Tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên người dân của nước này. Vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục ở mức gần 20%, với hàng loạt đợt sa thải quy mô lớn của các hãng công nghệ khổng lồ như Tencent và ByteDance. Tờ Caixin báo cáo rằng thị trường việc làm của Trung Quốc hiện đang bị đóng băng.
Vào mùa thu năm ngoái, việc tuyển dụng tại các trường trung học phổ thông của Trung Quốc đã giảm gần một nửa và nhiều công ty thậm chí đã từ bỏ các hoạt động tuyển dụng tại trường. Một nhân viên bộ phận nhân sự ở Sơn Đông cho biết, năm 2022 họ thông báo tuyển dụng 1.000 vị trí, nhưng số ứng viên đã lên tới 100.000 người, và tỷ lệ cạnh tranh là 1 trên 100.
Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Hồng Kông Trung Quốc đã chia sẻ những khó khăn khi tìm việc làm với giới truyền thông địa phương. Anh nói rằng anh đã gửi gần 100 hồ sơ, nhưng tất cả đều không được phản hồi, trong khi 4 đến 5 tháng đã trôi qua.
Đối mặt với lượng lớn người tìm việc, một số công ty đã áp dụng các phương pháp như kiểm tra viết trực tuyến và phỏng vấn bằng AI để lọc ứng viên và tiết kiệm chi phí.
Vào năm 2023, 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc, tăng 820.000 người so với năm trước, đây là mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, những lĩnh vực việc làm từng hấp dẫn nhất liên quan đến internet, bất động sản, giáo dục lại là những điểm tối nhất về nhu cầu việc làm.
Công dân từ nông thôn là lực lượng lao động chính của Trung Quốc. Trong nhiều năm, họ lần lượt rời làng quê lên thành phố lớn để kiếm sống. Nhưng hiện nay, nhiều người đang rời thành phố trở về quê vì không tìm được việc làm.
Gần đây, cư dân mạng đại lục đã chia sẻ đoạn video cho thấy cảnh nhà ga Hồng Kiều-Thượng Hải đông đúc người chờ tàu vào ngày 19 tháng 2. Người quay phim nói rằng đây là những người thất nghiệp đang đợi chuyến tàu về quê.Theo kết quả khảo sát khoảng 50.000 nhân viên do công ty tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc Zhaopin công bố ngày 16 tháng 2, có 47,3% số người được hỏi lo lắng có thể mất việc trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 39,8% so với năm ngoái. Khoảng 60% cũng cho rằng “môi trường kinh tế bấp bênh” là yếu tố chính ảnh hưởng đến niềm tin của họ so với mức 48,4% của năm ngoái.