Bà Sophie Richardson, giám đốc khu vực Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã so sánh các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc, với thảm sát Thiên An Môn năm 1989, theo Express hôm 31/12.
Kể từ khoảng năm 2017, Trung Quốc đã giam giữ gần một triệu người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong những cái được gọi là “trại cải tạo”. Bắc Kinh tuyên bố các trại này được tạo ra chỉ là để ngăn chặn sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ở nước này.
Tuy nhiên, khi một loạt các báo cáo bị rò rỉ về các điều kiện bên trong các trại cải tạo này, bà Richardson đã tuyên bố các trại cải tạo này của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm nhân quyền.
Phát biểu với tờ Express của Anh, bà Richardson nhận định: “Đây có thể là vụ vi phạm nhân quyền quy mô lớn nhất kể từ vụ thảm sát người dân năm 1989; Đó là một quá trình ngược đãi nhục nhã”.
Theo Express, trước tình hình thảm khốc ở Trung Quốc, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh đóng cửa các trại này ngay lập tức. Một số thành viên Nghị viện châu Âu nêu ra bằng chứng về việc tra tấn, giam giữ tùy tiện và hạn chế thực hành tôn giáo, họ yêu cầu Bắc Kinh cho phép các nhà quan sát quốc tế tự do tiếp cận tỉnh Tân Cương, nơi có các trại cải tạo.
Trước đây, Bắc Kinh đã cho phép các nhà báo đến xem tình hình các trại, nhưng rất hạn chế và chỉ khi được các quan chức Trung Quốc hộ tống.
Thật vậy, trong một lần đến thăm trại cải tạo ở Tân Cương, nhà báo John Sudworth của hãng tin BBC đã so sánh chúng với “các trại tập trung thời Đức Quốc Xã”.
Cùng với sự chỉ trích của EU đối với chính phủ Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên án tình trạng đối xử thô bạo của Bắc Kinh đối với tôn giáo.
Trong một đăng tải trên trang mạng Twitter, ông Pompeo viết: “Từ Tây Tạng đến Tân Cương, các chiến dịch đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải là để chống khủng bố”.
Ông cho rằng “ĐCSTQ đang cố gắng xóa bỏ đi tín ngưỡng và văn hóa của người dân”. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh “Tất cả các xã hội phải tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo”.
Mặc dù thế giới ngày càng yêu cầu gắt gao Bắc Kinh phải đóng cửa các trại này, bà Richardson cho rằng Trung Quốc là nước có nhiều ảnh hưởng trên thế giới, do đó các quốc gia rất sợ phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh.
“Đây là một thế lực có trọng lượng trong các giải pháp quốc tế quan trọng; Họ sẽ tiếp tục vi phạm nhân quyền cho đến khi thế giới áp đặt một ‘cái giá phải trả’ để họ có thể những làm những việc như vậy”, bà Richardson nhận định.
Vào tháng 11/2019, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã có trong tay các bức điện tín bị rò rỉ, qua đó phát hiện ra sổ tay hướng dẫn hoạt động cho việc quản lý, điều hành các trại cải tạo ở Tân Cương.
Nhận xét về những rò rỉ này, ông Adrian Zenz, một thành viên cao cấp trong ban nghiên cứu về Trung Quốc, ở Washington, cho biết: “Nó thực sự cho thấy rằng ngay từ khi bắt đầu, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch làm thế nào để siết chặt các trung tâm dạy nghề; làm thế nào để giam giữ ‘người dân’ vào các phòng ngủ tập thể và làm thế nào để giữ họ ở đó ít nhất một năm”.
Ông Zens lưu ý: “Rất, rất quan trọng khi biết rằng những tài liệu này có từ năm 2017, bởi vì đó là khi toàn bộ chiến dịch cải tạo bắt đầu”.
Xem thêm:
