Tác giả người Belarus, Svetlana Alexievich, đã đạt giải Nobel Văn học 2015 vì “lối viết văn phức điệu của bà, một tượng đài về khổ đau và dũng khí trong thời đại của chúng ta”. Alexievich đã cho thế giới thấy được một cách chân thực cuộc sống của những con người giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, trong thảm họa hạt nhân Chernobyl, và khi liên bang Xô Viết sụp đổ.

Nói về hoàn cảnh sáng tác của mình, trong cuốn “Những lời cầu nguyện từ Chernobyl”, nhà văn Svetlana Alexievich có viết:

“Nếu nhìn lại lịch sử của chúng ta, cả thời Xô Viết và sau Xô Viết, bạn sẽ thấy nó là một nấm mồ chung, là một bồn máu. Đó là một cuộc hội thoại của những tên đao phủ và các nạn nhân. Những câu hỏi đáng nguyền rủa kiểu Nga: sẽ làm gì, và cần đổ lỗi cho ai. Cuộc cách mạng cộng sản, các trại cải tạo lao động tập trung của Liên Xô, chiến tranh thế giới thứ 2, chiến tranh Xô Viết – Afghanistan bị che đậy, đế chế Xô Viết sụp đổ, mảnh đất cộng sản – xã hội không tưởng sụp đổ, và thách thức cho những chiều không gian của vũ trụ – thảm họa hạt nhân Chernobyl. Đây là một thách thức cho tất cả sinh vật trên Trái Đất. Đó là lịch sử của chúng ta. Và đó là đề tài trong những cuốn sách của tôi, con đường của tôi, vòng tuần hoàn tăm tối của tôi, từ nhân loại tới nhân loại.”

– Svetlana Alexievich

Người phụ nữ thứ 14 đạt giải Nobel văn học thế giới chia sẻ, mỗi tác phẩm của bà là kết tinh từ các cuộc phỏng vấn với 500 đến 700 người. Bà muốn khắc họa lại suy nghĩ và hồi ức của họ, những niềm tin, những lừa dối, những ảo tưởng, những hy vọng và cả những nỗi sợ hãi. Tất cả đều không phải là thứ có thể tưởng tượng hay sáng tạo ra, mà chỉ có thể ghi chép lại một cách chân thực.

Nhà văn Svetlana Alexievich

Sinh ra tại Ukraine vào năm 1948, nhà văn Alexievich theo cha mẹ tới Belarus định cư. Bà đã làm việc cho một số tờ báo địa phương trước khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí tại trường đại học quốc gia tại Minsk, thủ đô Belarus. Sau đó, bà trở thành phóng viên của tạp chí văn học Neman.

Tác phẩm đầu tay của Alexievich, “Tôi rời làng tôi“, đã mang tới uy tín lớn cho bà, một nhà hoạt động bất đồng quan điểm với chính quyền. Sau khi hoàn thành cuốn sách “Chiến tranh không hợp với phụ nữ” năm 1983, Alexievich đã bị buộc tội “làm lu mờ hình tượng anh hùng của người phụ nữ Xô Viết“. Và chỉ đến khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, cuốn sách của Alexievich mới được xuất bản.

Alexievich tập trung viết về những thảm kịch xảy ra xung quanh mình trong các biến cố lớn của thế giới. Sau khi bị chính quyền độc tài của Lukashenko đàn áp, bà đã rời Belarus vào năm 2000 và từng sống tại Pháp, Thụy Điển, Đức dưới sự bảo trợ của Mạng lưới Tị nạn Quốc tế. Năm 2011, Alexievich quay trở lại sống tại Minsk, thủ đô Belarus.

Giải Nobel văn học 2015

Hàng năm, giải Nobel Văn học được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho một tác gia có đóng góp quan trọng cho nền văn học thế giới. Khác với những năm trước, việc tác gia Svetlana Alexievich nhận giải Nobel Văn học 2015 hoàn toàn nằm trong dự đoán. Cùng với bà có các ứng viên nặng ký như tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami, tiểu thuyết gia Kenya Ngugi Wa Thiong’o, tiểu thuyết gia – nhà soạn kịch Na Uy Jon Fosse, cùng cây viết Mỹ Joyce Carol Oatesn.

Video công bố giải Nobel văn học 2015:

Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, Svetlana Alexievich đã đạt giải Nobel 2015 vì “lối viết văn phức điệu của bà, một tượng đài về khổ đau và dũng khí trong thời đại của chúng ta“. Bà Sara Danius, thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển, người công bố giải Nobel 2015 chia sẻ về các tác phẩm của Alexievich: “Đây thực sự không phải là về các sự kiện lịch sử, mà là về cảm xúc của những con người trong các sự kiện lịch sử đó.

Svetlana Alexievich nhận giải Nobel Văn học ở tuổi 67. Độ tuổi trung bình của các tác gia nhận giải Nobel là 64. Người già nhất nhận giải Nobel văn học là nhà văn Doris Lessing, vào năm 2007, khi bà đã 88 tuổi. Người trẻ nhất là Rudyard Kipling, ở độ tuổi 42, với tác phẩm nổi tiếng “The Jungle Book” đã được Walt Disney chuyển thể thành phim vào năm 1967.

Ngày 10 tháng 12 năm nay, Svetlana Alexievich sẽ nhận số tiền khoảng 10 triệu kronor (27 tỉ VND), giấy chứng nhận, cùng huy chương vàng trong lễ trao giải Nobel tổ chức tại thành phố Stockholm, Thụy Điển.

Quang Minh

Xem thêm: