Trong báo cáo của Nghị viện Hàn Quốc, JCS cho biết Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc đang cố gắng phát triển các công nghệ cốt lõi cho một hệ thống đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng, theo Yonhap.
“Chúng tôi đang xem xét triển khai hệ thống đánh chặn để chống lại các cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên vào các cơ sở quân sự chủ chốt của Seoul như trụ sở chỉ huy chiến tranh và các cơ sở hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc”, JCS cho biết.
Quân đội Hàn Quốc dự kiến sẽ mua một hệ thống phòng tên lửa của nước ngoài như Iron Dome do Israel phát triển. Nhưng dường như quyết định này sẽ không được thực hiện vì nhiều lý do, chẳng hạn như về chi phí hay địa hình đồi núi của Triều Tiên, điều này sẽ gây trở ngại cho hoạt động của hệ thống này.

JCS giải thích: “Iron Dome không thích hợp để xử lý các cuộc tấn công bằng hệ thống tên lửa tầm xa”.
Các cuộc thảo luận về phòng vệ ở đây tập trung chủ yếu vào việc chống lại các hệ thống vũ khí chiến lược của Triều Tiên như tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng được biết là có nhiều hệ thống tên lửa, bao gồm máy phóng tên lửa tự hành cỡ 170 mm và 240 mm, có thể tấn công Seoul và các vùng lân cận.
Ngoài ra, máy phóng tên lửa nhiều dải dài 300 mm của Triều Tiên được cho là đáng sợ nhất, vì nó có khả năng tiếp cận các cơ sở quân sự chính của Mỹ tại Pyeongtaek, Gyeonggi và trụ sở Hải quân, Không quân ở phía nam khu liên hợp quân sự Gyeryongdae, Chungcheong.
Theo báo cáo quốc phòng của Hàn Quốc năm 2016, Bình Nhưỡng có tổng cộng 14.100 pháo binh bao gồm 5.500 máy phóng tên lửa, phần lớn đã được triển khai gần đường phân định quân sự. Trong khi Seoul chỉ có 5.900 pháo binh bao gồm 200 máy phóng tên lửa.

Tổng tham mưu trưởng JCS, ông Jeong Kyeong-doo, đã cam kết thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng để biến quân đội thành một lực lượng chiến đấu “đáng tin cậy” và xử lý tốt các mối đe dọa an ninh từ phía Triều Tiên.
Tình hình hiện tại ở bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng, Bình Nhưỡng được cho là có khả năng tiến hành một cuộc khiêu khích khác để phản ứng lại các cuộc tập trận hải quân chung giữa Seoul và Washington.
Ông Jeong Kyeong-doo nói thêm: “Chúng tôi vẫn duy trì và phát triển liên minh quân sự giữa Hàn Quốc – Hoa Kỳ, đồng thời sẽ tăng cường khả năng giải quyết quân sự của quân đội để đảm bảo rằng không ai dám đe dọa đến cuộc sống và an toàn của công dân”.
An Yên