Năm 2019, Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị, triều đại Heisei kết thúc. Điều này không chỉ làm dấy lên cuộc bàn luận về tên niên hiệu sắp tới mà còn khiến các nhà sản xuất sốt sắng để kịp làm lịch mới.
Theo AFP, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng loại lịch theo niên đại hoàng đế. Việc Nhật Hoàng Akihito thoái vị vào năm 2019 sẽ khép lại thời kỳ Heisei, tạo nên những cuộc bàn luận về niên hiệu mới.
Theo dương lịch, năm nay là năm 2018, nhưng là năm Heisei thứ 30 tại Nhật Bản, đánh dấu 3 thập kỷ trị vì của Nhật Hoàng Akihito.

Tại Nhật Bản, lịch niên đại được sử dụng rộng rãi cùng dương lịch. Ngày tháng tính theo năm trị vì của nhà vua và xuất hiện phổ biến trong các tài liệu chính phủ, báo chí và lịch thương mại bán cho người dân.
Theo ông Kunio Kowaguchi, Chủ tịch công ty sản xuất lịch Todan: “Việc hình dung lịch sử sẽ dễ dàng hơn nếu có các thời kỳ. Ví dụ, chúng tôi nhớ rằng bong bóng kinh tế vỡ vào đầu thời kỳ Heisei”.
Ngụ ý của Chủ tịch Kowaguchi là về sự sụp đổ của nền kinh tế đầu cơ tích trữ tại Nhật Bản đầu những năm 1990.
Việc thời kỳ Heisei sắp kết thúc dường như là một yếu tố khiến chính phủ Nhật Bản quyết định tử hình 13 thành viên giáo phái cực đoan Aum (đã gây ra vụ tấn công sử dụng khí độc sarin trên tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995) trong năm nay. Giới chức Nhật Bản có lẽ muốn đặt dấu chấm hết cho vụ việc trước khi triều đại Heisei khép lại.
Nhật Bản đã trải qua 250 thời đại từ khi áp dụng hệ thống niên đại vào thế kỷ VII. Trong quá khứ, các nhà vua có thể đổi niên hiệu trong thời gian tại vị sau khi thiên tai hoặc khủng hoảng xảy ra để bắt đầu một khởi đầu mới. Gần đây, niên đại thường kéo dài cùng thời gian trị vì của nhà vua.
Thái tử Naruhito sẽ lên Ngai Hoa Cúc vào tháng 5/2019, dẫn đến nhiều suy đoán về một niên hiệu mới.
Những nhà sản xuất lịch như ông Kowaguchi đặc biệt mong ngóng thông tin này. Công ty của ông sản xuất 10 triệu cuốn lịch mỗi năm. Rất nhiều trong số đó in cả lịch niên đại và dương lịch.

Các cuốn lịch bắt đầu được in từ 1 năm trước khi phát hành, cho nên giờ đã là quá muộn để đưa tên niên hiệu mới vào những cuốn lịch năm 2019. Tuy nhiên, ông hy vọng sẽ kịp in cho đợt hàng năm 2020.
Đây sẽ là triều đại mới đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ cũng đang chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này.
Một số chuyên gia đã so sánh sự kiện này với sự cố Y2K năm 2000, lo ngại rằng máy móc không thể hiểu được cách tính ngày tháng mới.
Các phần mềm chuyển đổi giữa dương lịch và lịch niên đại tại Nhật Bản sẽ cần được cập nhật, mã và phông chữ cho niên hiệu mới cũng cần được thiết lập.
Phát ngôn viên Microsoft tại Nhật Bản Kazunori Ishii nhận định: “Chúng tôi không thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra”. Dù vậy, theo ông, ít có khả năng xảy ra sự gián đoạn lớn.
Quyết định thoái vị của Nhật Hoàng đã để nhiệm vụ đặt tên cho niên đại mới lên vai chính phủ thay vì hoàng cung. Điều này cần được thảo luận kín đáo như các vấn đề liên quan đến hoàng gia khác.
Theo một số thông tin ban đầu, tên niên hiệu mới sẽ được thông báo trong năm nay, nhưng cũng có một số quan ngại rằng ngày công bố sẽ bị trì hoãn.
Như vậy, việc chọn tên niên hiệu phù hợp cũng gặp những thách thức không nhỏ. Tên được chọn cần có 2 chữ, dễ đọc, dễ viết nhưng không phải một cái tên phổ biến. Nhiều khả năng tên niên hiệu mới sẽ không bắt đầu với chữ cái trùng với chữ cái đầu tiên của 4 triều đại gần nhất: Heisei, Showa, Taisho và Meiji. Bên cạnh đó, niên hiệu của mỗi triều đại rất “thiêng liêng” nên những tên từng được bác bỏ trước đây sẽ không được đề xuất lại.
Một trong số ít những người quen thuộc với thử thách này là ông Junzo Matoba. Ông từng tham gia quá trình chọn niên hiệu mới trong những năm cuối thời đại Showa của Nhật Hoàng Hirohito, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Một số người cho rằng việc nghĩ về triều đại tiếp theo trong khi nhà vua vẫn còn sống là điều bất kính, nên tôi phải làm việc trong bí mật”, ông Matoba nói.
Dù phải tham vấn nhiều chuyên gia về lịch sử và văn học châu Á nhưng ông Matoba vẫn phải đảm bảo thực hiện công việc bí mật.
Năm 1988, cuộc tìm kiếm niên hiệu phù hợp thu hẹp xuống chỉ còn 3 lựa chọn. Sau khi Nhật Hoàng Hirohito qua đời ngày 7/1/1989, các chuyên gia, chính trị gia và bộ trưởng đã nhanh chóng thống nhất tên Heisei (nghĩa là hòa bình ở cả trong và ngoài nước) để đặt tên cho triều đại của Nhật Hoàng nối ngôi Akihito.
Nhiều người tin rằng, chính phủ Nhật Bản đã có danh sách những tên được lựa chọn, nhưng vẫn giữ bí mật về các đề cử tiềm năng cũng như thời gian công bố dù sự quan tâm của xã hội ngày càng tăng cao.
“Người dân Nhật Bản thích những khởi đầu mới. Thời đại mới, tư tưởng mới”, ông Matoba nhấn mạnh.
Thu Hương