CNA đưa tin, Indonesia và Trung Quốc đã nhất trí về khoản đội vốn 18 nghìn tỷ rupiah (tương đương 1,2 tỷ USD) của dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung.

Khi dự án này bắt đầu vào năm 2015 với kinh phí dự kiến ​vào khoảng 66,76 nghìn tỷ rupiah. Nhưng PT KCIC, tập đoàn gồm các công ty nhà nước của Indonesia và Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt này, cho biết chi phí đã tăng vọt lên 113 nghìn tỷ rupiah. 

Phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Hai (13/2), Thứ trưởng phụ trách các doanh nghiệp nhà nước Indonesia – Kartika Wirjoatmodjo – cho biết khoản vượt ngân sách 1,2 tỷ USD đã được thống nhất trong một cuộc họp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cách đây không lâu. Tuy nhiên, ông không cho biết cuộc họp diễn ra khi nào. 

Ông cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất về con số vượt chi phí là 1,2 tỷ USD. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán các điều khoản của khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), dự kiến ​​sẽ giải quyết xong trong một hoặc hai tuần. Như vậy dự án tàu cao tốc có thể hoàn thành theo mốc thời gian là tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2023”.

Dự án ban đầu được đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2019 nhưng các vấn đề về thu hồi đất và đại dịch COVID-19 đã khiến dự án bị trì hoãn.  

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt dài 142 km này sẽ rút ngắn thời gian đi từ Jakarta với Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, xuống còn 40 phút, nhanh hơn nhiều so với 3 giờ như hiện tại.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến ​​quá trình thử nghiệm vận hành đoàn tàu bằng cách xem một buổi phát trực tiếp về hoạt động này vào cuối Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm 20 (G20) tại Bali vào tháng 11 năm ngoái. 

Tuyến đường sắt cao tốc này là một phần của dự án ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Indonesia.