Sáng nay, thứ Hai (17/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược những tin thế giới nổi bật đêm qua:

Người Hồ Bắc bị cấm rời nhà cho tới khi có thông báo mới

Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của đại dịch COVID-19, đã gia tăng các biện pháp hạn chế người dân di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo đó, vào Chủ nhật (16/2), nhà chức trách yêu cầu 58 triệu dân trong tỉnh, bao gồm 24 triệu người ở khu vực nông thôn, phải ở lại trong nhà cho đến khi có thông báo mới, theo SCMP.

Theo yêu cầu mới, các khu dân cư ở Hồ Bắc, bao gồm cả nông thôn và thành thị, sẽ bị phong tỏa chặt, chỉ cho phép có một lối vào được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi gia đình trong các khu dân cư chỉ có một thành viên được phép ra ngoài, 3 ngày 1 lần, để mua các nhu yếu phẩm. Người được ra ngoài sẽ phải trang bị đồ bảo hộ và giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét so với người gần nhất trong quá trình tiếp xúc.

Yêu cầu này được đưa ra khi số người chết vì virus COVID-19 tiếp tục tăng cao và có thêm hai trường hợp bên ngoài Trung Quốc tử vong vì chủng mới của virus corona, một người ở châu Âu và một người ở Đài Loan.

Người Hồng Kông phản đối kế hoạch phòng dịch của chính quyền

Hôm Chủ nhật (16/2), hàng trăm người Hồng Kông tiếp tục xuống đường ngày thứ hai liên tiếp để biểu tình phản đối kế hoạch của chính quyền trưng dụng một số tòa nhà chung cư của họ thành các trung tâm cách ly dịch COVID-19, theo Reuters.

Khoảng 100 người đã không quản mưa gió tập trung ở quận Fo Tan, nơi các nhà chức trách có kế hoạch sử dụng một số tòa nhà chung cư mới xây do chính phủ trợ cấp cho việc phòng chống dịch virus corona chủng mới. Một phụ nữ 38 tuổi nói với Reuters rằng sở dĩ có biểu tình là vì chính quyền không tham khảo ý kiến trưng dụng nhà của người dân để phòng dịch cũng như không thông báo sẽ dùng nhà của họ cho việc này với thời gian bao lâu, trong khi họ đã phải chờ đợi gần 10 năm để được bàn giao căn hộ.

Vào hôm 14/2, chính quyền Hồng Kông đã xoa dịu sự giận giữ của người dân bị “mượn nhà” bằng việc thông báo rằng sẽ có một khoản trợ cấp dành cho họ. Tuy nhiên, người dân vẫn không thỏa mãn và tổ chức biểu tình.

Tính tới Chủ nhật, Hồng Kông có 57 trường hợp được xác nhận nhiễm virus COVID-19, và một trường hợp tử vong vì loại virus này.

Kim Jong Un tái xuất sau những ngày bùng phát dịch COVID-19

Truyền hình Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Bảy (15/2), ông Kim viếng Cung điện Mặt trời Kumsusan nhân dịp kỷ niệm ngày sinh 16/2 của cha ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il. 

Chuyến viếng thăm này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng sau 22 ngày dịch virus COVID-19 bùng phát. 

Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus COVID-19. Truyền thông của nước này cho biết, chính phủ của họ yêu cầu cách ly 30 ngày đối với những người có triệu chứng nhiễm virus corona, tất cả người nước ngoài ở Triều Tiên cũng sẽ phải tuân thủ quy định này “vô điều kiện”.

Tờ Dong-a Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, một quan chức Triều Tiên đã bị xử tử vì tới nhà tắm công cộng trong khi người này đang trong thời gian phải cách ly để theo dõi nhiễm virus COVID-19 sau khi trở về từ Trung Quốc.

Pakistan: Biểu tình yêu cầu chính phủ đưa người từ Hồ Bắc về

Reuters đưa tin, hôm Chủ nhật (16/2), khoảng một trăm người Pakistan đã tập trung biểu tình yêu cầu chính phủ “đưa con em chúng tôi” đang bị kẹt ở vùng dịch Hồ Bắc, Trung Quốc trở về.

Cho tới nay, chính phủ Pakistan chưa có kế hoạch sơ tán hơn 1000 sinh viên của nước này ở Hồ Bắc trở về. Bộ trưởng Y tế Pakistan, Zafar Mirza, hôm 14/2, thông báo trên Twitter rằng ông và các bộ trưởng khác sẽ tổ chức một cuộc họp với các phụ huynh của những sinh viên đang du học ở Hồ Bắc vào tuần sau. Ông Zafar Mirza nói thêm chính phủ Pakistan đang làm việc với giới chức Trung Quốc để đảm bảo du học sinh Pakistan được chăm sóc.

Ông Zafar cũng cho biết, 6 sinh viên Pakistan ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch COVID-19, bị nhiễm bệnh nay đã hồi phục. Mặc dù vậy, một số sinh viên Pakistan nói với Reuters rằng họ muốn trở về nhà.

Somali: Một nhà báo truyền hình bị sát hại

Các tay súng ở Somali đã giết chết một nhà báo trẻ tuổi thường xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh, Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết.

Nhà báo Abdiwali Ali Hassan, 25 tuổi, đã trúng nhiều phát đạn và chết trên đường đến bệnh viện, Đại úy Abdikadir Osman, chỉ huy cảnh sát của huyện Afgooye, ngoại thành thủ đô Mogadishu, nơi xảy ra vụ án, nói với Reuters.

Vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ ám sát nhà báo Hassan. Hiệp hội nhà báo Somali đã lên án vụ sát hại nhà báo Hassan và yêu cầu chính quyền nhanh chóng tìm ra thủ phạm.