Theo aboluowang, kể từ đầu năm tới nay, sau khi chính phủ Trung Quốc gia tăng các biện pháp quản lý trong nhiều lĩnh vực, số người lao động bị sa thải không ngừng tăng lên.

Nhiều phương tiện truyền thông vào đầu tháng 12 đưa tin, iQiyi, một công ty cung cấp nền tảng video hàng đầu Trung Quốc, đang sa thải nhân viên, và công ty này dự kiến sẽ sa thải khoảng 3.000 người. Lý do iQiyi sa thải nhân viên là bởi chính phủ chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, và kiểm duyệt nội dung video.

Hàng loạt công ty công nghệ khác ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn và buộc phải sa thải một lượng lớn nhân viên. Nhân viên của công ty Didi sẽ phải chờ tới năm sau để nhận tiền thưởng của năm nay, và 10% giám đốc điều hành không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại trực tiếp. Trụ sở chính tại Thượng Hải của Ctrip đã sa thải 30% nhân viên và tiền thưởng cuối năm sẽ được phát vào cuối tháng Hai năm sau. Công ty UCAR đã bắt đầu sa thải nhân viên. Guazi dự kiến ​​sẽ sa thải 30% nhân viên vào cuối năm nay, và tỷ lệ sa thải ở các bộ phận riêng lẻ có thể lên tới 50%. Trung tâm R&D ở Bắc Kinh của Suning đã sa thải nhân viên và một số đơn vị của công ty này đã sa thải 70% nhân viên.

Tình hình cũng diễn ra tương tự đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Công ty Sina đã sa thải 90% nhân viên thuộc các bộ phận sản phẩm, thử nghiệm và kiểm toán. Mafengwo đã sa thải 40% nhân viên và không có tiền thưởng cuối năm. Vipshop có kế hoạch sa thải nhân viên, hầu hết không có tiền thưởng cuối năm. CreditEase đã bắt đầu sa thải nhân viên vào tháng 12.

Ở những lĩnh vực khác tỷ lệ lao động bị sa thải cũng rất cao. Tỷ lệ chung là 25% và không có thưởng cuối năm. Việc điều chỉnh ngày lĩnh lương của NIO đã bị trì hoãn 8 ngày và hàng ngàn nhân viên của công ty này đã bị sa thải. Kuaishou và 360 đã thông báo về việc sa thải, mặc dù tỷ lệ vẫn chưa được biết. Bytedance đã bắt đầu sa thải nhân viên hai tháng trước, với tỷ lệ tối đa là 70%. Ngành bất động sản cũng đang sa thải nhân công, nhiều công ty trong lĩnh vực này có tỷ lệ sa thải nhân viên lên đến 50%.

Sun Liping, giáo sư Khoa Xã hội học của Đại học Thanh Hoa, nói rằng làn sóng thất nghiệp lớn đang ập tới Trung Quốc, và nguồn gốc của làn sóng thất nghiệp này tới từ 5 nguyên nhân chính: thứ nhất, Bất động sản gặp khó khăn; thứ hai, các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc; thứ ba, hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ suy thoái và đông cửa; thứ tư, chính phủ chấn chỉnh ngành giáo dục và đào tạo, và thứ năm, chính sách thương mại điện tử thay đổi.