Ngày 20/7 vừa qua là kỷ niệm tròn 19 năm ngày chính quyền Trung Quốc tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu ở Đại Lục nhưng thất bại.
Chỉ trong một đêm, chính quyền Trung Quốc từng dẹp bỏ thành công cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn sinh viên và trí thức tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Trong bài báo đăng ngày 23/12/2017 trên tờ Independent của Anh, tác giả Adam Lusher viết: bức điện tín mật của Ngài Alan Donald – Đại sứ Anh tại Trung Quốc năm đó – vừa được giải mật gần đây tiết lộ con số thương vong trong cuộc thảm sát thực tế ít nhất phải đến 10.000 người, chứ không phải 3.000 như thông tin từ trước đến nay. [1]
Trước đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Triệu Tử Dương vì bày tỏ cảm thông với sinh viên tham gia biểu tình mà từ đỉnh cao quyền lực bị hạ bệ trong chớp nhoáng.

Giết chóc là điều không mới trong lịch sử của ĐCSTQ.
Giới học giả ước tính tổng cộng khoảng 80 triệu người chết bất thường dưới thời chính quyền của ĐCSTQ, nhà báo Beth Duff-Brown cho biết trong bài báo trên tờ LA Times ngày 20/11/1994. [2]
Những trường hợp tử vong này diễn ra trong hàng loạt phong trào đấu tố, chỉnh đốn diễn ra liên tục suốt hàng thập kỷ. Nào là Thảm sát đoàn AB năm 1930, Chỉnh đốn Diên An từ năm 1942 đến tháng 4/1945, vây khốn Trường Xuân năm 1948, Cải cách ruộng đất và đàn áp “phản cách mạng” năm 1950, “Tam phản” và “Ngũ phản” từ năm 1951 – 10/1952, Đại Nhảy Vọt từ năm 1958 đến năm 1962, Đại Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, Thảm sát Thiên An Môn năm 1989… Con số 80 triệu người cho thấy bất kỳ ai hay nhóm người nào bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu đều phải chịu kết cục bi thảm.

Có câu nói hễ ĐCSTQ muốn “xóa sổ” ai thì người đó sẽ không tồn tại quá 3 ngày. Nhưng một nhóm người vẫn tồn tại dù bị đàn áp tàn bạo từ cuối thế kỷ 20 đến nay: Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công thuộc trường phái Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Ngày 20/7/1999, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân áp dụng 3 chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”, tuyên bố “tiêu diệt Pháp Luân Công trong 3 tháng”. Cảnh sát bắt đầu tiến hành càn quét, bắt giữ điều phối viên tại các điểm tập Pháp Luân Công. Ngày 22/7/1999, chính quyền phát động tấn công truyền thông toàn diện chống Pháp Luân Công, môn tập chính thức bị cấm.

Nhưng kế hoạch của ông Giang phá sản hoàn toàn, khi Pháp Luân Công chẳng những không bị “tiêu diệt”, ngược lại còn phát triển rộng khắp ra thế giới.
“Trong 25 năm qua, Pháp Luân Công đã phát triển lên từng ngày. Hàng triệu, hàng triệu người đã tham gia, và số học viên vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp chiến dịch tàn khốc của ĐCSTQ suốt 18 năm qua nhằm tiêu diệt pháp môn này”, Nghị sĩ Canada Michael Cooper phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền 13/5/2017 được tổ chức trên Đồi Nghị viện, thủ đô Ottawa. [3]
Một nhóm người ôn hòa trụ vững trước bộ máy đàn áp toàn diện, tuyên truyền bôi nhọ và bức hại khét tiếng của chính quyền Trung Quốc. Thực tế này khiến nhiều người phải suy ngẫm: Vì sao chính quyền Trung Quốc thất bại khi đàn áp Pháp Luân Công?
Câu trả lời cho vấn đề này đều là những điều mà ĐCSTQ không muốn người dân trong nước và thế giới biết đến.
Pháp Luân Công là gì?
Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) là môn khí công đơn truyền thuộc trường phái Phật Gia, lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền rộng ra công chúng vào năm 1992.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn thiền định mà bạn có thể tập luyện hàng ngày. Môn này bao gồm các bài tập đơn giản và thiền định, cùng với triết lý sống giản dị giúp con người hướng thiện”, theo Bác sĩ Hoa Kỳ Damon Noto, người từng 5 lần giành Giải thưởng sự lựa chọn của bệnh nhân (Honoree of the Patient Choice Award), Giải thưởng Bác sỹ Nhân hậu (Compassionate Doctor Award) và Giải thưởng Top 10 Bác sỹ ở New York và New Jersey. [4]

Trong cuộc diễu hành tại Manhattan, New York, Mỹ nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2018, cô Yulia Zhirnova, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Nga chia sẻ những thay đổi lớn về sức khỏe sau khi tập luyện Pháp Luân Công. Cô nói với đài truyền hình NTD: “Khi mới tập Pháp Luân Đại Pháp được khoảng một tháng, tôi đã thấy có chuyển biến rất lớn. Tôi không còn cần ngủ trưa nữa mà vẫn tràn đầy năng lượng”.
Hay như học viên thiếu niên Jaden Meltser chia sẻ với NTD: “Pháp Luân Công giúp cháu trở thành người tốt hơn, giàu tình thương hơn và khoan dung hơn”.

Anh Gaï Mizrahi, một kỹ sư tin học và cựu quân nhân Israel, nói với phóng viên của Đại Kỷ Nguyên tại lễ kỉ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới được tổ chức ở Paris, nước Pháp vào ngày 20/5: “Nếu bạn biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt, bạn sẽ thu được nhiều lợi ích. Bạn có thể giới thiệu môn tập với gia đình. Pháp môn này hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể lên internet để học các bài công pháp, đọc sách và sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn”.

Biểu đồ: Sự phát triển của Pháp Luân Đại Pháp qua các dấu mốc lịch sử
Căn nguyên của cuộc đàn áp
Thời thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc, phong trào tập khí công phát triển mạnh mẽ rồi đạt đến cao trào. Lúc đó dân Trung Quốc ai cũng hiểu biết về khí công ở các mức độ khác nhau và hầu như gia đình nào cũng có người tập. Pháp Luân Công khác với hầu hết các môn khí công khác ở chỗ môn này kết hợp các bài tập – gồm 4 bài động công và một bài thiền định – với những yêu cầu về đạo đức theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Trong cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Robert Donmoyer, Đại học San Diego (Mỹ), luật sư nhân quyền Canada David Matas cho biết: “Các bài tập của Pháp Luân Công, thực ra, ban đầu còn được chính quyền Trung Quốc khuyến khích vì có lợi cho sức khỏe và giúp giảm chi phí y tế cho chính phủ”. [5]
Luật sư Matas nói: “Pháp môn này phát triển từ vạch xuất phát vào năm 1992. Đến năm 1999, theo ước tính của chính phủ – bằng cách ước tính số học viên ở các nhóm tập lớn, có từ 70 đến 100 triệu học viên – nhiều hơn số đảng viên ĐCSTQ, khi đó là 60 triệu.”

Chính sự phát triển nhanh chóng như vậy của Pháp Luân Công khiến người đứng đầu ĐCSTQ bấy giờ lo sợ.
“Giang Trạch Dân, bấy giờ là lãnh đạo ĐCSTQ, coi đây là mối đe dọa đối với vị thế của ông ta”, ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (2004-2014), phát biểu trong một cuộc họp với các đồng nghiệp năm 2010.
Chứng kiến sự ưa chuộng của người dân dành cho Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân quyết định “tiêu diệt” môn khí công ôn hòa này, bất chấp sự phản đối của các thành viên khác trong Bộ chính trị. “Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân đã ra lệnh vận động bức hại và bắt giam hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công. Ông ta cũng vu khống môn tu luyện này bằng bộ máy tuyên truyền của chính phủ”, trích từ báo cáo State Organs: Transplant Abuse in China (tạm dịch: Nguồn tạng nhà nước: vấn đề lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc). [6]
Trong phiên điều trần trước Nghị viện Canada vào ngày 5/2/2013, cựu Quốc vụ khanh David Kilgour cho biết: “Ngay cả khi nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã biết rõ, và nhiều đảng viên cũng đang tập luyện pháp môn này, ngày 20/7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ vẫn phát động cuộc thanh trừng dai dẳng và bạo lực với mục đích, như họ nói, “nhổ tận gốc Pháp Luân Công”. [7]

Đi kèm với cuộc thanh trừng này là chiến dịch tuyên truyền rầm rộ khắp trong và ngoài nước nhằm bôi nhọ phỉ báng Pháp Luân Công. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những lời tuyên truyền này đều là vu khống của ĐCSTQ nhằm biện minh cho cuộc đàn áp và cô lập hơn nữa học viên Pháp Luân Công.
Hệ lụy sâu xa hơn từ quyết định của ông Giang là khiến Trung Quốc trở thành nước duy nhất đi ngược lại dòng chảy quốc tế, đàn áp dã man những người sống theo Chân – Thiện – Nhẫn. Trong khi hàng triệu người khắp năm châu tự do tập luyện, học viên Pháp Luân Công Trung Quốc luôn thường trực đối mặt nguy cơ bị chính quyền bắt giữ và giết hại suốt gần hai thập kỷ qua.

Từ bức hại tín ngưỡng đến ‘Quái vật thành Rome’
Với chiến dịch bức hại toàn diện của ông Giang Trạch Dân kể từ ngày 20/7/1999, Pháp Luân Công trở thành thành nạn nhân tiếp theo của cuộc đàn áp đức tin mà ĐCSTQ duy trì từ khi lên nắm quyền.
5.000 năm lịch sử văn minh Trung Hoa in đậm dấu ấn tín ngưỡng tin vào Thần Phật trong tất cả sinh hoạt, từ văn hóa, nghệ thuật đến xã hội, chính trị. Người cai trị cũng nhún nhường tự gọi mình là “Thiên tử”, nghĩa là con Trời, thuận theo đạo Trời mà trị vì muôn dân. Người xưa còn tin rằng: “Trên đầu ba thước có thần linh”, “Thà rằng khuấy động nghìn sông, còn hơn quấy nhiễu tâm người tu đạo”.
Thế nhưng, vì để kiểm soát toàn diện người dân, từ thời điểm giành được chính quyền, ĐCSTQ không ít lần thể hiện quyền uy trước tín ngưỡng Thần, Phật, Đạo của dân chúng, gây ra nhiều cuộc đàn áp tôn giáo tàn khốc. ĐCSTQ nhúng tay vào “chọn Lạt Ma tái sinh”, quy định muốn tái sinh phải được chính quyền cho phép. ĐCSTQ bắt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương ăn thịt lợn, cắt râu, bỏ trang phục Hồi giáo. ĐCSTQ không công nhận quyền lực của Tòa thánh Vatican, tháo dỡ thánh giá, phá bỏ nhà thờ, buộc Kitô hữu hoặc chọn gia nhập các tổ chức Cơ Đốc giáo ái quốc, hoặc bị xem là chống phá nhà nước.

Ông Ted Falk, nghị sĩ Canada đã chỉ ra thực tế này khi ông phát biểu trên Đồi Nghị viện, thủ đô Ottawa ngày 9/5/2017, nhân sự kiện kỷ niệm 25 năm Pháp Luân Đại Pháp được giới thiệu ra công chúng (1992-2017). Ông cho biết: “Cũng như cách nó tiêu diệt các tín đồ Cơ Đốc giáo, ĐCSTQ cũng đã tìm cách tiêu diệt môn tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thường xuyên dùng các biện pháp cưỡng chế ngoài pháp luật, gồm tuyên truyền – một chương trình cưỡng chế chuyển hóa và cải tạo tư tưởng, bắt giữ tùy tiện, lao động cưỡng bức và tra tấn thân thể”.
Ông Falk cũng cho biết: “Từ năm 2006, chúng tôi đã nghe nói đến loại tội ác khó mà tưởng tượng nổi: Hành quyết và thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống từ các học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc. Ước tính đã có hàng chục nghìn tù nhân là học viên Pháp Luân Công bị thu hoạch nội tạng”.

Cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đang trải qua cũng tương tự như những tín đồ Cơ Đốc giáo phải chịu đựng dưới đế chế La Mã (kéo dài gần 300 năm từ năm 64). Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, ứng viên giải Nobel Hòa bình 2010, đã đặt ra so sánh này trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức Chống Lạm dụng Ghép tạng (End Transplant Abuse), được công bố ngày 25/4/2014. [8]
Ông Kilgour nói về các học viên Pháp Luân Công: “Họ đều là những người lương thiện, dễ gần, không có chút ác ý nào, cũng chẳng có gì khác ngoài thiện chí với mọi người. Thế mà họ bị đối xử như thế này. Cũng tương tự như các tín đồ Cơ đốc giáo bị đế chế La Mã ngược đãi: Người ta tin rằng giúp đỡ người khác, sống thiện, v.v. là tốt; rồi ‘Quái vật thành Rome’ đến, tuyên bố sẽ thiêu chết các con chiên. Như Nero đó… đem thiêu các tín đồ Cơ Đốc giáo. Trường hợp [bức hại Pháp Luân Công] này cũng kinh hoàng như thế”.

Tương tự như Đế chế La Mã, một “Nero ở Trung Quốc” là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Toàn bộ hệ thống quyền lực của ĐCSTQ đã trở thành “Quái vật thành Rome” khi được sử dụng để bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà ông Giang để lại vẫn tiếp diễn đến ngày nay nhưng đang đi đến thất bại hoàn toàn.
Vì sao cuộc bức hại trở nên vô hiệu?
1. Tuyên truyền bôi nhọ bị lật tẩy
Một phần không thể thiếu trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công là chiến dịch tuyên truyền phỉ báng môn tập là tà đạo.
Chiếc mũ ‘tà giáo’ mà chính quyền Trung Quốc quy chụp cho Pháp Luân Công “chỉ là một công cụ được chế tạo ra cho cuộc đàn áp, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp”, theo kết luận của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Trong cuộc tọa đàm The Coalition Roundtable 2017, luật sư Matas phân tích cụ thể vì sao Pháp Luân Công không phải tà đạo: “Trước hết, Pháp Luân Công thậm chí còn không phải là một tổ chức, vì nó chỉ là một bộ các bài tập với nền tảng về tinh thần. Mọi thứ đều có trên mạng internet, bạn không phải trả chút tiền nào, bạn không phải đăng ký gì cả. Bạn có thể bắt đầu tập bất cứ khi nào bạn muốn, bỏ tập bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không phải nói với ai là bạn đang tập. Các nguyên tắc của họ rất đơn giản và thấm nhuần đạo đức, và đều rất thực”. [9]
Cũng trong sự kiện này, ông David Kilgour cho biết: “Có một vụ án mà tòa án ở Canada phán quyết rằng Pháp Luân Công không phải là tà giáo. Nếu xét tất cả các dấu hiệu của tà giáo thì Pháp Luân Công không phải là tà giáo. Đó là do tuyên truyền phỉ báng liên miên, là thuật ngữ được tùy tiện thốt ra”.
Ông Kilgour cho biết ông và luật sư Matas đã gặp các học viên Pháp Luân Công từ khoảng 50 quốc gia hoặc thậm chí nhiều hơn: “Họ thuộc mọi giai tầng xã hội, mọi lứa tuổi, mọi nền tảng, mọi trình độ học vấn. Tôi thấy họ là một nhóm người tuyệt vời”.

Lời tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công của ĐCSTQ cũng bị lật tẩy bởi nhiều chuyên gia khác.
Theo ông David Ownby, tác giả quyển “Falun Gong and the Future of China” (Pháp Luân Công và Tương lai của Trung Quốc), luận điểm trên của ĐCSTQ là không hợp lý. Trong một bài phỏng vấn với tờ Global Post, ông Ownby nói: “Đúng, học viên rất tôn trọng ông Lý Hồng Chí, nhưng ông ấy không ở gần nên khả năng lạm dụng hoàn toàn không có. Đúng, học viên được yêu cầu đóng góp vật chất tổ chức một số sự kiện, nhưng theo những gì tôi biết đó hoàn toàn là tự nguyện. Học viên vẫn đi làm và tương tác với xã hội bình thường”.
Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức Đại học Macquarie, Australia, cho biết: “Không có bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là tà giáo. Không có bằng chứng nào cho thấy động thái chính trị nhằm lật đổ chính quyền Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy điều gì, ngoài một mong muốn sâu sắc là được thực hành đức tin của họ trong hòa bình mà không bị giam giữ và giết hại”. [10]

Trong “Wild Grass: Three Portraits of Change in Modern China” (Cỏ hoang: Ba bức chân dung thay đổi ở Trung Quốc hiện đại), tác giả Ian Johnson viết “tà giáo” là từ được tạo ra để “che đậy đàn áp của chính quyền”.
Ông Johnson lập luận rằng Pháp Luân Công không thể gọi là tà giáo: “Học viên vẫn kết hôn với người không phải học viên, có bạn bè, công ăn việc làm bình thường, không sống tách biệt khỏi xã hội, không tin rằng tận thế sắp tới và không đóng lượng lớn tiền cho tổ chức”.
Ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (2004-2014): “Như tôi đã nói, tôi đã gặp hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Họ không phải giáo phái, không phải tà giáo, không thu tiền, không tẩy não… không có bất cứ đặc điểm nào của tà giáo”. [11]

2. Âm mưu cài cắm người đứng đầu thất bại
Trong các cuộc đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ, nhiều tín đồ chân chính đã bị giết hại. ĐCSTQ cũng thay thế các vị trí lãnh đạo trong tôn giáo bằng những người do đảng chỉ định. Nhưng thủ đoạn này đã thất bại đối với Pháp Luân Công.
Luật sư nhân quyền David Matas, Ứng viên giải Nobel Hòa bình 2010, đã chỉ ra thực tế này trong buổi tọa đàm The Coalition Roundtable: “Nếu tìm hiểu điều gì đang diễn ra với các nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy ĐCSTQ bổ nhiệm giám mục; với Phật giáo, đảng chọn ra Ban Thiền Lạt Ma; với Hồi giáo, đảng cử cả lãnh tụ Hồi giáo. Nhưng họ không thể làm thế với Pháp Luân Công, và vì họ không thể kiểm soát bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu Pháp Luân Công nên họ chỉ còn cách đàn áp. Điều này phần nào lý giải vì sao có cuộc bức hại, nhưng nó cũng cho thấy sức mạnh của pháp môn này, vì Pháp Luân Công không thể bị hủy hoại bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu do đảng chỉ định, bởi vì Pháp Luân Công không có người đứng đầu”.

3. Chân – Thiện – Nhẫn là điều có sức mạnh hơn cả
19 năm bị bức hại, các học viên Pháp Luân Công vẫn bền bỉ kiên trì kháng nghị trong ôn hòa, bất bạo động, giữ đúng tiêu chuẩn của những người sống theo Chân – Thiện – Nhẫn. Họ tổ chức mít-tinh, diễu hành, phát tờ rơi, thắp nến tưởng niệm nhằm mục đích giảng rõ sự thật về cuộc đàn áp.
Ông Michael Cooper, Nghị sỹ Canada khẳng định điều này khi phát biểu tại sự kiện chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017: “Pháp Luân Công các bạn đáp lại chiến dịch tàn bạo đó không phải bằng bạo lực, mà bằng giáo dục, nâng cao nhận thức, đưa ra ánh sáng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này và bằng cách truyền rộng sự Khoan dung, Thiện lương và Từ bi”.

Trong phiên điều trần tại Nghị viện Canada 2013, cựu Quốc vụ khanh Kilgour cũng khẳng định: “Tôi phải nhấn mạnh rằng, ngay từ đầu, các học viên Pháp Luân Công không có động cơ chính trị nào và không bao giờ có ý định thách thức ĐCSTQ. Mục tiêu duy nhất của họ là tìm cách chấm dứt cuộc bức hại trên toàn Trung Quốc thông qua các biện pháp ôn hòa”.
Ông Dan Fefferman, Giám đốc điều hành, Liên hiệp Tự do Tôn giáo bình luận: “Pháp Luân Công là hình mẫu về cách phản bức hại. Họ không bao giờ dùng bạo lực để đối đãi với bạo lực. Họ luôn đáp lại bằng sự khoan dung, bằng trái tim, sự trung thực và lòng nhẫn nhịn. Xét cho cùng, đó là điều có sức mạnh hơn cả”.
Rõ ràng, trong khi ĐCSTQ duy trì cuộc đàn áp bằng giả dối – tà ác và tranh đấu, học viên Pháp Luân Công đáp lại bằng sự Chân thành – Thiện lương – Nhẫn nại. Thực tế cho thấy Giả – Ác – Đấu không thể chiến thắng Chân – Thiện – Nhẫn.
Video: Người dân thế giới chia sẻ về Pháp Luân Công

4. Công chúng toàn cầu ngày càng biết rõ sự thật
Những thông điệp ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đã được công chúng biết đến và đón nhận. Thực tế là nhiều người quyết định tập Pháp Luân Công sau khi tìm hiểu về cuộc đàn áp.
Một ví dụ là bà Maria Matyiku, một nhà quản lý ngân hàng ở Canada. Bà nói với đài truyền hình NTD trong buổi chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được tổ chức tại Los Angeles, Mỹ ngày 16/10/2015: “Tôi tò mò không hiểu vì sao những người đó lại bị bức hại. Tôi bèn lên mạng xem và thấy chẳng có gì sai cả. Pháp môn đó quả là tốt”.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Phát biểu trong một lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới tại Capital Hill, Australia năm 2016, Nghị sĩ Craig Kelly nói: “Tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và Chân – Thiện – Nhẫn là những giá trị mà chúng ta tôn trọng trên khắp thế giới”.

5. Áp lực gia tăng từ cộng đồng quốc tế
Khi các nhà lãnh đạo và công chúng thế giới ngày càng biết đến những vi phạm nhân quyền khủng khiếp trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cũng là lúc chính quyền Trung Quốc đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế. Tháng 6 năm 2016, Hạ viện Mỹ đã ban hành Nghị quyết 343, trong đó yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Khoảng một tháng sau đó, Nghị viện châu Âu cũng ban hành nghị quyết lên án chính quyền Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2012 được tổ chức cạnh Nghị viện Hoa Kỳ, ông Dan Fefferman, Giám đốc điều hành, Liên hiệp Tự do Tôn giáo, phát biểu: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một trong những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Nó hoàn toàn sai trái. Nó phải chấm dứt ngay lập tức. Tổng thống Hoa Kỳ phải lên tiếng phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người theo đạo Cơ Đốc, được dự đoán sẽ tạo nên nhiều khác biệt với quan điểm cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour nói rằng ông hy vọng Tổng thống Trump có thể gây áp lực để chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội ác mổ cướp nội tạng đối với các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
Ông Chris Smith, Nghị sỹ Hoa Kỳ, cũng cho rằng Tổng thống Trump cần lên tiếng phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông Smith nói với đài NTD nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017: “Các nhà lãnh đạo của thế giới tự do, trong đó có Tổng thống Trump, cần nêu ra vấn đề này với [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình một cách trực tiếp và nghiêm túc, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng mọi việc sẽ chuyển biến tích cực nếu chúng ta sử dụng những biện pháp đã đề cập”.
Lịch sử đã chứng minh sức mạnh của Đức tin
Thực tế hiện nay đã chứng minh, quốc gia nào càng tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì quốc gia đó càng phồn thịnh. Những ví dụ nổi bật là Hoa Kỳ và Canada, hai quốc gia đa sắc tộc và tôn vinh các giá trị Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.
Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định rằng: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa Trời”.
“Đất nước chúng ta là một quốc gia của những người có đức tin”, ông Trump phát biểu khi ký sắc lệnh hành pháp về tự do tín ngưỡng ngày 4/5/2017. Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng ta sẽ không để những người có đức tin bị hãm hại, ngược đãi, hay bị bịt miệng thêm nữa”.
Đế chế La Mã hùng mạnh một thời đã lụi bại hoàn toàn sau khi đàn áp Cơ Đốc giáo. Nhiều quan chức đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu đền tội. Giang Trạch Dân, bị tòa án tại ít nhất hai quốc gia kết tội diệt chủng, giờ đang bị quản thúc tại gia. Những kẻ trước đây tưởng chừng bất khả xâm phạm như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng lần lượt bị bắt và tuyên án. Kế đó, tay chân của những “hổ to” này như Trương Việt, Lý Đông Sinh, Chu Bản Thuận, Triệu Lệ Bình, Võ Trường Thuận, Tô Hoành Chương, Tần Ngọc Hải, Chu Minh Quốc, Mã Kiện, Nhạc Đại Khắc, v.v… cũng đã lần lượt bị bắt.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc đang đi đến hồi kết, là thất bại hoàn toàn của chính quyền ĐCSTQ. Trước lúc cáo chung, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rồi sẽ lựa chọn gì? Tiếp tục duy trì cuộc bức hại tai tiếng của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân hay hòa mình vào dòng chảy của thế giới tự do? Lựa chọn của từng cá nhân về cuộc bức hại đều sẽ được lịch sử ghi lại, vì luôn có một tòa án rất công bằng phân định Thiện – Ác, Chính – Tà. Đó là Thiên lý.
Minh Ý
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bài báo trên tờ Independent (Anh) ngày 23/12/2017: At least 10,000 people died in Tiananmen Square massacre, secret British cable from the time alleged, https://www.independent.co.uk/news/world/asia/tiananmen-square-massacre-death-toll-secret-cable-british-ambassador-1989-alan-donald-a8126461.html
- Scholars Continue to Reveal Mao’s Monstrosities: Asia: Exiled Chinese historians emerge with evidence of cannibalism and up to 80 million deaths under the Communist leader’s regime., http://articles.latimes.com/1994-11-20/news/mn-64853_1_communist-party.
- Michael Cooper (MP of Canada) Speech for Falun Dafa 25th Aniversary Celebration on May 2017, SYNTVOTT, https://www.youtube.com/watch?v=OPMq72MNVa0
- Spine & Joint Center: https://www.spineandjointcenter.com/about-damon-noto-md/
- Human Organ Harvesting Interview-China’s Government Kills Falun Gong Spiritual Practitioners, Cyrus Parsa: https://www.youtube.com/watch?v=Hil1MecDeCg&t=56s
- “State Organs: Transplant Abuse in China”, tạm dịch: Nguồn tạng nhà nước: vấn đề lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc, (Woodstock, Ontario, Seraphim Editions, 2012, trang 71)
- Canadian Parliamentary Hearing on Forced Organ Harvesting in China 2013/02/05, Michael Mahonen, https://www.youtube.com/watch?v=8Emd2w6bi4I
- David Kilgour: Uncut – Innocent Victims, End Transplant Abuse, https://www.youtube.com/watch?v=tUCgx_Zaqyc&feature=youtu.be
- Victims & Numbers (2/4) The Coalition Roundtable, End Transplant Abuse, https://www.youtube.com/watch?v=6oztKTe3kLk&t=10s
- Prof Wendy Rogers – Forced Organ Harvesting in China, End Transplant Abuse, https://www.youtube.com/watch?v=MH8vF76Lv5E&t=43s
- Edward McMillan-Scott – European Parliament Transplant Plenary, End Transplant Abuse, https://www.youtube.com/watch?v=5C29jK36HZ4&t=322s