Trong thời buổi tin tức hỗn loạn, thật – giả khó phân, thì tư duy và phân tích độc lập là điều vô cùng đáng quý…
Ngày 27/7, Đại sứ quán mới của ĐCSTQ tại Mỹ là Trần Cương nhậm chức. Cũng trong khoảng thời gian này lại rộ lên một thông tin một cựu quan chức ngoại giao là Thôi Thiên Khải đào tẩu sang Mỹ.
Khi một thông tin xuất hiện, nó có thể đúng hoặc không đúng. Nhưng điều quan trọng ở đây là làm thế nào bạn có thể đưa ra kết luận từ những phân tích độc lập.
Bài viết này không nhấn mạnh vào tính đúng – sai của thông tin, chỉ là cung cấp cách phân tích từ chuyên gia có uy tín, ngõ hầu trang bị cho quý độc giả những kỹ năng phân tích cần thiết để có thể tự xác nhận tính xác thực của thông tin trong tương lai.
Là một nhà sử học và nhà phân tích các vấn đề thời sự, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã có những phân tích rất đáng để chúng ta tham khảo. Giáo sư Chương nhận định:
“Tôi cho rằng khả năng xảy ra chuyện ‘Thôi Thiên Khải đào tẩu’ là rất thấp, cực kỳ thấp. Bởi vì ông là cán bộ cấp Thứ trưởng, trong khi quan hệ Trung – Mỹ lại mẫn cảm như thế, vậy nên ông nhất định biết rất nhiều thông tin tuyệt mật. Những điều đó bao gồm: đàm phán thương chiến Mỹ – Trung, cơ cấu đặc vụ thâm nhập vào nước Mỹ v.v.
Thôi Thiên Khải nắm rất rõ những điều nêu trên. Nói cách khác, nếu ông lưu lại Mỹ hoặc thật sự đào tẩu, đối với ĐCSTQ mà nói sẽ là đòn đánh chí mạng. Hơn nữa, nếu phía Mỹ thật sự đồng ý để Thôi Thiên Khải ở lại nước Mỹ, chỉ cần cho ông ta tị nạn chính trị, thì đây sẽ là phen sóng gió trong quan hệ Mỹ – Trung.
Sóng gió này tôi cảm thấy còn lớn hơn cả việc trừng phạt cấm Huawei nhập khẩu chip, dẫn độ Mạnh Vãn Châu, hay đóng cửa lãnh sự quán ở Houston…
Tôi kể cho mọi người câu chuyện này. VOA đưa tin vào 7/6/2005, thư ký cấp cao nhất trong lãnh sự quán tại Sydney là Trần Dụng Lâm ‘đã chạy trốn khỏi lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney vào ngày 26/5’. Ông đã phát hiện ĐCSTQ là một tổ chức tà ác, không muốn làm việc cho nó nữa. Sau đó ông nộp đơn tị nạn chính trị tại Úc nhưng chưa đầy 24 giờ đã bị từ chối.
Mọi người biết rằng quan chức cầm hộ chiếu ngoại giao xin tị nạn là điều vô cùng khó khăn. Nếu là người bình thường, bạn muốn tị nạn chính trị, bạn phải điền vào biểu mẫu, sau đó tìm luật sư rồi gửi đến Cục Di dân Hoa Kỳ. Cục Di dân sẽ sắp xếp để phỏng vấn bạn. Về cơ bản, Cục Di dân khi ấy có thể quyết định bạn có được tị nạn hay không.
Nhưng hộ chiếu ngoại giao, hay hộ chiếu cho phi công lại là chuyện khác. Tôi có một người bạn làm cơ trưởng chuyến bay Trung – Mỹ trong hãng hàng không Easter Airlines. Năm 2006, anh ấy lái chuyến từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Đến Mỹ anh ‘rời’ máy bay. Thị thực của anh lấy rất đặc biệt. Những người có loại thị thực như thế này, nếu họ muốn xin tị nạn chính trị, thông thường Cục Di dân không xử lý, họ sẽ đưa bạn đến Toà án. Thông qua Toà án kiểm tra mới quyết định liệu có xử lý chuyện này hay không.
Hộ chiếu ngoại giao cũng tương tự như thế. Nếu cầm hộ chiếu ngoại giao thì rất khó xin tị nạn chính trị.
Nói về Trần Dụng Lâm, năm đó anh nộp đơn xin tị nạn chính trị và bị từ chối trong vòng 24 giờ. Sau khi bị từ chối, Trần Dụng Lâm đành phải xin cái gọi là ‘hộ chiếu bảo hộ’. Chính là anh ấy đang ‘kháng án’, nhưng anh có thể ở lại Úc để đảm bảo an toàn cho gia đình mình.
Sau đó Trần Dụng Lâm mới trực tiếp thỉnh cầu Bộ trưởng Ngoại giao Úc là Downer và Thủ tướng Howard để xin tị nạn chính trị. Đây là kinh nghiệm của anh ta vào thời điểm đó.
Để làm được điều này, Trần Dụng Lâm đã được phỏng vấn bởi rất nhiều phương tiện truyền thông như ‘Đài phát thanh Úc’… Sau đó anh nói ra nhận thức của mình về ĐCSTQ, bao gồm nhận thức của anh về Pháp Luân Công, bởi vì trước đây anh bị tẩy não, cứ tưởng rằng Pháp Luân Công rất tệ hại như điều ĐCSTQ tuyên truyền. Kết quả sau khi tiếp xúc với học viên Pháp Luân Công, anh phát hiện Pháp Luân Công hoàn toàn không giống những gì ĐCSTQ nói.
Sau đó anh đã công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Đại khái anh đã trải qua hơn một tháng như thế. Sau đó phía Úc mới chấp nhận cho anh tị nạn chính trị, được định cư vĩnh viễn.
Trần Dụng Lâm có thể xin được tị nạn chính trị có liên quan đến việc các kênh truyền thông báo cáo rộng rãi. Khi ấy còn có chính phủ Mỹ đã gây rất nhiều áp lực lên chính phủ Úc. Các thành viên trong quốc hội Mỹ cũng đứng lên ủng hộ cho Trần Dụng Lâm.
Điều tôi muốn nói là một quan chức ngoại giao được ‘xin ở lại’ là một điều cực kỳ khó. Tất nhiên tôi cũng hy vọng Thôi Thiên Khải sẽ thật sự đào tẩu, nhưng tình cảm không thể thay thế lý trí. Tôi cho rằng khả năng Thôi Thiên Khải đào tẩu còn thấp hơn Đổng Kinh Vĩ, tôi nghĩ xác suất thấp hơn 5%.
Tôi nghĩ nếu có càng ngày càng nhiều tin tức về việc Thôi Thiên Khải đào tẩu, ĐCSTQ có khả năng sẽ sắp xếp để Thôi Thiên Khải lộ điện ở Trung Quốc.
Trong thời đại Internet này, người ta lưu truyền rất nhiều tin tức. Những tin ấy có thể phù hợp với điều chúng ta mong đợi, chúng ta rất hy vọng sự việc sẽ phát triển theo hướng này. Dưới tình huống như vậy, loại tin tức này rất dễ lan rộng, nhưng truyền bá rất rộng không nhất định là chính xác.
Có rất nhiều tin đồn về Trump sau cuộc bầu cử, như lý luận của Q-Anon. Sau khi tôi xem tin tức đó, tôi cảm thấy chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn như vậy. Tôi muốn mượn câu chuyện được gọi là ‘Thôi Thiên Khải đào tẩu’ để nói ý này: Khi chúng ta thấy những tin tức như thế này, chúng ta nên bắt đầu từ nhận thức thông thường rồi đi xác định nó. Nếu quá khó tin, bạn nên tự xác minh thông tin, như thế mới là tốt”.
*Tham khảo bài phân tích của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên Chính luận thiên hạ ngày 31/7.