Theo đề xuất được khởi xướng bởi tổ chức Môi trường Southland, người nuôi mèo tại làng Omaui (New Zealand) sẽ phải triệt sản, gắn chip theo dõi và “khai báo tạm trú” cho mèo của mình với chính quyền địa phương, BBC đưa tin.

de bao ve cac loai vat khac mot ngoi lang o new zealand ban hanh luat doi voi meo
Ngôi làng tại New Zealand đang xem xét ban lệnh cấm mèo để bảo vệ sự đa dạng sinh học. (Ảnh: Getty)

Sau khi mèo của họ mất, họ sẽ không được phép nhận nuôi thêm mèo mới. Ai không tuân thủ quy định này sẽ bị chính quyền cảnh cáo. Nếu tình hình tiếp diễn nhiều lần, người đó có thể bị tịch thu mèo.

Lệnh cấm là một phần của chương trình quản lý động vật gây hại được đề xuất bởi hội đồng khu vực và đã được đưa ra thảo luận lấy ý kiến hôm 28/8.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng lệnh cấm này lại đang được nhiều cộng đồng tại New Zealand xem xét để bảo tồn sự đa dạng sinh học và những loài động vật hoang dã của đất nước.

Loài mèo “bị hắt hủi” tại New Zealand vì chúng là thủ phạm đe dọa hàng tỷ con chim và động vật có vú tại nước này mỗi năm.

Các camera ở làng Omaui đã ghi nhận hình ảnh lũ mèo săn chim, côn trùng và các loài bò sát.

Theo các chuyên gia, khi những loài động vật hoang dã này mất đi, chúng không thể được thay thế bởi những con khác. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học của New Zealand.

Giám đốc Trung tâm Chim Di trú Smithsonian – Tiến sĩ Peter Marra, tác giả của rất nhiều cuốn sách và bài báo về vấn đề này, khẳng định: “Mèo là vật nuôi tuyệt vời. Tuy nhiên, chúng không nên được cho phép thoải mái dạo chơi bên ngoài ngôi nhà. Đó là giải pháp hiển nhiên cho vấn đề này”.

de bao ve cac loai vat khac mot ngoi lang o new zealand ban hanh luat doi voi meo
Tiến sĩ Peter Marra cho rằng những chủ nuôi mèo cần chịu trách nhiệm về vật nuôi của họ. (Ảnh: Tim Romano)

Những tranh cãi về “dân số” loài mèo và hệ sinh thái địa phương không chỉ là mối quan tâm của riêng New Zealand. Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo về tác động của mèo nhà và mèo hoang lên hệ sinh thái toàn cầu. Chúng nằm trong 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

Theo ông Marra, 63 loài sinh vật hiện đã tuyệt chủng trên thế giới có liên quan tới sự gia tăng số lượng quá nhanh của loài mèo. Vấn đề càng trở nên trầm trọng ở những khu vực có hệ sinh thái dễ bị ảnh hưởng như New Zealand. “Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Marra cảnh báo.

Ông Marra tin rằng những người yêu mèo nên có tư tưởng mới về động vật. Loài mèo nên được nuôi ở trong nhà hoặc ở những môi trường được kiểm soát và không nên để chúng tự do bên ngoài. Theo ông, việc để tình hình này xảy ra là lỗi của con người.

de bao ve cac loai vat khac mot ngoi lang o new zealand ban hanh luat doi voi meo
Mèo đe dọa nhiều loài chim và động vật có vú tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Getty)

Tính riêng ở Mỹ, khoảng 86 triệu con mèo được các gia đình nhận nuôi. Trung bình, cứ 3 gia đình thì có 1 nhà nuôi mèo. Chưa kể tới số mèo hoang, tất cả tạo nên mối đe dọa lớn với các loài động vật hoang dã khác.

Ước tính, 4 tỷ con chim và 22 tỷ động vật có vú bị mèo ăn thịt hàng năm tại Mỹ. Tình hình cũng không khả quan hơn tại Anh khi loài mèo đe dọa 55 triệu con chim mỗi năm.

Chính quyền Australia đã ban hành một số quy định như yêu cầu nhốt mèo trong nhà vào buổi đêm, đăng ký và giới hạn số lượng mèo trên mỗi hộ gia đình từ năm 2015.

Lệnh cấm mới này tại làng Omaui hiện gây ra khá nhiều tranh cãi từ những người chủ nuôi mèo.

Một số yêu cầu đưa ra bằng chứng cụ thể về tác động của loài mèo lên những loài vật khác. Số khác lại viện lý lẽ rằng việc đánh bả, các phương tiện giao thông và con người cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới các loài trong tự nhiên.

Người dân địa phương có thể đề xuất ý kiến về lệnh cấm này từ giờ tới hết tháng 10/2018.

Thu Hương