Lời toà soạn: ‘Chiến sự Ukraine’ là loạt bài đưa ra phân tích, góc nhìn của các chuyên gia có uy tín; đồng thời cũng kèm theo những chia sẻ mang hơi hướng văn hoá, đời sống để quý độc giả có một cái nhìn khách quan, đa chiều về tình hình ở Ukraine.

Trong cuốn tiểu thuyết ‘Cuốn theo chiều gió’, Thuyền trưởng Rhett Butler đã từng nói một câu nổi tiếng như thế này: “Khi một nền văn minh hưng khởi hoặc hủy diệt, thì đây là cơ hội tốt để kiếm tiền. Và tiền kiếm lúc nền văn minh huỷ diệt còn nhiều hơn cả khi nền văn minh hưng khởi”.

Thật vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, từng nhóm từng nhóm các quan chức Nga trong chế độ Liên Xô cũ đã ‘phát đại tài’. Đồng thời, những nhà tài phiệt và giới tinh anh này cũng nhận được rất nhiều lợi ích từ chế độ Nga hiện hành, có quan hệ mật thiết với tổng thống Putin.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, ngoài các biện pháp trừng phạt Putin, phương tây cũng áp đặt các lệnh trừng phạt lên các nhà tài phiệt và tinh anh trong kinh tế – chính trị của Nga.

Khoảng ngày 10/3, chính phủ Anh đóng băng tài sản của 7 nhà tài phiệt Nga, trong đó có chủ tịch của câu lạc bộ Chelsea là Roman Abramovich. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang cố gắng tìm ra những người này.

Đây được xem là một động thái quan trọng trong sách lược trừng phạt Nga. Những nhà tài phiệt này sẽ rất phản cảm với Putin, bởi vì Putin xâm lược Ukraine nên mới tạo thành việc tài sản của họ bị đóng băng, bao nhiêu tiền cố gắng dành dụm bỗng chốc biến thành giấy vụn.

Giới tinh anh và những nhà tài phiệt này có tiền bạc và quyền lực, khi họ bất bình thì sẽ ‘bức’ Putin thay đổi chính sách hoặc khiến tổng thống Nga lâm cảnh còn tệ hơn nữa.

Tình huống này là rắc rối lớn đối với với Putin, những nhà tài phiệt và tinh anh này sẽ hợp tác với nhau để chống lại tổng thống Nga. Đây được gọi là ‘hoạ khởi âm thầm’ (Hoạ khởi tiêu tường – 禍起蕭牆), cũng là điều mà Putin vô cùng sợ hãi.

Trong lịch sử đã từng có câu chuyện tương tự, khi giới quý tộc bị liên luỵ bởi vì quốc vương đắc tội với đại quốc, họ sẽ liên kết lại phản bội thậm chí hạ sát quốc vương.

Trong ‘Sử ký – Đại Uyên liệt truyện’ có ghi lại một câu chuyện thời Hán Vũ Đế như sau.

Hán Vũ Đế muốn tìm người khai thông con đường sang Tây Vực để liên kết với các nước chống lại Hung Nô. Ông hạ chiếu và tìm được người đi sứ là Trương Khiên.

Trương Khiên là một người rất có ảnh hưởng trong lịch sử Trung Quốc và cả vùng châu Á, bởi vì ông có công lớn trong việc khai thông ‘con đường tơ lụa’ để di chuyển và kinh doanh giữa các nước Á – Âu.

Câu chuyện của Trương Khiên được ghi lại trong ‘Sử ký – Đại Uyên liệt truyện’.

Trương Khiên đi sứ Tây Vực, ông đến nước Đại Uyên (大宛, có bản dịch là Đại Uyển), giao giới của 3 nước Trung Á là Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan ngày nay.

Vị trí nước Đại Uyên trên bản đồ.

Trương Khiên phát hiện Đại Uyên có giống ngựa quý tên là ‘Hãn huyết bảo mã’. Hãn huyết bảo mã có tốc độ và thể lực kinh người, ngày đi ngàn dặm, có thể so sánh với ngựa Xích Thố của Quan Công hoặc con Ô Truy của Hạng Vũ. Hãn huyết bảo mã có đặc điểm là ‘mồ hôi’ (hãn – 汗) đỏ như ‘máu’ (huyết – 血).

Hán Vũ Đế nghe tin vô cùng thích Hãn huyết bảo mã. Ban đầu, Hán Vũ Đế lấy ngựa Ô Tôn (ngựa của xứ Ô Tôn) làm ‘Thiên Mã’, sau này ông đổi ngựa Ô Tôn thành Tây Cực Mã (ngựa từ phía tây), đưa Hãn huyết bảo mã làm Thiên Mã. Hán Vũ Đế còn làm ‘Thiên mã ca’ để hy vọng có được Hãn huyết bảo mã xứ Đại Uyên.

Vị trí nước Ô Tôn trên bản đồ.

Năm 104 TCN, Hán Vũ Đế phái sứ giả đem 20 vạn lượng vàng kim và đúc một con ngựa bằng vàng kim, đến đô thành của Đại Uyên là thành Nhị Sư để đổi một con Hãn huyết bảo mã.

Quân – thần của Đại Uyên thương lượng trước với nhau rằng, tiền có thể lưu lại, còn ngựa thì không đưa. Sau đó trên đại điện, quốc vương nước Đại Uyên khi đó là Vô Quả (無寡) đã nói lời không khách khí với sứ giả khiến sứ giả Đại Hán (Hán sứ) tức giận, 2 bên mắng mỏ lẫn nhau. Kết quả Hán sứ lấy cái búa đập hư con ngựa bằng vàng kim và lễ vật rồi bỏ đi.

Giáo sư Chương Thiên Lượng đang mô phỏng lại cảnh sứ giả Đại Hán tức giận dùng búa đập ngựa đúc bằng vàng kim và lễ vật.

Quốc vương Đại Uyên tức giận, mệnh lệnh cho binh lính phía đông cản Hán sứ lại, sau đó giết toàn bộ sứ đoàn. 

Hán Vũ Đế đại nộ, phái binh chinh phạt nước Đại Uyên. Người lãnh binh lúc đó là Lý Quảng Lợi.

Hán Vũ Đế rất sủng ái một người là Lý Phu Nhân. Anh trai của Lý Phu Nhân chính là Lý Quảng Lợi.

Lần đầu tiên Lý Quảng Lợi chinh phạt Đại Uyên thất bại. Lần thứ hai thì thắng. Trong lần thứ hai, Hán Vũ Đế có phái thêm một ‘thuỷ công’ (水工: người am hiểu thuỷ lợi) để cắt đứt nguồn nước của Đại Uyên, sau đó mới vây đô thành Nhị Sư để công hạ.

Khi đó quý tộc của Đại Uyên thấy tình huống khẩn cấp như vậy, họ họp lại với nhau. Đoạn thứ 32 trong ‘Sử ký – Đại Uyên liệt truyện’ ghi lại rằng:

“Quý tộc Đại Uyên bàn với nhau rằng: ‘Sở dĩ Hán đánh Đại Uyên, là do Vô Quả giấu ngựa tốt mà giết sứ Hán. Bây giờ chúng ta giết Vô Quả rồi đưa ngựa tốt, binh Hán sẽ rút, nếu không rút thì chúng ta quyết chiến cũng chưa muộn’. 

Tất cả quý tộc Đại Uyên đồng ý, cùng giết Vô Quả, đem thủ cấp đưa cho một quý tộc để đưa đến đô thành Nhị Sư. Quý tộc nói: ‘Nếu các vị không đánh tôi, tôi sẽ đem ngựa [Hãn huyết bảo mã] cho các vị chọn, còn cấp đồ ăn cho quân Hán. Nếu các vị không nghe, tôi sẽ giết hết ngựa, và cầu cứu đồng minh như nước Khang Cư. Lúc đó Đại Uyên phòng thủ ở trong, Khang Cư tấn công ở bên ngoài, nội công ngoại kích quân Hán. Quân Hán nên suy nghĩ kỹ để chọn phương án nào'”.

Vị trí nước Khang Cư (nước nằm bên trái) trên bản đồ.

Lý Quảng Lợi nghĩ mình đến đây có 2 mục đích: một là giết quốc vương nước Đại Uyên là Vô Quả vì tội bất kính, hai là lấy Hãn huyết bảo mã. Quý tộc Đại Uyên đưa điều kiện đã thoả mãn 2 điều ấy nên quân Hán nhận được 3000 con Hãn huyết bảo mã rồi rút binh.

Kể câu chuyện lịch sử trên là muốn nói rằng, hiện nay Âu – Mỹ đang trừng phạt tinh anh và tài phiệt kinh tế, chính trị Nga có thể dẫn đến kết quả như vậy, và Putin hiện nay giống như quốc vương Đại Uyên là Vô Quả. 

Vì để Putin đạt được vinh quang khôi phục Liên Xô mà các nhà tài phiệt phải bị đóng băng tài sản, họ sẽ vô cùng khó chịu. Họ thậm chí sẽ phản bội và lật đổ Putin. Nếu như vậy thì cuộc chiến ở Ukraine sẽ ảnh hưởng to lớn đến chính trị nước Nga trong thời gian tới. 

Đồng thời những đòn trừng phạt của phương tây cũng là lời cảnh báo có sức nặng đến ĐCSTQ. Đánh Đài Loan thì kết quả còn chưa biết, nhưng ngay lập tức các quan chức sẽ bị đóng băng tài sản và bị trục xuất người thân khỏi các nước sở tại. Còn ông Tập có thể rơi vào hoàn cảnh giống như Vô Quả.

Chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, liệu Putin có đạt được mục đích của mình hay là sẽ rơi vào hiểm cảnh, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

Mạn Vũ

Chú thích: 

(*) Hoạ khởi âm thầm: Nguyên gốc là Hoạ khởi tiêu tường – 禍起蕭牆. Đây là tiêu đề của tập 4 trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 (Tần Hoàng Hán Vũ). Trong đó kể về việc Hoạn quan Triệu Cao câu kết với Thừa tướng Lý Tư để soán cải di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng, từ đó dẫn đến nước Tần diệt vong.

(**) Tham khảo:

  • Chính luận thiên hạThiên Lượng luận chính đăng ngày 7/3 của Giáo sư Chương Thiên Lượng.
  • Tiếu đàm phong vân phần 2, tập 36: Con đường tơ lụa (Ti trù chi lộ – 絲綢之路).
  • ‘Sử ký – Đại Uyên liệt truyện’ của Tư Mã Thiên.

(***) Ảnh trong bài được chụp từ Tiếu đàm phong vân phần 2 tập 36: Con đường tơ lụa.