí tên vào những dự luật mà Dân biểu Frédérique Dumas soạn thảo, thì phần lớn họ là những nghị sĩ theo đường lối trung dung, « centristes », đến từ LaREM, MoDem. Và đặc biệt, có lẽ, những dự luật mà bà Dumas chủ trương, là những dự luận hiếm hoi nhận được sự đồng thuận đến từ các đảng phái vốn có những tư tưởng và quan điểm hết sức đối lập, cả phái tả và phái hữu, thậm chí có cả cực tả và bảo thủ. 

Điều đáng nói là ở chỗ, bà Frédérique Dumas vốn là dân biểu đại diện cho đảng cầm quyền LaREM cho đến năm 2018, khi bà li khai khỏi đảng này do bất đồng chính kiến. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều các dân biểu LaREM đã ủng hộ bà Dumas, và thậm chí cùng kí tên nhằm cho thông qua tại Quốc hội Pháp dự thảo luật chống lại tính phi đạo đức của những mối quan hệ hợp tác khoa học du lịch liên quan đến cấy ghép nội tạng với ĐCSTQ. Đó là những vị như Damien Adam, Patrice Anato, Fabienne Colboc, Annie Chapelier, Laurianne Rossi, Agnès Thill, Elisabeth Toutut-Picard, etc.

Họ đã vượt qua được bất đồng chính kiến, để cùng đồng tình lên án một vấn nạn nhức nhối về nhân quyền đã tồn tại và được cả thế giới chứng kiến khoảng 20 năm nay. Cũng như bà Dumas, rất nhiều những dân biểu đã hoặc đang đại diện cho đảng cầm quyền LaREM là những chuyên gia thành danh trong lĩnh vực chuyên môn của mình trước khi hoạt động chính trị. 

Nói xa hơn một chút, họ, trước khi là dân biểu, trước khi khoác lên mình chiếc áo choàng mang màu sắc tư tưởng hay trào lưu nào đó, thì khi cất tiếng khóc chào đời đều là con người mang trên mình những giá trị nhân bản phổ quát của toàn bộ nhân loại. Đúng như người xưa vẫn dạy « Nhân chi sơ tính bản thiện ». Thiện lương vốn là bản tính bản chất nguyên sơ nhất của con người.

Do vậy, dù là quan điểm chính trị khác nhau, cá tính, kinh nghiệm, tuổi tác, niềm tin tôn giáo, nền tảng giáo dục tuy không đồng nhất, nhưng khi đứng trước một vấn nạn chung của nhân loại, thì bản tính thiện lương của con người đã lên tiếng.

Những gì chúng tôi nêu lên ở đây chỉ là ví dụ về những tiếng nói của lương tri trên chính trường nước Pháp. Do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi không thể nêu hết những ví dụ tương tự như vậy trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng ở một thế giới văn minh, thì ai ai khi biết được sự thật về sự tà ác của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nghĩ, Tây Tạng, Ki-tô hữu, và rộng hơn là toàn bộ người dân Trung Quốc, cũng đều sẽ cảm thấy cần phải loại bỏ nó.

Đó có lẽ cũng là lý do cho sự ra đời của phong trào thỉnh nguyện quốc tế « Chấm dứt Trung cộng » với hàng triệu chữ ký : https://endccp.com/vi/

Tác giả: Tiến sĩ Phạm Cao Tùng
(Từ Paris, Cộng hoà Pháp)

***

Chú thích và nguồn tư liệu

[1] Đơn vị hành chính thấp hơn của « vùng ». Nước Pháp có khoảng 100 đơn vị hành chính như vậy. Không có khái niệm tương đương trong tiếng Việt. Khái niệm gần nhất, ở Việt Nam, theo chúng tôi, là « tỉnh ».

[2] Liên kết đến bài báo : https://www.liberation.fr/debats/2019/10/02/la-france-doit-s-engager-contre-le-prelevement-force-d-organes_1755005/?fbclid=IwAR3VsxmDM_HpC6ItGR62JPdFOcs0E486a3YhxUC04QBin71RKJk7yBiV3oc

[3] DAFOH là viết tắt của Doctors Against Forced Organ Harvesting. Trang nhà của tổ chức phi chính phủ này là : https://dafoh.org/

[4] Đường link dẫn đến dự luật này : https://www.assemblee-nationale.fr/dyn/15/textes/l15b4783_proposition-loi.pdf

[5] Nguyên gốc tiếng Đức, được chấp bút bởi nhà văn Alexandra Cavelius. Bản tiếng Anh : https://www.goodreads.com/en/book/show/54823635-the-chief-witness

[6] Phiên bản tiền thân của dự luật, là một bản báo cáo từ tháng 3 năm 2021, về tình trạng vi phạm đạo đức trong việc cấy ghép tạng tại Trung Quốc : https://www.assemblee-nationale.fr/dyn/15/rapports/cion-soc/l15b4037_rapport-fond

[7] https://www.lefigaro.fr/flash-actu/trafics-d-organes-echec-d-un-texte-a-l-assemblee-la-chine-montree-du-doigt-20220204

[8] https://www.lemonde.fr/international/article/2022/02/04/l-assemblee-francaise-debat-du-trafic-d-organes-organise-par-la-chine_6112359_3210.html

[9] https://www.lemonde.fr/blog/cuisines-assemblee/2022/01/20/reconnaissance-inattendue-du-genocide-des-ouighours-a-lassemblee-nationale/

Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||50949d31a__

Ad will display in 09 seconds