Chiều nay, thứ Năm ngày 16/8, Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược những tin thế giới nổi bật trong ngày.
Hoa Kỳ phạt các công ty của Nga và Trung Quốc vì vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên
Hoa Kỳ đã phạt một cơ quan dịch vụ cảng của Nga và các công ty Trung Quốc hôm thứ Tư (15/8), bởi các công ty này đã hỗ trợ các tàu Triều Tiên, và bán rượu và thuốc lá cho Triều Tiên.
Hành động của các công ty đã đã vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, những biện pháp nhằm gây áp lực chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo Reuters.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết, Công ty vận tải thương mại quốc tế Dalian Sun Moon Star có trụ sở tại Trung Quốc và chi nhánh SINSMS Pte. Ltd tại Singapore đã thu về hơn 1 tỷ USD mỗi năm bằng cách xuất khẩu rượu và thuốc lá sang Triều Tiên. Đồng thời xử phạt công ty Profinet Pte Ltd có trụ sở tại Nga và Tổng giám đốc công ty là ông Vasili Aleksandrovich Kolchanov, bởi đã cung cấp các dịch vụ cảng ít nhất 6 lần cho các tàu gắn cờ Triều Tiên. Ông Kolchanov đã đích thân tham gia các giao dịch liên quan tới Triều Tiên và trao đổi trực tiếp với các đại diện Triều Tiên tại Nga, theo tuyên bố của Bộ.

Vụ án Kim Jong-nam: ‘Đủ bằng chứng’ xét xử Đoàn Thị Hương
Hôm thứ Năm (16/8), Toà án Malaysia đưa ra phán quyết, các bằng chứng chống lại hai người phụ nữ bị buộc tội ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên, đủ để vụ kiện được đưa ra xét xử tại toà án, hãng Reuters đưa tin.
Ông Kim Jong-nam đã bị ám sát tại sân bay Kuala Lumpur năm ngoái (13/2/2017) với chất độc thần kinh VX chà xát trên mặt. Hai nghi phạm là cô Siti Aisyah (Indonesia) và cô Đoàn Thị Hương (Việt Nam) đã không nhận tội – họ nói rằng, họ nghĩ đã tham gia vào một chương trình truyền hình đùa giỡn.

Các bị cáo có thể đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội giết người. Trước đó, các luật sư của 2 nghi phạm cho rằng họ không có động cơ nào để mưu sát ông Kim. Tuy nhiên, thẩm phán Malaysia đã ra phán quyết, hành động của 2 người phụ nữ, được ghi lại trên camera an ninh đủ để suy luận rằng 2 người này đã có ý định giết ông Kim.
Ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chờ một chuyến bay tới Macao vào ngày 13/2 năm ngoái khi 2 người phụ nữ đã tiếp cận ông tại khu vực khởi hành.

Trung Quốc phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Philippine Duterte về Biển Đông
Trung Quốc đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte rằng hãy suy nghĩ lại hành vi của họ tại Biển Đông vào hôm thứ Năm, theo Reuters.
Trung Quốc phản hồi rằng họ có quyền phản công với các tàu hoặc máy bay nước ngoài đến gần đảo của họ.Trước đó, ông Duterte nói rằng Trung Quốc không có quyền đẩy lùi các máy bay và tàu thuyền nước ngoài đi qua các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên tuyến đường thuỷ tranh chấp, và rằng hy vọng Trung Quốc sẽ “ôn hoà” trong các hành vi và ngừng lại các động thái.
Trong tuyên bố gửi tới tờ Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quần đảo Trường Sa là lãnh hải của Trung Quốc và Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và các chuyến bay quá cảnh của các quốc gia khi qua Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Ông Duterte đã có chính sách cam kết với Bắc Kinh, với hy vọng nhận được hàng tỷ USD tài trợ, các khoản vay và đầu tư, và đã bác bỏ chỉ trích rằng ông đang chấp nhận áp lực từ Trung Quốc hoặc đầu hàng.

Myanmar kết nối Nhật Bản nhằm vượt qua khủng hoảng Rohingya
Tờ Nikkei đưa tin, Myanmar nhắm tới hợp tác với Nhật Bản trong nỗ lực cải tổ vị thế quốc tế đã lung lay bởi cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya.
Chính phủ Myanmar đã thành lập một Hội đồng độc lập nhằm xem xét các tội ác chống lại người Rohingya tại phía tây bang Rahkine, theo gợi ý của Nhật Bản. Hội đồng này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào hôm thứ Tư (15/7).
4 thành viên chủ tọa của Hội đồng, bao gồm ông Rosario Manalo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippine, cựu đại sứ Nhật tại Liên Hợp Quốc Kenzo Oshima, 2 luật sư Myanmar Mya Thein và Aung Tun Thet. Các thành viên hội đồng đã gặp bà Aung San Suu Kyi trong khoảng một giờ. Chi tiết thảo luận không được tiết lộ.
Nhật đã đề xuất Myanmar nên thực hiện từng bước để xoa dịu những lo ngại quốc tế về cuộc khủng hoảng Rohingya, bao gồm cho phép các cơ quan Liên Hợp Quốc tiếp tục các hoạt động cứu trợ.
Khoảng 700.000 người Rohingya đã bỏ trốn khỏi bang Rakhine để tới quốc gia láng giềng Bangladesh năm ngoái sau cuộc đàn áp quân sự vào tháng 8/2017, tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn.
Tonga đề nghị Trung Quốc xoá nợ 100 triệu USD
Quốc đảo Tonga, sẽ đề nghị Trung Quốc xoá nợ, và kêu gọi các nước láng giềng ký một kiến nghị chung cho việc xoá nợ. Quyết định của Thủ tướng Samiuela Akilisi Pohiva được truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Ba (14/8).
Đất nước với 170 hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương nợ Trung Quốc hơn 100 triệu USD – khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội. Bắc Kinh đã mở rộng các khoản vay cho cơ sở hạ tầng của Tonga sau các cuộc bạo động làm rung chuyển thủ đô vào năm 2006. Khoản nợ từ đó tiếp tục tăng. Các khoản chi để tái xây dựng sau cơn bão tháng Hai vừa qua đã làm tài chính của Tonga xấu đi.
Ông Pohiva kế hoạch sẽ đưa chủ đề này vào Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum) vào tháng Chín, và sẽ khuyến nghị các nước khác trong tình huống tương tự sẽ ký một yêu cầu đề nghị xoá nợ chung.
Khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên các quốc đảo nam Thái Bình Dương, Australia và các nước khác đã bày tỏ sự lo ngại, tờ Nikkei Nhật Bản bình luận.

————————————
Bản tin “Điểm tin thế giới” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi chiều hàng ngày.

Đại Kỷ Nguyên News.