Chính quyền quân đội Myanmar đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc khi nước này phải vật lộn với làn sóng COVID-19 lần thứ ba. Tuy nhiên, chia sẻ với RFA, nhiều công dân ở nước này đang né tránh vì họ không tin tưởng vào quân đội và cả vắc-xin có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Trong một bài phát biểu gần đây, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cho biết khoảng 50% dân số Myanmar sẽ được tiêm chủng vào cuối năm nay.

Nhiều người dân nước này đã bày tỏ, họ không muốn tiêm chủng mặc dù vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt. 

Kyaw Myo Lwin, một cư dân của thành phố Yangon nói: “Chủ yếu tôi không muốn tiêm vắc-xin vì nó là của Trung Quốc. Thứ hai, tôi không tin tưởng vì những loại vắc-xin này là do hội đồng quân sự quản lý”. 

Ông cho biết thêm “Nếu là chính phủ dân sự do dân bầu quản lý những loại vắc-xin này, tôi chắc chắn sẽ tiêm, nhưng tôi sẽ không tiêm dưới [sự quản lý] của hội đồng quân sự”. 

Ông Lwin cho hay gia đình và bạn bè của ông cũng không tin tưởng vào chương trình vắc xin của quân đội. Họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người, rửa tay thường xuyên và ở nhà để bảo vệ bản thân. 

Không chỉ vậy, một bác sĩ giấu tên nói rằng sự ngờ vực đối với quân đội đang ẩn sâu trong tâm hầu hết người dân Myanmar. 

Bác sĩ nói “Xem xét hành động của họ [chính quyền quân sự], không có gì đáng tin cậy về họ. Rốt cuộc, họ đã khủng bố dân chúng bằng cách bắt giữ, tra tấn và bức hại người dân. Làm sao người dân tin tưởng họ được?”. 

Bác sĩ thêm thông tin “Các loại vắc-xin mà chính quyền quân sự cung cấp đến từ Trung Quốc và Nga, những quốc gia mà quân đội kết hợp với chính trị. Đây đều là những nguyên nhân làm tổn hại đến lòng tin của công chúng đối với họ” .

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar Than Naing Soe, nói với RFA, tiêm vắc xin là giải pháp lâu dài duy nhất để ngăn chặn COVID-19.

Ông cho biết “Thực tế mà nói, sẽ rất khó để duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay hay giữ khoảng cách. Giải pháp tốt nhất là tiêm vắc xin, vì vậy chúng tôi sẽ thực hiện việc này”. 

Ông Than cung cấp thêm thông tin, các loại vắc xin mà chính quyền cung cấp không chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc, mà còn nằm trong số 11 loại vắc xin được phân phối thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông cho biết thêm, các loại vắc-xin sản xuất tại Nga và Ấn Độ cũng sẽ được phân phối cho người dân.