Tuyên bố được đưa ra khi các nghị sĩ đảng Tự do đang củng cố lại lập trường chống Trung Quốc, thượng nghị sĩ Eric Abetz đã đề nghị hôm thứ Ba rằng, hành vi cưỡng bức mổ cắp nội tạng dã man có thể cấu thành tội diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công.
Theo The Guardian, vào tháng 6, Tòa án độc lập về Trung Quốc đã phát hiện việc giết hại những người bị giam giữ ở Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vẫn đang tiếp tục, nạn nhân bao gồm những tù nhân là học viên Pháp Luân Công.
Ông Abetz, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, nói với Đài phát thanh Quốc gia, ông đã chất vấn Chính phủ Úc về thái độ chính trị của nước Úc trước báo cáo này, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên án Trung Quốc vì đây là một hành vi “bất hợp pháp, man rợ và vi phạm mọi quyền cơ bản của con người”.
“Diệt chủng – đối với Pháp Luân Công – là một từ miêu tả chính xác”, ông nói. “Bằng chứng cho thấy các học viên Pháp Luân Công dường như là mục tiêu chính, tuy nhiên những Phật tử người Duy Ngô Nhĩ, Kitô hữu tại gia và cả tội phạm hình sự cũng là nạn nhân bị mổ cướp nội tạng”.
Eric Abetz nói rằng hành vi này đáng bị lên án bất kể do nguyên nhân gì, ông kêu gọi Úc tham gia cùng với Liên minh châu Âu, Hạ viện Hoa Kỳ và Tiểu ban Nghị viện Canada kêu gọi điều tra quốc tế.
Ông Abetz nói rằng người Úc nên bị cấm du lịch đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vì như vậy sẽ dẫn đến việc ủng hộ hoạt động cấy ghép tạng, các trường đại học cần phải đảm bảo rằng họ không vô tình hỗ trợ, bằng cách minh bạch hơn trong hợp tác khoa học với các tổ chức Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott, phát biểu trong một bài báo đăng trên tờ Nine, Chính phủ Úc đã dày công xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc nhưng giờ đây chúng ta cần phải rất thận trọng với các cam kết.
“Một thực tế thường bị che đậy là Úc khó có thể trở thành đối tác chiến lược có ý nghĩa đối với một quốc gia, khi nước này nghĩ rằng họ có thể bắt nạt các nước láng giềng bằng các tuyên bố lãnh thổ sai trái, từ chối kết luận của trọng tài quốc tế và giải quyết đơn phương theo cách của họ”, ông Tony Abbott nói.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng khó trở thành khách hàng, hoặc đối tác chiến lược, nếu họ vẫn tự coi mình là ‘vương quốc trung tâm’ và còn ngang nhiên gỡ bỏ mặt nạ che giấu sức mạnh của mình. Mối quan hệ với Trung Quốc không thể cải thiện hơn mức ‘hòa bình lạnh’ hiện nay được”, ông Tony Abbott nói thêm.
Tuy nhiên, Úc sẽ vẫn tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc “lương thực và tài nguyên mà nước họ mong muốn, chia sẻ kinh nghiệm về những gì có thể làm cho một nền kinh tế thịnh vượng hơn và một xã hội nhân đạo hơn”, ông Abbott nói.
“Chúng ta nên rất thận trọng về những cam kết mang tính kỹ thuật khiến chúng ta trở nên tương đối yếu hơn và Trung Quốc trở nên tương đối mạnh hơn”, ông Abbott kết luận.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc đã chặn thị thực của các nghị sĩ đảng Tự do, Andrew Hastie và James Paterson, hai trong số những nhà phê bình nghiêm khắc nhất về đảng Cộng sản Trung Quốc, những người dự định đi Trung Quốc để làm một nghiên cứu.
Alistair Nicholas, giám đốc điều hành của China Matters, nói với The Guardian của Úc rằng, cả phía Trung Quốc và hai nghị sĩ đảng Tự do phản đối Trung Quốc, cần xem lại lý lẽ của họ, nước Úc “cần phải lên tiếng về những giá trị của mình một cách đúng mực và tôn trọng”.