Nhà sử học Niall Ferguson, thành viên cấp cao của Viện bảo thủ tại Đại học Stanford, trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei ngày 12/3 cho hay: Tổng thống Nga Vladimir Putin không ‘điên rồ’ như một số người phương Tây nghĩ, mà đúng ra là bị quyền lực làm sai lạc và xa rời thực tế.

Ông Ferguson nhận định: Tác động rộng lớn hơn đối với châu Á liên quan đến những bài học mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ rút ra cuộc chiến của Putin ở Ukraina.

Theo ông Ferguson, một điểm khác biệt, đó là phương Tây sẽ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế tương tự đối với Trung Quốc nếu nước này xâm lược Đài Loan, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc rất lớn và hội nhập với phần còn lại của thế giới.

Mô tả tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng Ukraina, ông Ferguson nói: “Đó là thời điểm mà người châu Âu và người Mỹ đã thức tỉnh với thực tế rằng Vladimir Putin có ý định hồi sinh Đế chế Nga và vẫn chưa hoàn thành, ngay cả khi ông ta thành công trong việc kiểm soát Ukraine.

Putin tuyên bố một lý do lịch sử cho cuộc xâm lược của mình. Ông nói rằng trong lịch sử, người Nga và người Ukraine là một. Điều đó không đúng. Ukraine là một thực thể riêng biệt, có phần hỗn loạn vào thế kỷ 17, và nó chỉ được đưa vào Đế chế Nga sau thời của Peter Đại đế.

Bây giờ chúng ta đang ở trong “Chiến tranh Lạnh thứ hai”. Sự khác biệt giữa Chiến tranh Lạnh thứ hai và Chiến tranh lạnh thứ nhất là trong Chiến tranh lạnh thứ hai, Trung Quốc là đối thủ hàng đầu, và Nga là đối tác cấp dưới, trong khi trong Chiến tranh Lạnh thứ nhất, ban đầu Liên Xô là đối thủ hàng đầu và Trung Quốc là đối tác cấp dưới”.

Hiện giờ Putin đang nghĩ gì?

Nhà sử học Niall Ferguson cho rằng: “Người Mỹ có khuynh hướng nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của các chế độ độc tài là những kẻ điên rồ. Tôi không nghĩ Putin điên. Tôi nghĩ rằng quyền lực đã làm hỏng ông ấy. Và nó cũng khiến ông xa rời thực tế. Ông ấy rõ ràng đã đánh giá thấp sự kháng cự của người Ukraine, và rõ ràng ông ấy đã đánh giá thấp rủi ro đối với nền kinh tế Nga.

Đây là những tính toán sai lầm, không phải dấu hiệu của sự điên rồ. Chúng là kiểu tính toán sai lầm mà bạn làm nếu bạn rất xa rời thực tế, bởi vì bạn sống cuộc sống của một sa hoàng, trong những cung điện rộng lớn, xung quanh là những người khiếp sợ bạn và nói với bạn những gì mà họ nghĩ là bạn muốn nghe.

Nếu đặt mình vào vị trí của Putin, tôi không nghĩ ông ấy đang cố gắng hồi sinh Liên Xô. Ông ấy đang nhìn lại quá khứ và xa hơn nữa và cố gắng khôi phục lại Đế chế Nga, với bản thân ông ấy là “Sa hoàng Vladimir”. Đó là một hệ tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc chính thống, bảo thủ mà Putin đưa ra, không liên quan gì đến di sản của Liên Xô.

Rất nhiều người hiểu sai điều này. Ông ấy có động cơ rất lớn để đẩy nhanh việc đánh bại Ukraine, sử dụng các phương pháp tàn bạo hơn nếu đó là điều cần thiết. Bởi vì nếu ông ấy không thắng, thì tôi nghĩ vị trí của ông ấy trên sân nhà sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương. Nếu tôi là ông ta, điều quan trọng bây giờ là đạt được chiến thắng trước Zelenskiy và quân đội Ukraine càng nhanh càng tốt để chúng tôi có thể tiến tới một cuộc đàm phán hòa bình nào đó từ một vị thế mạnh. Trong cuộc đàm phán đó, Putin có thể sẵn sàng nhượng bộ một số điều để giảm hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.

Lập trường của Trung Quốc? Có vẻ như Trung Quốc đang ở một thế khó?

Nhà sử học Ferguson cho rằng: Trước mắt, chủ tịch Tập Cận Bình hẳn đang tự hỏi liệu ông ấy có phạm sai lầm khi để cho Putin xâm lược Ukraine một cách hiệu quả hay không, bởi vì tôi chắc chắn rằng Putin đã bảo đảm với ông ấy rằng cuộc chiến này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, và nó sẽ không tạo ra một cú sốc kinh tế lớn như vậy. Tập Cận Bình thích sự ổn định, đặc biệt là trong năm nay, khi đại hội [toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc] đang chuẩn bị để gia hạn nhiệm kỳ lãnh đạo của ông.

Nếu Nga rơi vào hỗn loạn kinh tế, có một số khả năng – tôi đặt xác suất là 10% – rằng Putin từ bỏ quyền lực. Một số nhà lãnh đạo Nga trong quá khứ đã bị lật đổ, bị ám sát vì thất bại.

Về lâu dài, câu hỏi đặt ra là: “Liệu việc trở thành đối tác cấp dưới của Trung Quốc có thực sự vì lợi ích của Nga, khi Trung Quốc rõ ràng có tham vọng ở Trung và Đông Á gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho Nga?” Ở một vài điểm, mối quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt bởi vì trên thực tế, không bên nào thực sự tin tưởng bên kia.

Điều này sẽ tác động đến Đài Loan như thế nào?

Theo ông Ferguson, mục tiêu tối hậu của Tập Cận Bình là đưa Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tôi cho rằng ông ấy sẽ kết luận khi quan sát các sự kiện ở Ukraina rằng phương Tây yếu về mặt quân sự và miễn cưỡng chiến đấu , nhưng phương Tây mạnh về mặt kinh tế và chuẩn bị sử dụng các biện pháp trừng phạt để trừng phạt hành vi xâm lược. Câu hỏi mà ông ấy sẽ tự hỏi bản thân là: “Họ có thể làm với tôi những gì họ đang làm với nước Nga hay không?”

Và câu trả lời sẽ là không. Không giống như Nga, Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ, bất chấp xu hướng Chiến tranh Lạnh, vẫn gắn bó sâu sắc với nền kinh tế Mỹ, với các khoản đầu tư rất lớn từ Mỹ vào Trung Quốc. Nếu bạn làm với Trung Quốc những gì chúng ta hiện đang làm với Nga, điều đó sẽ khiến chúng ta tổn thương nhiều hơn.