Chỉ một giờ trước khi bước sang ngày 1/7, ngày kỷ niệm 23 năm Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc, chính quyền thành phố cảng này đã công bố nội dung chi tiết luật an ninh quốc gia mới, trong đó những người vi phạm luật an ninh có thể bị tù chung thân.

Luật an ninh ​​sẽ hình sự hóa chủ nghĩa ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, các hoạt động khủng bố và can thiệp nước ngoài. Luật cũng sẽ cho phép các dịch vụ an ninh nội địa của Trung Quốc đại lục lần đầu tiên hoạt động công khai tại Hồng Kông. Điều này có thể tạo điều kiện cho việc Bắc Kinh tăng cường giám sát, đè bẹp các quyền tự do mà người Hồng Kông từ lâu đã được hưởng.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức Bắc Kinh đã cố gắng trấn an người Hồng Kông rằng, luật pháp chỉ nhắm vào một nhóm thiểu số rất nhỏ, và các quyền cơ bản của công dân Hồng Kông vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật pháp của Trung Quốc đã dự đoán rằng, ở Hồng Kông, sẽ gia tăng các vụ bắt giữ hàng loạt khi luật an ninh được thực thi.

Sau đây là những vấn đề mà người Hồng Kông phải đối mặt khi luật an ninh được thi hành:

Các nhà báo bị bỏ tù

Kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ về dự luật dẫn độ nổ ra vào mùa hè năm 2019, bạo lực đối với các nhà báo đã gia tăng ở Hồng Kông. Các vụ bắt giữ thỉnh thoảng đã xảy ra, như Jimmy Lai, ông trùm truyền thông Hồng Kông, người sở hữu tờ Apple Daily – tờ báo nổi tiếng ở Hồng Kông với lập trường chống Bắc Kinh, đã bị truy tố vì tham gia các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhà báo nào ở Hồng Kông bị kết án.

Nhưng khi Trung Quốc đại lục, quốc gia dẫn đầu thế giới về bỏ tù các nhà báo với 48 nhà báo hiện phải đứng sau song sắt, tiến hành thực thi luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, thì viễn cảnh bắt giam các nhà báo theo phong cách đại lục và các phiên tòa xét xử không công bằng đi kèm với nó sẽ là tương lai không xa đối với các nhà báo tại Hồng Kông.

Hình phạt cho việc đăng tải các thông tin nhạy cảm

Đài phát thanh truyền hình công cộng Hồng Kông (RTHK), được thành lập năm 1928, độc lập về mặt biên tập theo điều lệ của đài và là một nguồn tin tức được tôn trọng. Nhưng quyền tự chủ của đài hiện nay đã bị đe dọa. Vào cuối tháng 5, vài ngày trước khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hồng Kông, RTHK đã hủy bỏ chương trình trào phúng và thời sự ăn khách Headliner. Nhiều người nghi ngờ RTHK hủy bỏ chương trình này là do áp lực từ Bắc Kinh.

Đài truyền hình hiện đang bị tiến hành đánh giá chưa từng có về quản lý và hoạt động của mình. Vào ngày 10/6, một cố vấn chính phủ đã thúc giục đài đưa tin về luật an ninh quốc gia theo chiều hướng tích cực. Hãy chờ xem liệu RTHK có bị chuyển đổi dần dần hoặc đột ngột thành cơ quan ngôn luận của chính phủ hay không và liệu trong tương lai, các cơ quan truyền thông thuộc sở hữu tư nhân có bị phạt tiền hoặc bị đình chỉ hoạt động khi họ đưa tin về các chủ đề nhạy cảm như tự trị của Hồng Kông, kêu gọi quyền bầu cử phổ thông, các cuộc biểu tình đang diễn ra, hoặc luật an ninh quốc gia hay không.

Hồi tố

Luật an ninh mới đối với Hồng Kông bao gồm cả việc hồi tố. Hồi tố là việc buộc tội một người vì lời nói hoặc hành động của họ đã bị vi phạm luật trước khi luật đó được ban hành. Khi tin tức về việc Bắc Kinh sẽ áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, nhiều người Hồng Kông đã chuyển sang mua các mạng riêng ảo (VPN), mạng cho phép người dùng truy cập các trang web bị chặn. Những người khác bắt đầu đóng tài khoản mạng xã hội như Telegram, vốn được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình, vì họ sợ bài đăng của họ có thể được sử dụng để buộc tội họ là ly khai hoặc lật đổ theo luật mới.

Hạn chế tự do internet

Charles Mok, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, người đại diện cho lĩnh vực công nghệ, nói với tổ chức nhân quyền Freedom House rằng theo luật an ninh quốc gia mới, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà mạng viễn thông, những người quản lý mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, và cả những người điều hành các trung tâm dữ liệu ở Hồng Kông có thể phải đối mặt với trách nhiệm lớn hơn đối với nội dung của người dùng, nghĩa là họ sẽ có nghĩa vụ kiểm duyệt nền tảng của họ. Họ cũng có thể được yêu cầu bàn giao dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng. Thật vậy, giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg đã bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng của luật an ninh đối với Facebook tại Hồng Kông, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin được mã hóa WhatsApp.

Charles Mok cho biết, sau khi lãnh thổ bán tự trị Macao đưa ra luật an ninh quốc gia của riêng mình vào năm 2009, một luật an ninh mạng riêng biệt đã được áp dụng, yêu cầu người dùng phải đăng ký tên thật cho thẻ SIM và các biện pháp kiểm soát theo phong cách ở Trung Quốc đại lục.

Hạn chế tự do nghệ thuật và học thuật

Hồng Kông là nơi có một cộng đồng nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và thẳng thắn về mặt chính trị. Những bức tượng mô tả những người biểu tình như những vị anh hùng hoặc tranh tường chế giễu Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên xuất hiện trên các tòa nhà, trong các quán cà phê và nhiều nơi ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, những hình thức nghệ thuật như vậy bị đàn áp ở Trung Quốc đại lục, và các nghệ sĩ Hồng Kông hiện đang tự hỏi liệu tác phẩm của họ sẽ bị truy tố với tội danh là kích động ly khai hay kích động lật đổ. Hơn 1.500 thành viên của làng nghệ thuật Hồng Kông đã ký đơn thỉnh nguyện tới một trong những đại diện của Hồng Kông trong Đại hội dân tộc quốc gia.

Tự do học thuật ở Hồng Kông đã suy giảm trong những năm gần đây. Trước đó, khi chưa có luật an ninh, một số tụ điểm văn hóa ở Hồng Kông đã không ủng hộ việc trưng bày nghệ thuật chống chính phủ. Các học giả Hồng Kông cũng lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng luật mới để hạn chế nội dung giảng dạy trong các trường đại học ở Hồng Kông và làm giảm uy tín quốc tế của các trường đại học Hồng Kông.

Đàn áp tôn giáo

Nhiều nhóm tôn giáo hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc nhưng được hưởng tự do ở Hồng Kông, như Cơ đốc giáo hay môn khí công theo trường phái Phật gia, Pháp Luân Công.

Tất cả các nhóm tôn giáo này đều tham gia vào các hoạt động có thể được Bắc Kinh liệt vào việc vi phạm luật an ninh quốc gia như một số nhà thờ từng đề nghị là nơi trú ẩn cho người biểu tình chạy trốn cảnh sát, một số nhà thờ Công giáo tổ chức các buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, và các học viên Pháp Luân Công thỉnh thoảng tổ chức các cuộc diễu hành để tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị chính quyền nước này giết hại.

Nhưng khi luật an ninh quốc gia được thực thi, các nhà thờ đều lo ngại rằng các hoạt động tôn giáo của họ sẽ bị hạn chế, và các thành viên của nhà thờ có thể sẽ phải đối mặt với án tù giống như mục sư Wang Yi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị kết án 9 năm tù vào cuối năm 2019 với tội danh “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” sau khi ông công khai lên án việc phá thai cưỡng bức và vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Đối với các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông, có thể sẽ phải đối mặt với sự giam giữ tùy tiện và tra tấn giống như những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Theo Foreign Policy
Thiện Lành biên soạn

Từ Khóa: