Trong vài giờ vào hôm Chủ nhật (9/6), giới quan sát cảm tưởng như toàn bộ dân số Hồng Kông đã ở ngoài đường để biểu tình chống lại dự luật dẫn độ tới Trung Quốc, theo Vice News.
Đối với 1 thành phố 7 triệu dân thì 1.03 triệu người xuống đường là một con số khổng lồ. Hầu hết những người biểu tình đều mặc áo trắng, họ xuất hiện để phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm tới Trung Quốc đại lục, nơi đầy rẫy tình trạng vi phạm nhân quyền và kết án tử hình.
Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật cho thấy người dân Hồng Kông lo sợ về tình trạng bành trướng quyền lực của Bắc Kinh như thế nào, cũng như cảm giác tuyệt vọng và bất lực của người dân Hồng Kông trong việc ngăn chặn mối đe dọa đó. Theo Vice, đối với nhiều người, cuộc biểu tình ngày Chủ nhật dường như là cơ hội cuối cùng để họ lên tiếng.
Các cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông không phải là điều mới lạ. Phong trào dân chủ năm 2014 của người dân Hồng Kông đã chiếm đóng các khu vực chủ chốt của thành phố này trong 79 ngày.

Một cuộc tuần hành đã diễn ra năm 2003 để chống lại một dự luật an ninh, trong đó có 500.000 người tham dự và kết quả là ông Đổng Kiến Hoa, người đứng đầu thành phố khi đó, phải từ chức.
Mới tuần trước, các nhà tổ chức ước tính có 180.000 người tham gia biểu tình để tưởng nhớ vụ quân đội Trung Quốc thảm sát sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Nhưng cuộc biểu tình hôm Chủ nhật (9/6) đã đánh dấu một sự đoàn kết chưa từng thấy trong thành phố kể từ khi dân Hồng Kông diễu hành lên tới triệu người vào năm 1989 để phản ứng lại vụ thảm sát Thiên An Môn.

Nhiều người biểu tình cảm thấy rằng những nỗ lực của họ đã vô ích. Vào thứ Hai (10/6), bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên bố không rút lại dự luật.
Truyền thông Trung Quốc thì chỉ trích các “thế lực nước ngoài” và phớt lờ tầm quan trọng của cuộc biểu tình rầm rộ ở thành phố cảng Hồng Kông.

Anh Slash, 34 tuổi, nhà thiết kế
Slash không bao giờ xem mình là hoạt động chính trị. Đây là lần đầu tiên anh tham gia một cuộc biểu tình, nhưng nó cũng có thể là cuộc biểu tình lớn của anh và của thành phố vào lần cuối.
Anh nói: “Mặc dù điều đó có thể không tạo ra sự khác biệt, nhưng đây là một điều mà chúng tôi có thể làm, ít nhất là chúng tôi có thể thể hiện khuôn mặt của mình thay vì ngồi ở nhà. Lần này, tôi nhận ra rằng tôi thực sự phải làm một cái gì đó”.

Cô Yeung, khoảng 30 tuổi, làm nghề nhân sự
“Tự do ngôn luận là điều mà Hồng Kông luôn coi trọng, nhưng nếu họ thông qua dự luật này, chúng tôi sợ rằng rất nhiều quyền tự do sẽ không còn nữa”, Yeung nói. Cô sinh ra ở Anh và lớn lên ở Hồng Kông.

Anh Jimmy Chan, 42 tuổi, nhân viên bán hàng
Tuần hành là một việc quen thuộc với nhiều gia đình, nhiều cha mẹ mang theo con nhỏ của họ. Chan nói rằng dự luật có thể “gây hại tới người dân Hồng Kông”. Anh nói rằng anh đưa cậu con trai bé bỏng đi biểu tình vì cậu bé sẽ đại diện cho thế hệ tiếp theo sẽ phải sống ở Hồng Kông.

Bà Alexandra Wong, 64, đã nghỉ hưu
Bà Wong đã luôn mang theo lá cờ nước Anh đi biểu tình, để nói rõ rằng bà cảm thấy Hồng Kông tốt đẹp hơn dưới thời thuộc địa. Bà nói: “Lúc bấy giờ tôi không hài lòng về quy tắc Anh. Tôi đề nghị họ cho tôi một ly nước đầy và họ đưa cho một nửa ly. Nhưng hóa ra Đảng Cộng sản Trung Quốc còn tệ hơn, họ lấy hết nước của chúng tôi và còn đập bể cái ly”.

Ông Benny Wong, 50 tuổi, ngành xây dựng
Wong đã nói ngắn gọn những nỗi sợ mà những người biểu tình cảm thấy:
“Tôi không cần thiết phải sợ bị bắt, và tôi nghĩ điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến Hồng Kông. Tôi cảm thấy như [Trung Quốc] có thể sử dụng các cách thức khác nhau để bắt giữ bạn, và điều đó dẫn đến việc không có tự do, và không dám nói ra. Tôi thực sự rất xúc động [nhìn thấy tất cả những người này], và tôi cảm thấy vui vì mình đã tham gia, rằng tôi đã có thể là một trong những người Hồng Kông đã xuất hiện [trong cuộc biểu tình]”.

Thành Minh