Năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump được đánh dấu bằng việc thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 khổng lồ. Trong những tuần đầu tiên của chính quyền, Tổng thống Biden đang cố gắng ký một biện pháp tương tự thành luật.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế do Coronavirus (CARES). Đạo luật này đã bơm 2,3 nghìn tỷ đô-la vào các chương trình cứu trợ COVID-19, một gói kích thích kinh tế, giáo dục và trợ cấp cho các ngành công nghiệp khác nhau của Mỹ.

Giờ đây, Thượng viện Hoa Kỳ hiện đang tranh luận về Kế hoạch Giải cứu người Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden, nhằm tìm cách cung cấp một gói kích thích kinh tế thông qua các khoản cứu trợ và trợ cấp bổ sung. Đạo luật gồm nhiều danh mục đã được Hạ viện thông qua vào cuối tháng Hai.

Một thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc cho biết Kế hoạch Giải cứu người Mỹ “đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được, và sẽ giải cứu nền kinh tế Mỹ và bắt đầu đánh bại virus”. Chính quyền Biden nhấn mạnh mục đích của dự luật là “giúp các gia đình lao động, cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ kiên trì vượt qua đại dịch”.

Mô hình Ngân sách Wharton Penn (PWBM) – một sáng kiến của Đại học Wharton ở Pennsylvania nhằm cung cấp một bản phân tích mang tính phi đảng phái về tác động đối với nền kinh tế của các đề xuất chính sách công mang tính bước ngoặt – đã đo lường tác động của cả hai đạo luật CARES và Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ . 

Vì nhiều lý do, các phân tích cho thấy dự luật của Biden không hiệu quả bằng dự luật của người tiền nhiệm.

GDP

Đạo luật CARES

Mô hình Ngân sách Penn Wharton dự đoán rằng Đạo luật CARES sẽ giúp kìm hãm đáng kể tình trạng sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ – một thước đo kinh tế phản ánh tổng sản lượng của nền kinh tế.

Nếu không có Đạo luật CARES, PWBM dự đoán rằng GDP của Hoa Kỳ vào năm 2020 sẽ giảm mạnh 37% trên cơ sở năm. Với Đạo luật CARES, PWBM ban đầu dự đoán rằng mức sụt giảm sản lượng sẽ chỉ đạt 30% – cải thiện 7% so với kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, bản cập nhật sau đó đã sửa đổi ước tính này thành mức cải thiện 5%.

Khi các cấp chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương vay quá mức, nợ công sẽ “chèn ép” các khoản đầu tư hiệu quả. Nói cách khác, các nhà đầu tư mua nợ chính phủ thay vì tài trợ cho các dự án kinh doanh của các công ty tư nhân, điều này sẽ hạn chế sự tăng trưởng kinh tế có được nhờ vào sản xuất và đổi mới cao hơn. 

Về dài hạn, bản phân tích cập nhật của PWBM dự đoán rằng Đạo luật CARES sẽ làm giảm GDP xuống 0,2% trong vòng một thập kỷ tới do nợ chính phủ gia tăng.

Để hoàn thành phân tích, PWBM đã sử dụng “số nhân tài khóa (Fiscal Multiplier)” – một con số nhằm nắm bắt “lượng sản lượng bổ sung được tạo ra cho mỗi đô-la chi tiêu của chính phủ” – để dự báo tác động của việc phân bổ ngân sách theo Đạo luật CARES. Các nhà phân tích đã sử dụng số nhân tương tự được thiết lập bởi Văn phòng Ngân sách Quốc hội để đo lường Đạo luật Tái đầu tư và Phục hồi của Mỹ năm 2009 – một gói kích thích kinh tế khác được ban hành trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.

Kế hoạch giải cứu Người Mỹ

Mặc dù hai gói cứu trợ có quy mô tương đương, PWBM dự đoán tác động kích thích từ Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ sẽ khiêm tốn hơn nhiều.

PWBM dự đoán rằng đạo luật của Tổng thống Biden sẽ làm gia tăng GDP thêm 0,6% trong ngắn hạn, đồng thời giảm GDP 0,3% trong hai thập kỷ tới do hiệu ứng “lấn át (Crowding Out Effect)”.

Nguồn gốc chính của sự chênh lệch phát sinh từ thực tế là nền kinh tế Mỹ ở trạng thái tồi tệ hơn nhiều trong mùa xuân năm 2020. So với giai đoạn phục hồi và điều kiện kinh tế bình thường hơn, chi tiêu của chính phủ có tác động mạnh hơn nhiều đến sản lượng trong thời kỳ đáy của những cuộc suy thoái sâu. 

Như PWBM có lưu ý về tình trạng kinh tế hiện tại của Hoa Kỳ, “thất nghiệp tập trung một cách không cân đối giữa những người có mức lương thấp hơn và lao động trẻ trong các lĩnh vực cụ thể” và “hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế hiện đang hoạt động ở mức gần như trước suy thoái”. Các lĩnh vực bị tác động phục hồi khá chậm do “các hành vi [của người tiêu dùng] trong đại dịch và các hạn chế chính sách ảnh hưởng đến cả tiêu dùng và sản xuất”.

Các nhà phân tích cho biết thêm: “Nhìn chung, nền kinh tế có mức tuyển dụng gần như toàn bộ với một số lĩnh vực sẽ không hoạt động trong ngắn hạn”.

Khi phân tích Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, PWBM đã áp dụng số nhân tài khóa được Văn phòng Ngân sách Quốc hội sử dụng khi sản lượng “gần với tiềm năng” thay vì số nhân tài khóa hữu ích khi sản lượng “thấp hơn nhiều so với tiềm năng”. 

Do đó, Đạo luật CARES là một gói chi tiêu hiệu quả hơn Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ phần lớn là do tính thời điểm của nó. Đạo luật của Tổng thống Trump được ban hành vào thời điểm thích hợp hơn trong chu kỳ kinh doanh đối với các biện pháp kích thích của chính phủ: giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc suy thoái nghiêm trọng. 

Các gói cứu trợ của chính phủ

Đạo luật CARES

Gói cứu trợ COVID-19 của Tổng thống Trump đã cung cấp 150 tỷ USD – tương đương 6,5% chi phí dự luật – để viện trợ trực tiếp cho các chính quyền địa phương và tiểu bang. 

Theo Mô hình Ngân sách Penn Wharton, những phân bổ này nhằm “tăng chi tiêu của các chính quyền tiểu bang đang nỗ lực tăng cường phản ứng tài chính đối với sự bùng phát của dịch bệnh”. So với các khoản khác trong Đạo luật CARES, PWBM dự kiến ​​các khoản cứu trợ sẽ khởi tác dụng thuộc hàng yếu nhất trong việc thúc đẩy sản lượng kinh tế. Các nhà phân tích dự đoán khoản cứu trợ 150 tỷ USD sẽ làm tăng GDP thêm 105 tỷ USD trong hai năm tới.

Kế hoạch giải cứu Mỹ

Bỏ qua tác động mờ nhạt của các gói cứu trợ của chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế, Kế hoạch Giải cứu người Mỹ sẽ chi 350 tỷ đô-la cho các chính quyền địa phương và tiểu bang – một con số chiếm 18,4% tổng số khoản chi của dự luật, cũng như một sự gia tăng 233% so với khoản phân bổ của Đạo luật CARES trong cùng một danh mục.

Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã rất tích cực trong nỗ lực tăng các gói cứu trợ của chính phủ thông qua các gói chi tiêu nhiều danh mục.

Ví dụ: Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua Đạo luật Phục hồi Kinh tế và Y tế Nhiều Danh mục (HEROES) vào tháng 5 năm 2020. Một phần ba trong gói 3 nghìn tỷ đô-la được dành để cứu trợ chính quyền tiểu bang và địa phương.

Sau phản ứng dữ dội từ các đảng viên Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã đề xuất một phiên bản cập nhật của Đạo luật HEROES vào tháng 9 năm 2020. Đề xuất mới đã giảm chi tiêu tổng thể xuống còn 2,2 nghìn tỷ đô-la – một bản sửa đổi phần lớn do các khoản phân bổ của nhà nước và chính phủ giảm từ gần 1 nghìn tỷ đô-la xuống còn 436 tỷ đô-la.

Việc Đảng Dân chủ nhấn mạnh vào các gói cứu trợ của chính phủ khiến các hóa đơn chi tiêu của họ rơi vào cạm bẫy tương tự – không thể chi tiêu các khoản tiền kích thích theo cách mà có ý nghĩa thúc đẩy GDP.

Như PWBM giải thích, “số nhân lớn nhất gắn liền với các điều khoản cung cấp tiền cho các hoạt động mua hàng của chính phủ và chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và thất nghiệp gần đây”. 

Các nhà phân tích lưu ý: “Những gói kích thích này thường cung cấp tiền mặt cho tay các hộ gia đình có nhiều khả năng chi tiêu nhanh nhất, tạo ra tổng cầu lớn nhất và tác động kích thích lớn nhất. Ngược lại, việc đưa tiền vào tay những người và các tổ chức có nhiều khả năng tiết kiệm hơn sẽ không có khả năng tạo ra sự thúc đẩy ngay lập tức trong ngắn hạn đối với nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ”.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ của Tổng thống Biden bị hạn chế về tác động kinh tế vĩ mô một phần vì nó phân bổ tiền cho các lĩnh vực không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.