Hầm trú ẩn hạt nhân nằm sâu 2km dưới lòng công viên Rừng Quốc gia Tây Sơn, cách Bắc Kinh 20km về phía Tây Bắc. Đây là nơi sơ tán an toàn cho các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hầm trú ẩn hạt nhân là hệ thống đường ngầm và hang động với kích cỡ một thành phố nhỏ, có nguồn cung cấp nước sạch ổn định cho 1 triệu người trong tình huống phải sơ tán khẩn cấp do có chiến tranh hạt nhân.

Cơ sở trú ẩn này là một phần thuộc Trung tâm Chỉ huy tác chiến hỗn hợp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Hầm trú ẩn này lần đầu được thế giới biết đến hồi năm 2016, khi truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đây.

Lối vào chính của cơ sở nằm không xa thủ đô Bắc Kinh cho phép các lãnh đạo Trung Quốc có thể nhanh chóng từ Trung Nam Hải tới được nơi trú ẩn an toàn. Chính phủ nước này sẽ có thể duy trì hoạt động từ bên trong hầm trú ẩn.

Vị trí căn hầm trú ẩn của lãnh đạo Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Vị trí căn hầm trú ẩn của lãnh đạo Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

So với những hầm trú ẩn hạt nhân trứ danh khác như Tổ hợp Raven Rock Mountain tại Pennsylvania hay Cheyenne Mountain tại Colorado của Mỹ, hầm trú ẩn tại Công viên Tây Sơn có lợi thế đáng kể xuất phát từ vị trí đặc biệt của nó, nhanh chóng đảm bảo an toàn cho các quan chức hàng đầu của Trung Quốc.

Hầm Mount Weather, Virginia, nằm cách Nhà Trắng 60 dặm về phía tây là nơi trú ẩn của Chính phủ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh (Ảnh: Daily Mail).
Hầm Mount Weather, Virginia, nằm cách Nhà Trắng 60 dặm về phía tây là nơi trú ẩn của Chính phủ Mỹ sau Chiến tranh Lạnh (Ảnh: Daily Mail).
Tổ hợp hầm trú ẩn hạt nhân Raven Rock Mountain tại Pennsylvania, Mỹ (Ảnh: Daily Mail).
Tổ hợp hầm trú ẩn hạt nhân Raven Rock Mountain tại Pennsylvania, Mỹ (Ảnh: Daily Mail).

Hầm có khả năng chống chịu tốt

Hầm trú ẩn hạt nhân tại Tây Sơn nằm sâu dưới lòng đất khoảng 2km, được che phủ bởi những lớp dày đá hoa cương, vật liệu cứng nhất thế giới. Các chuyên gia cho biết để có thể chống chọi lại vụ tấn công hạt nhân, hầm ngầm cần được che phủ bởi lớp đá dày 100m. Tại Tây Sơn, lớp đá hoa cương dày tới khoảng 1.000m.

Ông Tần Đại Quân (Qun Dajun), chuyên gia từ Cơ quan Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống hang động đá vôi nằm sâu dưới dải núi Tây Sơn hơn 2km.

Với độ sâu này, hầm trú ẩn bên dưới Tây Sơn đã sánh ngang với Krubera – hang động sâu nhất thế giới ở Georgia (Tây Á) với độ sâu 2.200m.

Các hang động đá vôi được hình thành sau hàng triệu năm, khi những khối đá vôi bên dưới dải núi Tây Sơn bị nước ăn mòn. “Đây có lẽ là hệ thống hầm ngầm sâu nhất thế giới”, ông Tần mô tả hệ thống hang ngầm nơi xây dựng hầm trú ẩn với SCMP.

Hiện vẫn không rõ thời gian chính xác hầm trú ẩn này được xây dựng. Theo các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc xây dựng cơ sở này đã được khởi động từ cách đây nhiều thập niên và việc nâng cấp cơ sở đã được xúc tiến trong những năm trở lại đây.

Hầm trú ẩn bên dưới Nhà Trắng, Mỹ (Ảnh: Daily Mail).
Hầm trú ẩn bên dưới Nhà Trắng, Mỹ (Ảnh: Daily Mail).

Một trong những điều kiện đảm bảo sự tồn tại của những cơ sở dưới lòng đất như hầm trú ẩn hạt nhân tại Tây Sơn là có đủ nguồn cung cấp nước ngọt.

Các chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tin rằng nguồn nước tại Tây Sơn hiện có khả năng đảm bảo cuộc sống cho hơn 1 triệu người. Các mạch nước ngầm tại đây liên tục được bổ sung, đảm bảo cho nguồn nước luôn dồi dào và ít có khả năng cạn kiệt. Trung Quốc cũng đang triển khai xây đập đưa nước từ sông Trường Giang về Bắc Kinh, làm giảm nhu cầu nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giúp bảo vệ các mạch nước ngầm.

“Trung Quốc đã phát triển được công nghệ và thiết bị tiên tiến hàng đầu thế giới dùng cho mục đích này” – ông Lưu nói. Được biết ông Lưu hiện là người đứng đầu chương trình nghiên cứu xử lý nước nhiễm phóng xạ do chính phủ Trung Quốc tài trợ. Một mối đe dọa tới nguồn nước tại Tây Sơn trong trường hợp chiến tranh hạt nhân là các chất phóng xạ sau vụ nổ hạt nhân. Ông Lưu Vĩnh (Liu Yong), một nhà khoa học hạt nhân tại ĐH Nam Hoa ở Hồ Nam, nói rằng trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân, các chất phóng xạ tồn tại trong đất và sông hồ có thể ngấm vào các mạch nước ngầm. Do đó, nguồn nước phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng.

Nước sẽ được đưa vào các ống lọc chuyên dụng kết hợp quá trình xử lý bởi thủy tinh nóng chảy để tách các chất phóng xạ. Bước tiếp theo là làm nguội và bảo quản trong các khoang đặc biệt.

“Bằng cách đó, nước sẽ được bảo quản trong nhiều năm dưới lòng đất”, ông nói.

Thùy Linh