Ủy ban châu Âu hôm 26/8 cho biết các quốc gia thuộc EU quyết định tiêm liều vắc-xin tăng cường có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý cao hơn vì liều tiêm bổ sung vẫn chưa được cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt, Reuters cho hay.
EMA đã nhiều lần nói rằng cần thêm dữ liệu trước khi có thể phê duyệt mũi tiêm tăng cường, nhưng 8 quốc gia Châu Âu đã khuyến nghị tiêm liều bổ sung và hơn một chục nước sẽ sớm có động thái tương tự.
Trong một tuyên bố với hãng tin Reuters hôm 26 tháng 8, Ủy ban Châu Âu cho biết: “Liều tiêm tăng cường hiện không nằm trong giấy phép lưu hành vắc-xin COVID-19 và chưa được EMA đánh giá khoa học do không có đủ dữ liệu”.
Như vậy trong trường hợp xảy ra các tác dụng phụ liên quan đến liều tiêm bổ sung, các quốc gia EU có thể phải gánh chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào về việc yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cho biết, các hãng vắc-xin sẽ không thể trốn trách nhiệm pháp lý hoàn toàn nếu các mũi tiêm tăng cường được khai triển mà không có sự chấp thuận của EMA. Lấy ví dụ, nếu tác dụng phụ sau khi tiêm mũi nhắc lại do vấn đề sản xuất gây ra, thì nhà sản xuất vắc-xin sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm về nó.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ở Châu Âu, hàng trăm đơn kiện đã được các nạn nhân tiêm vắc-xin đệ trình lên chính quyền, dữ liệu chính thức từ Đan Mạch, Đức, Na Uy và Thụy Sĩ cho thấy, chỉ một số ít các khoản bồi thường được cấp cho đến nay, với số tiền không được tiết lộ.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho biết Áo, Bỉ, Pháp, Hungary, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg và Slovenia hiện đang khuyến nghị tiêm liều vắc-xin tăng cường, trong đó Đức dự định làm điều tương tự vào mùa thu, 13 quốc gia châu Âu khác đang thảo luận về vấn đề này.
Nghiên cứu: COVID “thay hình đổi dạng” để tăng khả năng sinh tồn
Các nhà khoa học Singapore đã có một khám phá quan trọng về hình dạng và cấu trúc của virus Sars-CoV-2, có thể giúp sản xuất các loại thuốc hiệu quả hơn để điều trị Covid-19.
Theo hãng tin Strait Times, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit ribonucleic (RNA) của virus này có thể gập lại thành những hình dạng phức tạp và linh hoạt để phát triển và tồn tại, khi đã thâm nhập được vào bên trong các tế bào bị nhiễm bệnh.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa từ Trường Y Duke-NUS, Viện Bộ gen Singapore , Viện Tin học Sinh học – các đơn vị trực thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu – cũng phát hiện ra rằng RNA của virus có thể tương tác với rất nhiều RNA của tế bào người để tăng cường khả năng tồn tại của chính nó.
Theo tiến sĩ Wan Yue, trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm cấu trúc và gen RNA cho biết: “Bên cạnh việc tìm hiểu hình dạng mà virus có được khi ở bên trong tế bào người, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng hình dạng của nó cũng rất quan trọng đối với các loại thuốc nhắm vào RNA, đó là điều đã thúc đẩy chúng tôi bắt đầu dự án này”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications hôm thứ Tư (25/8).