Một cơ quan của quốc hội Hoa kỳ cảnh báo, chính phủ Mỹ phải khẩn trương giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng bởi “những kẻ bất lương” của Trung Quốc đã thâm nhập vào các cơ quan tình báo Mỹ và các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng thông qua các hệ thống công nghệ thông tin, theo South China Morning Post.
Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết: “Những kẻ bất lương của Trung Quốc đã nhắm vào các mạng lưới của các tổ chức tư nhân và các nhà thầu chính phủ để có được các thông tin nhạy cảm và khai thác các lỗ hổng trong hệ thống thông tin liên bang”.
“Trung Quốc đã mở rộng nỗ lực để có được lợi thế kinh tế bằng cách theo đuổi kiến thức về công nghệ chủ chốt thông qua việc mua lại doanh nghiệp và sử dụng sức mạnh kinh tế của các công ty Trung Quốc như là một công cụ của nhà nước”, báo cáo cho biết.
Một số thống kê của báo cáo nêu bật số lượng thành phần Công nghệ thông tin (CNTT) được tạo ra ở Trung Quốc trong mạng lưới CNTT của chính phủ Hoa Kỳ.
Ví dụ, các lô hàng từ Trung Quốc trung bình chiếm 51% hàng nhập khẩu của 7 nhà sản xuất CNTT thương mại lớn nhất cung cấp cho chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Trong đó, tập đoàn Microsoft bị phụ thuộc nhiều nhất với mức 73% các bộ phận có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ủy ban cũng đề xuất một hệ thống giám sát tập trung hơn cho nỗ lực quản lý rủi ro chuỗi cung ứng của chính phủ liên bang, có thể cho cả các sở an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ.
Mới đây nhất, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, hãng ZTE đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ do bị cáo buộc bán hàng cho các công ty gián điệp được nhà nước Iran bảo trợ.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất xác định các mối đe doạ trực tuyến của Trung Quốc.
Một báo cáo năm 2017 của hai hãng PwC và BAE Systems của Vương quốc Anh, đã mô tả chi tiết về sự tiến hành của một chiến dịch gián điệp không gian mạng từ Trung Quốc được biết đến với một số tên gọi là “APT10” và “Stone Panda”.
Chiến dịch tấn công APT10 nhắm vào các tổ chức cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ CNTT và khách hàng của họ cũng như nhắm mục tiêu trực tiếp vào một số tổ chức tại Nhật Bản.