Cả F-16 của Mỹ và J-10 của Trung Quốc đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư. Nhưng do F-16 nhận được bản nâng cấp tương tự công nghệ của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 nên J-10 không thể sánh kịp.
Mặc dù đã 45 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của F-16 , chiến đấu cơ này vẫn được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng không quân trên khắp thế giới. chiến đấu cơ F-16 tên đầy đủ là tiêm kích F-16 “Chim Ưng chiến đấu” (F-16 Fighting Falcon), đây là loại chiến đấu cơ tiết kiệm chi phí nhất, ổn định nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Tính đến năm 2021, tổng số máy bay sản xuất vượt quá 4.600 chiếc, trong đó khoảng 2.700 chiếc đang phục vụ quân đội các nước. Hiện có 26 quốc gia ngoài Hoa Kỳ được trang bị chiến đấu cơ F-16 các loại.
Một báo cáo quốc hội Mỹ về các vấn đề kinh tế và an ninh Mỹ-Trung nhiều năm trước đã đề cập cụ thể rằng việc nâng cấp máy bay thế hệ thứ tư của Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm rằng các chiến đấu cơ của Không quân Hoa Kỳ có thể cạnh tranh và vượt trội hơn máy bay thế hệ thứ tư của Trung Quốc.
Do đó, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã nâng cấp và cải tiến F-15 và F-16 trên những phương diện sẽ mang đến ảnh hưởng lớn, bao gồm trang bị mới radar, cảm biến, hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí và thiết bị điện tử hàng không. Thực chất, chương trình hiện đại hóa và dịch vụ kéo dài tuổi thọ (SLEP) sẽ kéo dài thời gian phục vụ của loại chiến đấu cơ F-16.
F-16 được nâng cấp từ công nghệ F-35
Trang web Warrior Maven đã báo cáo trong tháng này rằng Không quân Hoa Kỳ đã nâng cấp F-16 trong một thời gian khá lâu, chiến đấu cơ đã sử dụng công nghệ F-35 trong những năm gần đây, chẳng hạn như có một radar quét điện tử chủ động mới. Thiết bị này có thể theo dõi 20 mục tiêu cùng lúc với hơn 12 dạng kết cấu biến đổi khác nhau.
Những nâng cấp này kéo dài thời gian hoạt động của F-16 từ 8.000 giờ bay lên 12.000 giờ bay, tăng thêm 8 đến 10 năm tuổi thọ cho mỗi máy bay.
Vào năm 2019, một quan chức của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã phát biểu với trang Warrior Maven rằng lực lượng Không quân đang nâng cấp 372 chiếc F-16 từ radar quét cơ học (APG-68) lên radar quét mảng điện tử chủ động (APG-83).
Vị quan chức này cho biết: “Bản nâng cấp này cung cấp băng thông, tốc độ và tính linh hoạt cao hơn, cho phép F-16 phát hiện, theo dõi và xác định nhiều mục tiêu nhanh hơn và xa hơn”.
Các nhà phát triển F-16 của Lockheed Martin cho biết F-16 cũng đang nhận được các máy tính, phần mềm, công nghệ nhắm mục tiêu và màn hình buồng lái mới để bảo đảm nó luôn ở vị trí đầu tiên trong số các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tiên tiến nhất. Là một phần trong sự nỗ lực này, Lockheed Martin thậm chí còn thiết kế một biến thể mới F-16V, tiếp tục thu hút các đồng minh trên khắp thế giới bằng việc bổ sung hệ thống cảnh báo tên lửa, chiến tranh điện tử và công nghệ tín hiệu mũ bảo hộ.
Ngoài ra, Không quân Hoa Kỳ đã tích hợp công nghệ “tránh va chạm” tiên tiến vào F-16, công nghệ được máy tính hỗ trợ tiếp quản và “điều khiển” máy bay để tránh va chạm trong trường hợp phi công bị mất khả năng hoạt động hoặc bị thương.
J-10 đánh cắp công nghệ Mỹ
Thành Đô J-10 là chiến đấu cơ chính của Không quân Trung Cộng Quốc. Phiên bản ban đầu, J-10A, được đưa vào sử dụng năm 2004 và J-10B là phiên bản nâng cấp. Cất cánh lần đầu tiên vào năm 2008 và đưa vào sử dụng năm 2014, nó được trang bị khả năng tiếp nhiên liệu trên không cũng như cải tiến khả năng vectơ lực đẩy và công nghệ radar. Biến thể J-10C ra mắt gần đây là tiêm kích đầu tiên được trang bị động cơ do Trung Quốc sản xuất.

Không có gì bí mật về việc ĐCSTQ chuyên đánh cắp công nghệ từ nước ngoài và đạo nhái để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình, và hành vi này thậm chí còn phổ biến hơn trong ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi họ lợi dụng công nghệ đánh cắp được để phát triển không quân, thì vẫn có thiếu sót, như công nghệ không phù hợp và không có khả năng sản xuất động cơ mạnh mẽ.
Một báo cáo đánh giá do Frost & Sullivan, một công ty nghiên cứu, phân tích thị trường và tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp nổi tiếng quốc tế công bố vào năm 2003, đã tiết lộ nguồn gốc của chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc. Báo cáo cho biết, Israel đã có một dự án gọi là IAI Lavi vào những năm 1980. Với sự giúp đỡ của các công ty Mỹ, họ đã phát triển một loại chiến đấu cơ rất giống với F-16 của Mỹ. Israel đã phải từ bỏ chương trình này vào năm 1987 vì nó gây ra mối đe dọa cạnh tranh với F-16C và F-18C của Mỹ. Nhưng trước sự thất vọng của các quan chức Mỹ, vào những năm 1990, Trung Quốc đã lấy được bí mật quân sự về chiến đấu cơ Lavi từ Israel và sản ra loại rất giống với máy bay này, gọi là J-10.
Theo một báo cáo trước đó trên tờ Los Angeles Times, các chuyên gia quân sự về Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng J-10 của Trung Quốc dựa trên chiến đấu cơ Lavi và bao gồm một số lượng lớn các cải tiến công nghệ từ chương trình chiến đấu cơ này. J-10 của Trung Quốc “sử dụng rất nhiều công nghệ của Mỹ”, một quan chức Mỹ cho biết.
J-10 chưa có kinh nghiệm chiến đấu nhưng F-16 đã trải qua thực chiến
Tờ Business Insider đã báo cáo vào tháng 5 năm 2022 rằng không có biến thể J-10 nào đã qua thử nghiệm hoạt động hoặc tham chiến như F-16 hoặc các đối thủ thế hệ thứ tư như Su-27.
Vào năm 1981, Israel đã điều động 8 chiếc F-16A ném bom xuống lò phản ứng hạt nhân Osirak ở ngoại ô Baghdad, thủ đô Iraq. Những chiếc máy bay này đã thả 16 quả bom Mk84 nặng 907kg phá hủy cơ sở ở đó buộc Saddam Hussein phải dừng chương trình vũ khí hạt nhân.
F-16 “Chim ưng chiến đấu” đã thể hiện đầy đủ vai trò không thể thay thế của mình trong không chiến cùng với tấn công mặt đất và các hoạt động phối hợp. Tháng 6/1982, Không quân Israel cử F-15 và F-16A tiến hành trận không chiến với Syria ở thung lũng Bekaa. Trong số đó, F-16A đã bắn hạ 44 chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-23 do Liên Xô sản xuất mà không để mất một chiếc nào.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, quân đội Hoa Kỳ đã cử nhóm tấn công F-16 tham gia các hoạt động, những chiếc F-16 đã hoàn thành hơn 13.000 nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm thả 907 kg bom hạng nặng và phóng tên lửa AGM-65 Maverick đối đất, phá hủy xe tăng và xe bọc thép của Iraq. Trong cuộc không kích lớn nhất nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Baghdad, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 đã được sử dụng để tiêu diệt hệ thống tên lửa đất đối không của Iraq.
F-16 dùng tên lửa AIM-120 “Scorpion” bắn hạ chiến đấu cơ MiG-25 “Foxbat” của Iraq, tăng cường khả năng kiểm soát “vùng cấm bay” trên lãnh thổ Iraq.
Vào ngày 12 tháng 2, một chiếc F-16 của quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một vật thể hình bát giác trên Hồ Huron gần biên giới Canada.
Không quân Trung Quốc có hàng trăm chiến đấu cơ một chỗ ngồi J-10 và nước này chỉ thường điều động những chiếc J-10 bay qua eo biển Đài Loan để quấy rối Đài Loan. Chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ đã nhận được công nghệ từ F-35 thế hệ thứ năm, cũng như khả năng tính toán, cảm biến và nhắm mục tiêu mới, cho phép F-16 dễ dàng đối đầu với J-10 của Trung Quốc.