Trong số nhiều người Trung Quốc đã liều lĩnh vượt biên thông qua khu rừng nhiệt đới được mệnh danh nguy hiểm nhất hành tinh, một người tị nạn Trung Quốc họ Từ từng là một trong những “tiểu phấn hồng” nói không có kế hoạch sống sót trở về sau khi rời Trung Quốc. Anh Từ Nhớ lại những vụ tự tử đầy ám ảnh và sự chia cắt gia đình trong thời gian phong tỏa ‘zero-Covid’ cho biết “Họ coi thường nỗi đau của người dân thấp cổ bé họng. Tôi không biết nhiều về nước Mỹ, nhưng ít nhất sẽ tốt hơn sống ở Trung Quốc… Họ coi chúng tôi như động vật vậy.”

Theo tờ The Guardian đưa tin, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc nằm trong nhóm những người nhập cư bất hợp pháp đã vượt biên qua khu rừng nhiệt đới Darien, một trong những khu rừng nguy hiểm nhất thế giới, để vào Hoa Kỳ.

Rừng Darien, nằm ở khu vực biên giới giữa Colombia và Panama, từ lâu đã được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh, với môi trường tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhiều loài động thực vật hoang dã, hay sự hoạt động mạnh của các băng nhóm tội phạm… Đây là con đường phổ biến đến Hoa Kỳ cho những người tị nạn từ Haiti, Venezuela và Cuba. Và kể từ sau chính sách ‘Zero Covid’, nhiều người Trung Quốc cũng đã liều lĩnh vượt biên thông qua khu rừng nhiệt đới này.

Một người tị nạn Trung Quốc họ Từ nói với tờ báo rằng, anh không có kế hoạch sống sót trở về sau khi rời Trung Quốc. Anh từng là một trong những “tiểu phấn hồng” (những thanh niên mạng Trung Quốc ủng hộ ĐCSTQ mù quáng) cho đến khi anh vượt tường lửa, biết được những thông tin như Nạn đói lớn ở Trung Quốc và vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.

Anh nói: “Tôi cảm thấy như đất nước này đang lừa dối chúng tôi, bức hại chúng tôi. Tôi phải làm gì đó… Tôi nhận ra ĐCSTQ không quan tâm đến nhân quyền.”

Dữ liệu từ chính phủ Panama tiết lộ rằng, xu hướng nhập cư đã tăng vọt sau khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách ‘Zero COVID’. Nước này đã ghi nhận khoảng 400 công dân Trung Quốc thực hiện hành trình di cư trong nửa đầu năm 2022. Vào tháng 11 năm ngoái, con số này đã tăng lên 377, sau đó là 695 vào tháng 12. Vào tháng 1 năm 2023, ước tính đã có 913 công dân Trung Quốc vượt biên, khiến họ trở thành nhóm người di cư lớn thứ tư trong năm nay.

Anh Từ nói: “Tôi biết nhiều người muốn rời đi [trước đây], nhưng họ chưa có cơ hội.”

Ngay cả khi đất nước đang mở cửa trở lại, anh Từ cũng không hề hối tiếc. Nhớ lại những vụ tự tử đầy ám ảnh và sự chia cắt gia đình trong thời gian phong tỏa, tất cả đều không được thừa nhận khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố chiến thắng đại dịch.

Anh Từ nói: “Họ coi thường nỗi đau của người dân thấp cổ bé họng. Tôi không biết nhiều về nước Mỹ, nhưng ít nhất sẽ tốt hơn sống ở Trung Quốc… Họ coi chúng tôi như động vật vậy.”

Được biết, tuyến đường đi qua rừng Darien dài 110km, băng qua những ngọn núi và dòng sông chảy xiết. Khu rừng chứa đựng nhiều mối nguy hiểm, bao gồm nhện, rắn độc, kể cả rắn lục và trăn Nam Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều báo cáo về những kẻ buôn người bóc lột, những tên buôn lậu và các nhóm tội phạm dọc theo tuyến đường.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có ít nhất 207 người di cư đã được thông báo mất tích hoặc thiệt mạng trên tuyến đường từ năm 2014 đến năm 2022, trong đó có 41 trường hợp tử vong chỉ riêng trong năm 2022. Tờ The Guardian đã được những người di cư khác tiết lộ về ít nhất 6 cái chết của người Trung Quốc vào năm 2022, nhưng chưa thể xác nhận độ chính xác của thông tin.

Anh Giang, một người tị nạn Trung Quốc, cho biết anh nghĩ mình không thể sống sót trong hành trình băng qua rừng Darien. Vào buổi tối đầu tiên, nhóm của anh đã gặp một trận mưa lớn và lũ quét. Ngày thứ hai, bạn của anh bị thương và nhóm của anh đã làm mất lều trại trên đường đi. Đêm hôm đó lũ quét lại tiếp tục xảy ra. Anh nói: “Tôi rất mệt, đói và lạnh. Tôi gần như mất trí.” 

Trên hành trình của mình, nhóm của anh cũng bị chính quyền chặn lại và khám xét. Anh cũng bị giam giữ ở biên giới Hoa Kỳ trong 51 ngày trước khi vượt qua cuộc phỏng vấn sàng lọc xin tị nạn. Anh nói rằng, điện thoại, thẻ ngân hàng và một số tài liệu của anh đã bị mất trong thời gian đó.