Advantech, nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới của Đài Loan, cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một cơ hội để thay đổi chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ, theo Nikkei.

Ông Chaney Ho, giám đốc điều hành của Advantech nói với Nikkei: “Chúng tôi kỳ vọng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp tục kéo dài trong vòng 5 đến 8 năm tới, để tạo điều kiện cho các công ty đa quốc gia thay đổi chiến lược kinh doanh của mình”.

“Trước đây các công ty đều hầu hết sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc sau đó xuất đi khắp thế giới. Cách thức này sẽ phải thay đổi trong tương lai”.

“‘Made in USA là một xu hướng”, ông nói. “Đó là bước vào một kỷ nguyên mới mà chủ doanh nghiệp phải ít nhất là thay đổi một số sản phẩm để tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ và Ấn Độ, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Các nhà máy của Advantech chủ yếu ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, và chỉ có các cơ sở sản xuất nhỏ ở thành phố Ottawa và Milpitas, California, Hoa Kỳ. Công ty cũng có cơ sở bán hàng tại Cincinnati và thành phố Irvine của California. Nhưng ông Ho cho biết Advantech có kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh để hạn chế rủi ro trong trường hợp chính sách thuế của hoa kỳ có những điều chỉnh.

Một nhà máy của Advantech ở Hoa Kỳ. (Ảnh: Nikkei)

“Chúng tôi đang xem xét mở rộng các dây chuyền lắp ráp ra sản phẩm cuối cùng tại cơ sở Ottawa của chúng tôi và mở văn phòng mới tại nhiều thành phố của Mỹ, bao gồm Boston, Madison [ở Wisconsin], Detroit, Philadelphia, Atlanta, Seattle và những nơi khác gần với thị trường cuối cùng của chúng tôi”, ông Ho nói.

Advantech cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu ở Đài Loan mà sau này có thể hỗ trợ họ mở rộng sản xuất trong nước. Công ty này có thể nhập khẩu các bảng mạch từ Đài Loan và lắp ráp chúng với mác sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, nhằm giảm nhẹ chi phí đầu vào.

Đánh giá về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Ho nêu quan điểm rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng trong dài hạn bởi sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia hiện đang là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sẽ tiếp tục chậm lại mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của thế giới.

Trí Dũng