Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris vào hôm 4/11. Hiện tại, vẫn còn 189 quốc gia trên thế giới đang ký kết hiệp định này, theo Sound of Hope.

Theo báo cáo, “Hiệp định Khí hậu Paris” chính thức có hiệu lực tại Hoa Kỳ vào ngày 4/11/2016. Mặc dù Tổng thống Trump đã tuyên bố vào ngày 1/6/2017 rằng, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp định này, nhưng theo quy định, nếu Hoa Kỳ muốn đơn phương rút khỏi hiệp định khí hậu Paris thì phải 3 năm sau kể từ ngày gia nhập mới có hiệu lực.

Căn cứ vào quy định đó, ngày 4/11/2019 (tròn 3 năm kể từ 4/11/2016), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã chính thức thông báo cho Liên Hợp Quốc: “Bởi vì thỏa thuận khí hậu Paris đã mang lại gánh nặng kinh tế không công bằng cho Hoa Kỳ”, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và bắt đầu các thủ tục để rút khỏi hiệp định đó. 

Động thái này được coi là bước đầu tiên để Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris. Sẽ phải mất khoảng thời gian 1 năm để hoàn toàn rút khỏi hiệp định này. Đến ngày 4/11/2020 Hoa Kỳ chính thức rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.

Chính quyền tiền nhiệm Obama đã ký Hiệp định Khí hậu Paris vào tháng 4/2016 và đồng ý bị ràng buộc bởi hiệp định vào tháng 9 năm đó. Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ xuống 28% so với mức năm 2005 vào năm 2025.

Hiệp định cũng quy định rằng, trước năm 2025, các nước phát triển trên thế giới sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển khoảng 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm để giúp các nước này cải thiện cơ cấu năng lượng và phát triển công nghệ công nghiệp hóa.

Trong số hơn 100 quốc gia tham gia vào hiệp định này, Hoa Kỳ phải gánh 75% chi phí mỗi năm, tức khoảng 75 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, hiệp định này cũng coi Trung Quốc và Ấn Độ là các nước đang phát triển, cho phép Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng lượng khí thải carbon trong 13 năm. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc và Ấn Độ không bị ràng buộc phải cắt giảm khí thải trong 13 năm.

Tổng thống Trump cho rằng, điều này là rất không công bằng và sẽ mang lại gánh nặng kinh tế nặng nề cho Hoa Kỳ, đồng thời làm Hoa Kỳ mất đi khả năng cạnh tranh. 

Tổng thống Trump nói với các nhân viên năng lượng Mỹ trong một bài phát biểu ở Pittsburgh vào tháng 10/2010:  “Mọi người chọn tôi là người đại diện cho công dân của Pittsburgh, không phải công dân của Paris. Tôi hứa sẽ rút khỏi bất kỳ thỏa thuận nào không có lợi cho Hoa Kỳ hoặc đàm phán lại các thỏa thuận này”.

Hơn nữa, để phát triển nền kinh tế Mỹ, chính quyền Trump đã hứa sẽ đưa nước Mỹ trở thành siêu cường quốc năng lượng và dỡ bỏ một loạt các quy định chống ô nhiễm, từ đó giảm chi phí sản xuất khí đốt tự nhiên, dầu và than đá.

Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích rằng, kế hoạch làm sạch môi trường của cựu Tổng thống Obama là “một cuộc chiến chống lại ngành năng lượng Hoa Kỳ”.

Tất cả những lý do này đã góp phần khiến chính phủ Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris vào ngày 4/11.