Một luật sư nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc mới đây đã bị kết tội hình sự sau khi cơ quan an ninh nước này ‘làm cho biến mất’ vào năm 2016.
Ông Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyon) mất tích vào ngày 21/11/2016 khi cố gắng đến thăm đồng nghiệp Tạ Dương (Xie Yang) bị giam giữ ở trại giam Trường Sa. Ông Tạ bị bắt vào tháng 7/2015 trong cuộc đàn áp các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động, còn được gọi là ‘Vụ 709’. Trước đó, luật sư Giang Thiên Dũng đã tham gia công bố thông tin về vụ đàn áp, trong đó hơn 300 nhà bảo vệ nhân quyền bị chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu.
Bản thân ông Giang cũng là một luật sư nhân quyền bị để mắt vì ông từng bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất ở Trung Quốc, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, những người biểu tình Tây Tạng, và các nạn nhân của vụ bê bối sữa bột độc hại năm 2008.
Vài tuần sau khi luật sư Giang bị bắt, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tiến hành điều tra ngay lập tức về tình cảnh của ông, theo Asia Times. “Chúng tôi lo ngại rằng sự biến mất của ông Giang có thể liên quan trực tiếp đến hoạt động bào chữa của ông ấy và ông ấy có nguy cơ bị tra tấn”, một nhóm ba chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 6/12/2016.
Vợ luật sư Giang, bà Kim Biến Linh (Jin Bianling) cho biết, 6 tháng sau khi mất liên lạc với ông Giang, cha ông đã nhận được một tuyên bố chính thức từ Sở Công an thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam vào ngày 5/6. Tuyên bố này cáo buộc luật sư Giang phạm tội “lật đổ chính quyền”. Với định nghĩa mơ hồ, cáo buộc này thường được sử dụng để chống lại các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động tại Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, bà Kim nói rằng bà rất lo lắng về sức khoẻ của chồng mình khi xét đến lịch sử của chính quyền Trung Quốc trong việc tra tấn những người bất đồng chính kiến.
Vào tháng 3, một tờ báo Trung Quốc tuyên bố luật sư Giang thú nhận đã bịa đặt ra chuyện luật sư Tạ Dương bị tra tấn trong trại giam. Vợ của luật sư Giang và các nhóm nhân quyền khẳng định tuyên bố này đã bị bóp méo.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc thường phát đi các cuộc phỏng vấn trong đó những người bảo vệ nhân quyền ‘thú nhận tội lỗi’. Các nhà quan sát nói rằng những cuộc phỏng vấn này có thể được đưa ra sau khi họ bị ngược đãi và ép cung.
Trước khi bị bắt, ông Giang đã có một bản tuyên bố bằng văn bản, nói rõ rằng “bất kỳ sự từ bỏ, ăn năn, hay hứa hẹn nào mà tôi đưa ra trong khi bị giam giữ, là không có giá trị”, theo bà Kim, vợ của luật sư Giang. Rất nhiều luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động khác cũng đều có những lời phủ định trước bằng văn bản, về tất cả các lời tuyên bố hoặc thú nhận mà họ thực hiện trong hoàn cảnh bị ép buộc.
Video: Nhà báo Mỹ được đề cử giải Nobel Hòa bình vì phơi bày cuộc ‘Đại Thảm Sát’ ở Trung Quốc
Ông Giang Thiên Dũng từng giảng dạy tại một trường trung học ở Trung Quốc trước khi hành nghề luật vào năm 2005. Là một người ủng hộ lâu năm cho tự do, dân chủ và nhân quyền, ông Giang đã nhận rất nhiều vụ án nhạy cảm về chính trị, bao gồm việc bào chữa cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), và nhà hoạt động nhân quyền khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guancheng). Mặc dù luật sư Giang đã bị tước quyền hành nghề vào năm 2009, liên tục bị giam giữ và đánh đập, ông vẫn kiên trì với hoạt động vì nhân quyền.
Một sự việc nổi bật xảy ra vào tháng 3/2014. Ông Giang và 3 luật sư khác đã cố gắng bảo chữa cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não khét tiếng ở thành phố Kiến Tam Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Cuối cùng, các luật sư đã bị công an bắt giữ và tra tấn. Chính ông Giang đã bị đánh gãy 8 chiếc xương sườn.
Vợ và con gái của luật sư Giang đã chuyển tới sống tại Hoa Kỳ vào năm 2013 để thoát khỏi sự quấy rối của các nhà chức trách Trung Quốc.
Irene Luo, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh & Phạm Duy, Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt
Xem thêm:
- Luật sư Canada điều tra mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc được trao giải thưởng Hòa bình Gandhi
- Thế giới tưởng nhớ cuộc thảm sát Thiên An Môn mà Trung Quốc muốn xóa sổ khỏi ký ức người dân
- Vì sao người dân thế giới tập Pháp Luân Công dù Trung Quốc ra sức đàn áp?