Theo CNBC, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng căng thẳng leo thang giữa hai nước Ả Rập Saudi và Iran, kèm theo phản ứng của các quốc gia Trung Đông khác, sẽ khiến các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria trở nên mong manh và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) mới là bên hưởng lợi nhiều nhất.
Vụ hành quyết giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr tại Ả Rập Saudi hôm 1/1/2016 đã gây ra nhiều cuộc biểu tình tại khu vực Trung Đông, châm ngòi cho cuộc tấn công đại sứ quán Ả Rập Saudi dẫn đến việc nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và làm bùng phát căng thẳng bang giao giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Các đồng minh của Ả Rập Saudi, gồm Bahrain, Sudan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Kuwait cũng đã có những động thái cắt hoặc hạ cấp ngoại giao với Iran ngay sau đó.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc đối đầu giữa Ả Rập Saudi và Iran, kèm theo các cuộc nội chiến đang diễn ra tại Iraq, Syria và Yemen khiến bất kỳ cơ hội hòa bình trong ngắn hạn là điều khó xảy ra. Hơn thế nữa, họ cũng lo ngại rằng IS mới chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong các cuộc xung đột.
Chuyên gia Ali Vaez thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cảnh báo căng thẳng giữa hai đối thủ này sẽ càng làm khu vực Trung Đông thêm rối loạn. Hai nước không thể trực tiếp đụng độ quân sự bởi biên giới cách xa nhau, nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang các cuộc đối đầu gián tiếp ở Syria và Yemen.
Tại Yemen, liên quân Hồi giáo Sunni do Ả Rập Saudi đứng đầu vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhắm vào quân nổi dậy Houthi do Iran bảo trợ. Tại Syria, Iran hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Ả Rập Saudi tài trợ vốn và vũ khí cho các lực lượng nổi dậy chống ông al-Assad. Điều này khiến cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria và Yemen trở nên mong manh, bởi các giải pháp hòa bình đều cần có sự hợp tác của cả Ả Rập Saudi và Iran.
Hôm 4/1/2016, hai chuyên gia phân tích cao cấp Firas Abi Ali và Anna Boyd tại bộ phận phân tích Rủi ro Quốc gia của tạp chí quốc phòng IHS cho biết: “Việc chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Iran xảy ra trong bối cảnh chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra khắp nơi: giữa Ả Rập Saudi với Iran, đồng thời còn liên quan cả Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc như trong trường hợp giữa Syria, Nga, hoặc giữa các quốc gia Li-băng, Iraq, Bahrain, và Yemen. Những cuộc xung đột này có khả năng leo thang trong bối cảnh cáo buộc của Ả Rập Saudi đối với Iran sẽ cắt đứt con đường ngoại giao. Đồng thời, xung đột sắc tộc đang tăng nhanh trong khu vực cuối cùng sẽ làm lợi cho IS vốn đang đẩy mạnh việc chia rẽ giáo phái.”
Chuyên gia Vaez cũng củng cố nhận định này của hai nhà phân tích nói trên khi cho rằng đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong cuộc xung đột Ả Rập Saudi – Iran chính là nhóm khủng bố IS, cho dù cả hai nước này đều muốn chống IS vì nhóm khủng bố này từng thề sẽ lật đổ hoàng tộc Ả Rập Saudi và coi người Hồi giáo Shia (chiếm đa số tại Iran) là “những kẻ ngoại đạo”.
Vì vậy, nếu hai quốc gia này tiếp tục kình địch và đối đầu thì cơ hội để IS hoành hành là hoàn toàn có cơ sở xảy ra. Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng tại Syria và Yemen cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập tại hai nước này có khả năng bị ngừng lại do căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Ban Mai tổng hợp
Xem thêm: