Theo Finance Times, dịch bệnh covid-19 càn quét khắp Trung Quốc đã khiến chuỗi kinh doanh gián đoạn, khi công nhân nghỉ việc có thể khiến các nhà máy phải đóng cửa, và các tài xế xe tải bị ốm có thể gây ra rối loạn các chuỗi cung ứng. 

Biến thể Omicron bắt đầu hoành hành ở một số thành phố lớn kể từ khi Ông Tập Cận Bình đột ngột thay đổi chính sách zero-Covid vào đầu tháng này. Theo một số ước tính, số ca nhiễm bệnh gia tăng lớn nhất là ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có hơn một nửa dân số 22 triệu người bị nhiễm bệnh.

Hoạt động văn phòng có lựa chọn tốt hơn khi nhiều người bắt đầu làm việc tại nhà. Nhưng một số nhà máy đang trở nên thiếu nhân sự do công nhân bị ốm. Các chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành cho biết điều này đang gây ra gián đoạn ngày càng tăng đối với chuỗi sản xuất và cung ứng.

Ông chủ của một nhà máy sản xuất bảng mạch in ở tỉnh Sơn Đông cho biết chỉ 20% nhân viên đến làm việc vào thứ Sáu (16/12), số còn lại báo ốm do nhiễm covid-19. “Công nhân lần lượt xét nghiệm ra kết quả dương tính. Tôi e rằng sẽ phải đóng cửa nhà máy,” ông nói.

Nhiều công ty đã mất phương hướng khi buộc phải tự mình xử lý tình huống số ca nhiễm tăng đột ngột. Giai đoạn zero-COVID trước đó họ buộc phải theo các hướng dẫn nghiêm ngặt do chính quyền địa phương đưa ra. Hiện nay các ông chủ nhà máy đang đồng loạt buông lỏng tất cả các biện pháp kiểm soát hoặc cách ly nhân viên lao động, dù biết việc đó khá mạo hiểm, nhưng họ làm như vậy là để giữ cho dây chuyền sản xuất hoạt động.

Một nhân viên quản lý của một nhà máy lắp ráp ô-tô ở tỉnh Hà Bắc cho biết nhóm của ông có kế hoạch khôi phục hệ thống “khép kín”, tức là nhân viên sống và làm việc tại chỗ trong đợt bùng phát dịch này, để duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời tránh lây nhiễm, “Nếu không thì chúng tôi sẽ không còn công nhân nào nữa,” ông nói.

Ở những nơi khác, các ông chủ nhà máy đã bỏ các hạn chế như xét nghiệm PCR 

Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết các nhà sản xuất sẽ ngày càng không thể dựa vào mô hình “khép kín”. Ông cho biết quy mô lớn của đợt dịch này và việc thiếu vắng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan đang làm cho những chiến thuật như “khép kín” rất nhanh không còn hiệu quả nữa.

Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy gián đoạn kinh doanh sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Theo một nhân viên của nhà máy sản xuất theo hợp đồng của Apple, Foxconn tại Trịnh Châu và cũng là nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, nhà máy này đã dỡ bỏ những hạn chế hà khắc của mình và sản xuất đang phục hồi.

Vào tháng 10 và tháng 11 trước đó, các công nhân tại nhà máy Trịnh Châu đã phản kháng dữ dội khi dịch covid-19 bùng phát khiến họ bị nhốt trong ký túc xá, với thực phẩm và vật tư y tế sắp cạn kiệt.

Về vấn đề này Foxconn đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Các chuyên gia cho biết các nhà máy ở TQ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân mãi cho đến tháng Hai, sau Tết Nguyên đán. Tái bùng phát Omicron vào đúng dịp này, đã khiến đợt di chuyển về thăm quê hàng năm của hơn 290 triệu lao động, những người đến làm việc cho nhà máy từ các vùng nghèo ở phía Tây Trung Quốc diễn ra sớm hơn mọi năm.

“Các lĩnh vực dựa vào lao động nhập cư đang gặp khó khăn bởi vì nhiều người đã về nhà để nghỉ Tết Nguyên đán rồi, mà [Tết Nguyên đán] thì phải 5 tuần nữa mới đến,” “Mọi thứ sẽ khá yên ắng cho đến cuối tháng Giêng”, Trần Long, một đối tác tại nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. 

Các ông chủ nhà máy cũng đang giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Ông Wuttke của Phòng Thương mại EU cho biết số lượng tài xế xe tải dương tính với covid-19 ngày càng tăng, sẽ gây ra sự gián đoạn ở khâu này. 

Một số nhà máy sẽ buộc phải sản xuất chậm lại do thiếu linh kiện từ các nhà cung cấp hiện đang đóng cửa.

Jacob Cooke, giám đốc điều hành của WPIC Marketing + Technologies, công ty điều hành một số nhà kho trên khắp Trung Quốc, cho biết ông đã bị giao hàng chậm trễ do các tài xế bị ốm.

“Các tuyến giao hàng giữa các thành phố lớn có nhiều điểm dừng trung chuyển để tài xế chuyển giao hàng hóa cho nhau. Chỉ cần một tài xế báo ốm, và thế là mọi thứ hoãn lại sang một ngày khác,” Ông nói.

Một nhà bán lẻ mỹ phẩm ở thành phố phía nam Thẩm Quyến cho biết cô đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc gửi các gói hàng cho khách hàng sau khi nhiều tài xế giao hàng có kết quả xét nghiệm dương tính.

“Hiện tại hệ thống giao hàng rất chậm,” cô nói.

Nói về sức mua của người tiêu thụ trong nước, thì Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group, cho rằng sẽ không có hiện tượng “mua sắm bù” sau khi làn sóng lây nhiễm ban đầu bắt đầu giảm bớt.

“Phần đông người lao động đã bị cắt giảm lương vào năm 2022 cùng với các lệnh phong tỏa. Tự tin [về tài chính] của người tiêu dùng Trung Quốc nay đã rất thấp. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động,” ông nói.

Trái lại, đã có những dấu hiệu báo trước sự phục hồi của du lịch trong nước và quốc tế.

Các nhà phân tích của Citigroup viết về việc người Hoa hải ngoại thăm thân nhân ở Trung Quốc trong một báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu “về nhà” trong dịp Tết Nguyên đán có thể tốt hơn kỳ vọng trước đây của chúng tôi”.

Họ trích dẫn dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ du lịch Qunar cho thấy, lượng đặt vé máy bay trong kỳ nghỉ lễ đã tăng hơn 8 lần sau khi chính sách zero-COVID được nới lỏng vào ngày 7/12.

Ngoài ra còn có hiện tượng nhu cầu bị dồn lại rất lớn đối với du lịch quốc tế. Lượt tìm kiếm chuyến bay trong thời gian giao thừa đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua trên trang du lịch Ctrip sau khi các hạn chế được nới lỏng.

Có thể bạn quan tâm: