Mục lục bài viết
Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đăng tải các bài xã luận khuyến khích giới trẻ di dời về nông thôn, vì không có đủ việc làm tại thành thị do tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19. Nhưng hoàn cảnh của các nông dân tại nông thôn cũng chẳng khác là mấy, theo phản ánh của tờ The Epoch Times ngày 8/7.
Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy một kế hoạch khuyến khích tiêu dùng nội địa, gọi là “lưu thông kinh tế nội địa”. Lý luận căn bản trong kế hoạch này là, đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu do đại dịch, Trung Quốc nên thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp để sản xuất hàng hóa mà người dân Trung Quốc muốn mua.
Nông thôn ‘thất nghiệp’
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm tỉnh Quý Châu vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 để đánh giá tình hình kinh tế hiện tại và những ảnh hưởng của đợt lũ lụt nghiêm trọng gần đây.
“Trên đường đến đây, tôi đã nhìn thấy rất nhiều xưởng sản xuất để trống dọc bên đường. Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng chúng để mở rộng sản xuất”, ông Lý nói, trong khi tham quan một nhà máy ở thành phố Đồng Nhân ngày 6/7, theo báo cáo của chính quyền địa phương.
“[Các doanh nghiệp] nên thuê thêm lao động ngoại tỉnh”, ông Lý nói.
Nhiều công nhân ngoại tỉnh bị mất việc làm trong thành phố vì đại dịch Covid. Không có nguồn thu nhập, nhiều người đã về quê.
Tuy nhiên, bởi nhẽ chính quyền địa phương phân đất nông nghiệp bằng nhau cho mỗi hộ gia đình, các gia đình nông thôn từ lâu đã trải qua tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có đủ đất để kiếm sống.
Cuối năm 2019, Trung Quốc có 290,77 triệu lao động ngoại tỉnh, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Nhưng vì họ không đăng ký chính thức tại các khu đô thị nơi họ làm việc, nên họ không thể được tính vào số liệu thất nghiệp của chính quyền.
Thành thị ‘thất nghiệp’
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp chính thức tại các thành phố trong tháng 5 là 5,9%, mặc dù người dân và các nhà kinh tế Trung Quốc nghi ngờ tính xác thực của con số đó.
Hồi tháng Tư, nhà kinh tế học người Trung Quốc Li Xunlei và nhóm của ông đã đăng lên mạng rằng, theo nghiên cứu của họ, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc sẽ phải là 20,5%, có nghĩa là hơn 70 triệu người đã mất việc. Sau khi nghiên cứu tạo nên một cuộc thảo luận công chúng sôi nổi, ông Lý đã bị buộc phải từ chức giám đốc công ty môi giới chứng khoán Zhongtai Securities.
Vào tháng Năm và tháng Sáu, các kênh truyền thông tiếng Trung và tiếng Anh ở hải ngoại đã trích dẫn các nhà kinh tế Trung Quốc giấu tên cho biết 80 triệu người Trung Quốc đang tìm việc tại các thành thị.
Zhou Li, một nhà kinh tế cấp cao và cựu thứ trưởng Ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã xuất bản một bài báo ngày 22/6 đưa ra những thách thức to lớn mà đất nước đang phải đối mặt.
“Kể từ khi đại dịch lan rộng khắp thế giới, ngành xuất khẩu của Trung Quốc đã nhận được rất ít đơn đặt hàng. Các nhà cung cấp và người mua đã ngừng sản xuất, và giao thông quốc tế bị nghẽn lại”, ông Zhou viết trong bài báo, được đăng trên kênh truyền thông nhà nước China Social Science News. “Điều này đã tạo nên áp lực to lớn đối với nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc”.
Ngoài những thách thức kinh tế, ông Zhou viết rằng Trung Quốc cũng phải đối mặt với mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi, một đại dịch Covid đang tiếp diễn, các giao dịch quốc tế phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và sự thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc.
Người dân địa phương đang cảm nhận được gánh nặng của những thiệt hại kinh tế. Zhou Na, một cư dân ở phía đông thành phố cảng Thanh Đảo phía Tây Trung Quốc, cho biết nhiều nhà máy tập trung vào xuất khẩu trong khu vực đang phải hứng chịu thiệt hại.
“[Việc sản xuất] khăn tắm, giày, mũ, quần áo…. giờ đây hầu hết bạn bè của tôi làm việc trong các doanh nghiệp này đều không có việc để làm”, cô gái chia sẻ với The Epoch Times trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Zhou nói thêm rằng nhiều người dân địa phương không còn đủ khả năng đi ăn tiệm.
“Hầu như không ai ăn tiệm vì rất đắt. Các quán ăn vỉa hè thì có nhiều khách hàng hơn vì rẻ. Mọi người không có việc và không có tiền. Năm nay là một năm rất khó khăn với chúng tôi”, cô bộc bạch.
‘Giải pháp’ của chính phủ
Thời báo Hoàn Cầu – kênh ngôn luận của nhà nước Trung Quốc – đã đăng một bài xã luận vào ngày 6/7 khuyến khích 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học trong tháng này hãy “cùng xuống nông thôn, nơi đất nước đang rất cần các em”.
Đó cũng chính là câu khẩu hiệu mà chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng trong Phong trào “Tiến về nông thôn” trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 – thời Cách mạng Văn hóa.
Bài bình luận khuyến khích họ “trở thành các giáo viên, nông dân và bác sĩ ở vùng nông thôn và đi đến các vùng nghèo đói [nơi] có một viễn cảnh phát triển sự nghiệp rộng lớn hơn”.
Nhiều chuyên gia phân tích lịch sử đã bình luận, phong trào Tiến về Nông thôn này thực chất là một dạng cải tạo lao động biến tướng. Với lý luận thanh niên trí thức về nông thôn để tiếp thụ giáo dục lại của bần nông, cả một thế hệ thanh thiếu niên thời bấy giờ đã đánh mất đi tuổi thanh xuân và cơ hội phát triển sự nghiệp tri thức của mình.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, quan chức hàng đầu của ĐCSTQ về chính sách kinh tế, đã đề xuất một kế hoạch phục hồi nền kinh tế trong diễn đàn kinh tế Lục Gia Chủy tại Thượng Hải ngày 18/6.
“Chúng ta [Trung Quốc] vẫn đang phải đối mặt với áp lực khá lớn từ suy thoái kinh tế. … Hệ thống kinh tế của chúng ta đang hình thành một mô thức mới, theo đó chủ yếu dựa vào lưu thông [kinh tế] nội địa”, trong khi vẫn phụ thuộc vào thương mại quốc tế, ông Lưu nói.
Ông Lưu đã yêu cầu mọi người chú ý hơn đến tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng công nghiệp – vì nền kinh tế Trung Quốc hiện nay phụ thuộc vào xuất khẩu và các nhà cung ứng nước ngoài, đồng thời cho biết các ngành công nghiệp địa phương nên tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng kim ngạch trị giá 6,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (885 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm 2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 5,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 762 tỷ USD) – lần lượt giảm 4.7% và 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái.