CNN đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã thực hiện một mô phỏng về một cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan vào năm 2026; kết quả cho thấy đây sẽ là một cuộc chiến có thể dẫn đến hàng nghìn thương vong cho các lực lượng bao gồm không chỉ Trung Quốc, Đài Loan mà còn Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng điều đáng nói hơn là nó có thể sẽ không mang lại một chiến thắng cho Bắc Kinh.
Theo đó, Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan, song cũng chịu nhiều tổn thất không kém kẻ thua cuộc – Trung Quốc.
Theo mô phỏng thì khi xung đột kết thúc, ít nhất hai tàu sân bay của Mỹ sẽ bị chìm xuống đáy biển Thái Bình Dương và lực lượng hải quân hiện đại của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng “hỗn loạn”.
Đó là một trong những kết luận của CSIS, được đưa ra sau khi chạy một trong những mô phỏng chiến tranh quy mô lớn nhất từng được thực hiện về một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Đài Loan do Trung Quốc khơi mào.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng đề cập đến khả năng có thể sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo này.
CNN đã có cơ hội tiếp cận một báo cáo chuyên sâu có tên là “Trận đầu tiên của cuộc chiến” do CSIS thực hiện, dựa trên khoảng 20 mô phỏng. Báo cáo lưu ý rằng đây là một dự án cực kỳ cần thiết vì các mô phỏng trước đây do nhà nước hay tư nhân đều khá hạn chế và mơ hồ, nên công chúng hay các nhà hoạch định chính sách khó có thể có một cái nhìn chân thực về cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan.
Là cố vấn của CSIS và là một trong ba giám đốc dự án, ông Mark Cancian cho biết “Những cuộc xung đột có thể có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đều được phân loại và thực hiện cẩn thận. Còn số không được phân loại thì chỉ được mô phỏng một đến hai lần”.
CSIS đã chạy mô phỏng cuộc chiến tranh này 24 lần để trả lời hai câu hỏi cơ bản: liệu cuộc xâm lược có thành công? và cái giá phải trả là gì?
Báo cáo của CSIS cho biết hai câu trả lời lần lượt là không và rất lớn.
Mô phỏng cũng cho thấy “Mỹ và Nhật Bản sẽ phải mất hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và hàng nghìn quân nhân. Những tổn thất như vậy sẽ làm tổn hại đến vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ trong nhiều năm”. Trong hầu hết các kịch bản, Hải quân Hoa Kỳ có thể sẽ mất hai hàng không mẫu hạm và 10 đến 20 tàu chiến lớn. Khoảng 3.200 lính Mỹ sẽ thiệt mạng trong ba tuần chiến đấu, gần bằng một nửa số quân Mỹ thiệt mạng trong hai thập kỷ tham chiến ở Iraq và Afghanistan.
Ở bên kia chiến tuyến, “Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lực lượng hải quân của họ sẽ đối mặt với tình trạng hỗn loạn, lực lượng đổ bộ sẽ bị phá vỡ, và hàng chục nghìn binh sĩ trở thành tù nhân chiến tranh”. Báo cáo ước tính Trung Quốc sẽ thiệt hại khoảng 10.000 quân và mất 155 máy bay chiến đấu và 138 tàu lớn.
Đài Loan sẽ bị tàn phá
Đối với Đài Loan, thì kịch bản nào cũng đều đi đến một kết cục không mấy tươi sáng, ngay cả khi Trung Quốc thất bại.
Báo cáo cho biết: “Mặc dù quân đội của Đài Loan không hoàn toàn bị tiêu diệt, nhưng sẽ phải đối diện với các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt và khó khăn; khi mà hòn đảo không còn có điện và các dịch vụ cơ bản”. Quân đội của hòn đảo cũng sẽ chịu khoảng 3.500 thương vong và tất cả 26 tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ thuộc lực lượng hải quân sẽ bị đánh chìm.
Báo cáo cũng cung cấp thêm chi tiết: Nhật Bản có khả năng mất hơn 100 máy bay chiến đấu và 26 tàu chiến trong khi các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này bị Trung Quốc tấn công.
Nhưng CSIS cũng khẳng định báo cáo của họ không ngụ ý rằng cuộc xâm lược có khả năng xảy ra.
Báo cáo cũng cho biết “Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược cô lập ngoại giao, áp lực vùng xám hoặc cưỡng chế kinh tế đối với Đài Loan”.
Dan Grazier, môt thành viên thuộc dự án Giám sát Chính Phủ (POGO), nhận định việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan là điều khó có thể xảy ra. Grazier chia sẻ với CNN, một hoạt động quân sự như vậy sẽ ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu mà nền kinh tế Trung Quốc dựa vào để tồn tại, và việc làm gián đoạn hoạt động thương mại này có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian ngắn. Grazier cũng cho biết, Trung Quốc dựa vào nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu để thúc đẩy kinh tế của quốc gia, và họ có rất ít cơ hội để manh động.
Grazier tiếp lời “Theo đánh giá của tôi, người Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để tránh xung đột quân sự với bất kỳ ai”. Để thách thức sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh công nghiệp và kinh tế thay vì quân sự.
Nhưng những người đứng đầu Lầu năm góc đã coi Trung Quốc là một mối nguy tiềm ẩn. Báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho biết “Quân đội Trung Quốc đã gia tăng các hành động khiêu khích và gây bất ổn trong và xung quanh eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc tăng cường các chuyến bay vào vùng nhận dạng phòng không mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền và tiến hành các cuộc tập trận tập trung vào khả năng chiếm giữ một trong những hòn đảo xa của Đài Loan.”
Vào tháng 8, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Nancy Pelosi tới Đài Loan đã thúc đẩy một cuộc phô trương sức mạnh quân sự trên diện rộng của quân đội Trung Quốc, bao gồm việc bắn tên lửa qua hòn đảo cũng như vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự
Kể từ đó, Bắc Kinh đã tăng cường các chiến thuật gây áp lực quân sự mạnh mẽ lên hòn đảo này, đưa các máy bay chiến đấu bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, vùng biển ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc và tiến vào vùng nhận dạng phòng không AIDZ của hòn đảo.
Và khi phát biểu về Đài Loan tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã giành được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi khẳng định rằng Trung Quốc sẽ “quyết tâm thống nhất” – nhưng cũng lại đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng “sẽ không loại trừ khả năng dùng vũ lực và bảo lưu sử dụng mọi biện pháp cần thiết”.
Chính quyền Biden đã kiên định ủng hộ quốc đảo này theo quy định của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó cho biết Washington sẽ cung cấp cho hòn đảo các phương tiện để tự vệ mà không nhất thiết đưa quân đội Hoa Kỳ tham gia.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng được ký kết gần đây khẳng định việc Hoa Kỳ tham gia các chương trình hiện đại hóa quân đội của Đài Loan và cung cấp 10 tỷ đô la hỗ trợ an ninh trong 5 năm, một dấu hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ lâu dài của lưỡng đảng đối với hòn đảo này.
Tổng thống Biden đã hơn một lần nói rằng quân nhân Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược, tuy nhiên Lầu Năm Góc khẳng định không có thay đổi nào trong chính sách “Một Trung Quốc” của Washington.
Theo chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ chính thức công nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với hòn đảo tự trị này.
Cancian nói: “Chiến tranh có thể xảy ra ngay cả khi phân tích chỉ ra rằng kẻ tấn công không có cơ hội chiến thắng”.
Báo cáo của CSIS cho biết để quân đội Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Đài Loan, thì có bốn hằng số xuất hiện trong 24 lần mô phỏng cuộc chiến tranh này.
Thứ nhất là lực lượng mặt đất của Đài Loan phải có khả năng ngăn chặn các cuộc đổ bộ từ bãi biển của Trung Quốc; thứ hai là Hoa Kỳ phải có khả năng sử dụng các căn cứ của mình ở Nhật Bản cho các hoạt động chiến đấu; thứ ba là Mỹ phải có tên lửa chống hạm tầm xa để tấn công Hải quân Trung Quốc từ xa và “đồng loạt”; và thứ tư là Mỹ cần trang bị đầy đủ vũ khí cho Đài Loan trước khi bắt đầu nổ súng và lao vào bất kỳ cuộc xung đột nào.
Không thể áp dụng ‘mô hình Ukraine’ cho Đài Loan
Báo cáo khẳng định Ukraine không phải là một khuôn mẫu cho Đài Loan, khi so sánh việc Mỹ và phương tây dần viện trợ cho Ukraine sau khi Nga xâm lược, và không có quân đội Mỹ hay NATO nào tích cực chiến đấu chống lại Nga.
Cancian cho biết: “Một khi chiến tranh bắt đầu, không thể đưa bất kỳ quân đội hoặc vật tư nào đến Đài Loan, vì vậy đó là một tình huống rất khác với Ukraine, nơi Hoa Kỳ và các đồng minh có thể liên tục gửi hàng tiếp tế đến Ukraine. Vì vậy “Dù người Đài Loan định dùng vũ khí gì để chiến đấu, thì họ phải có thứ đó trước khi chiến tranh nổ ra.”
Tổ chức tư vấn cũng cho biết, Washington sẽ cần bắt đầu hành động sớm nếu muốn đáp ứng một số khuyến nghị của CSIS để thành công trong cuộc xung đột ở Đài Loan.
Chúng bao gồm, củng cố các căn cứ của Hoa Kỳ ở Nhật Bản và Guam nhằm chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc; chuyển lực lượng hải quân của mình sang các tàu nhỏ hơn và dễ tồn tại hơn; ưu tiên tàu ngầm; ưu tiên lực lượng máy bay ném bom bền vững hơn lực lượng máy bay chiến đấu; nhưng sản xuất nhiều máy bay chiến đấu rẻ hơn; và khuyến khích Đài Loan thực hiện một chiến lược tương tự, trang bị cho mình những nền tảng vũ khí đơn giản hơn thay vì những con tàu đắt tiền khó có thể sống sót sau cuộc tấn công phủ đầu của Trung Quốc.
Báo cáo của CSIS cho biết những chính sách đó sẽ giúp quân đội Mỹ giành chiến thắng và ít tốn kém hơn nhưng khả năng thiệt hại vẫn ở mức cao.
“Mỹ có thể giành chiến thắng vang dội, nhưng về lâu dài sẽ phải chịu khá nhiều thiệt hại, so với kẻ bại trận – Trung Quốc”
Tất nhiên “Chiến thắng không phải là tất cả,” báo cáo cho biết.