Bệnh viện Nhân Tế trực thuộc viện y học của Đại học Giao thông Thượng Hải đã hoàn thành 22 ca cấy ghép nội tạng trẻ sơ sinh đã chết với nhiều nghịch lý, khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ về tính xác thực của nguồn hiến tặng.

Tờ The Paper của Trung Quốc đưa tin, Bệnh viện Nhân Tế  trực thuộc viện y học của Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết, bệnh viện đã hoàn thành hai ca ghép thận từ những người hiến tạng là trẻ sơ sinh vào năm 2020 và 2021. Hai bé gái chào đời ở tuần thai thứ 29 không may lần lượt qua đời vì bệnh bẩm sinh, sau khi được bố mẹ “đồng ý” trở thành người hiến tạng, bé nhẹ cân nhất chỉ nặng 1,17 kg.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc coi hai trường hợp này là tiến bộ khoa học và công nghệ, và thậm chí còn công bố kết quả trên tạp chí ghép tạng có thẩm quyền trên thế giới “Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ”, nhưng từ ngữ mà các quan chức sử dụng thật kinh khủng.

Tờ Creaders.net dẫn lời một số cư dân mạng đã phát hiện ra rằng trong bài báo được xuất bản, từ ngữ mà quan chức diễn đạt là bé gái sinh non “tự nguyện” hiến thận. Mặc dù sự “tự nguyện” hiến tặng của một bé gái thực chất là sự “đồng ý” của cha mẹ bé, nhưng trong hàng loạt các trường hợp, bệnh viện đã thành công trong việc lấy được “sự đồng ý” của cha mẹ đứa bé trong một khoảng thời gian ngắn, khiến nhiều người nghi ngờ.

Theo kiến ​​thức y học thông thường, nội tạng con người sẽ hoại tử trong vòng vài giờ sau khi rời khỏi cơ thể người và bé gái trong trường hợp này đã chết ngay sau khi sinh. Vì vậy, có người ​​đặt câu hỏi rằng em bé này không thể nào được đăng ký trước trong “hệ thống hiến tạng” của Trung Quốc, nên bệnh viện cần chuẩn bị trước công tác phẫu thuật và thuyết phục gia đình bé gái đã qua đời trong thời gian rất ngắn.

Nhưng ở đây có một nghịch lý: Nếu em bé khỏe mạnh, tại sao phải chuẩn bị trước để đăng ký hiến tạng? Nếu không khỏe mạnh và chết non thì làm sao có đủ thời gian hoàn thành công việc thuyết phục cha mẹ đồng ý hiến và cấy ghép?

Thông thường, những trường hợp như vậy cực kỳ hiếm gặp, nhưng bệnh viện Nhân Tế đã hoàn thành 22 ca cấy ghép nội tạng trẻ sơ sinh đã chết cho đến nay, khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ về tính xác thực của nguồn hiến tặng.