Từ tháng 7 năm 2022 đến nay, lưu vực sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử) ở Trung Quốc – con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba thế giới, liên tục xảy ra hạn hán trong cả ba mùa hạ – thu – đông, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử.
Trên các chi lưu của sông Trường Giang chảy vào các hồ, một số đoạn đã khô cằn trong hơn 200 ngày. Cuối tháng 1 vừa qua, mực nước hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc lại hạ xuống dưới 7 mét, đây là lần thứ tư kể từ tháng 9/2022.
Mực nước hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc lại hạ xuống mức cực kỳ khô hạn
Hôm 31/1, Trung tâm Giám sát Thủy văn tỉnh Giang Tây (江西省水文监测中心) ra thông báo cho biết: Theo giám sát, mực nước tại trạm Tinh Tử (星子) của hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Bà Dương (鄱阳), trong ngày 29/1 là 6,99 mét; tới 15h00 ngày 31/1, mực nước tiếp tục giảm xuống 6,82 mét, cho thấy xu hướng giảm liên tục.
Từ cuối tháng 6/2022, do liên tục thiếu mưa nên mực nước hồ Bà Dương không ngừng giảm; đến ngày 23/9, mực nước tại trạm Tinh Tử đã phá kỷ lục mức thấp nhất là 7,11 mét (được ghi nhận vào năm 1951); tới ngày 26/9 mực nước hồ hạ xuống dưới 7 mét; ngày 17/11 ghi nhận “mực nước cực kỳ khô” 6,46 mét – trở thành mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo thống kê, kể từ tháng 9/2022, trạm Tinh Tử đã ghi nhận tổng cộng 83 ngày hồ Bà Dương có mực nước hạ xuống dưới 7,11 mét.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng Trung Quốc, trong tháng 2/2023, lượng mưa ở tỉnh Giang Tây vẫn sẽ rất ít, và trạm Tinh Tử của hồ Bà Dương sẽ tiếp tục duy trì mực nước cực kỳ khô hạn.
Hồ Bà Dương nằm ở phía bắc tỉnh Giang Tây và bờ nam sông Trường Giang. Hồ nhận nước từ 5 con sông rồi đổ ra sông Trường Giang.
Hồ Động Đình (洞庭) đang ở mực nước khô hạn
Ngày 1/2, dữ liệu do Sở Thủy lợi tỉnh Hồ Nam (湖南省水利厅) công bố cho thấy, vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày, mực nước đo được tại trạm Thành Lăng Ki (城陵矶) của hồ Động Đình là 19,13 mét, thấp hơn 2,12 mét so với mức trung bình cùng kỳ trong nhiều năm.
Đây là hồ điều hòa của sông Trường Giang, về tổng thể nó là một trong bốn hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất Trung Quốc.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mực nước hồ Động Đình luôn ở ngưỡng khô hạn, dữ liệu đo được ở trạm Thành Lăng Ki luôn duy trì ở mức khoảng 19,2 mét và đã kéo dài hơn hai tháng.
Sau khi mùa mưa ở Trung Quốc kết thúc vào ngày 8/7/2022, nhiệt độ cao và thiếu mưa liên tục đã khiến lượng nước đổ vào hồ Động Đình giảm nghiêm trọng, mực nước thấp nhất ghi nhận ở trạm Thành Lăng Ki là 19,12 mét.
Dự đoán trong tháng 2/2023, lượng mưa ở tỉnh Hồ Nam nhìn chung vẫn tương đối thấp, lượng mưa ở khu vực hồ Động Đình sẽ ít hơn khoảng 20%.
Lưu vực sông dài nhất châu Á hạn hán liên tục ba mùa, là điều hiếm thấy trong lịch sử
Vào ngày 13/1/2023, Bộ Quản lý Ứng phó Khẩn cấp của Trung Quốc (中共应急管理部) đã công bố tình hình cơ bản về thiên tai tại nước này trong năm 2022. Trong suốt cả năm, nhiều đợt thiên tai đã gây ảnh hướng tới tổng cộng 112 triệu người và hơn 12 triệu ha cây trồng, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 238,65 tỷ nhân dân tệ (hơn 825 tỷ VNĐ).
Theo thông báo, nhiệt độ trung bình năm 2022 trên khắp Trung Quốc tăng cao và gây hạn hán nặng ở nhiều nơi trong thời gian dài. Trong đó, hạn hán suốt ba mùa ở lưu vực sông Trường Giang – con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba thế giới, là nghiêm trọng nhất.
Vào lúc hạn hán lên đỉnh điểm, tổng số người bị ảnh hưởng là 52,452 triệu, số người cần hỗ trợ đời sống là 7,585 triệu, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là hơn 6 triệu ha, và thiệt hại kinh tế trực tiếp là 51,28 tỷ nhân dân tệ (hơn 177 tỷ VNĐ).
Có thể bạn quan tâm: