Epoch Times đưa tin, gần đây giá cả trên thị trường ở Mỹ tăng cao, vì thế có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thuế cho các sản phẩm Trung Quốc để hạn chế lạm phát. Tuy nhiên, một nhà kinh tế chỉ ra rằng tác động của thuế quan lên hàng Trung Quốc đối với lạm phát Hoa Kỳ là không đáng kể.

Derek Scissors, một chuyên gia kinh tế tại Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute), một tổ chức tư vấn của Washington và là nhà kinh tế trưởng của China Beige Book đã viết một bài báo, tuyên bố rằng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể chống lạm phát là một kiểu ‘gây hiểu lầm’.

Ông lập luận rằng việc giảm thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ có ít tác động đến nền kinh tế nói chung, chỉ có lợi cho một số người trong đợt phục hồi ngắn hạn của thị trường chứng khoán và có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Trong bài báo của mình, ông trích dẫn dữ liệu từ Diễn đàn hành động Mỹ (American Action Forum), một nhóm chống thuế quan. Nhóm đã chỉ ra trong một nghiên cứu gần đây rằng thuế quan tăng đã làm tăng thêm chi phí tiêu dùng khoảng 51 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.

Ông cho biết chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) ở Hoa Kỳ trong năm nay là khoảng 16,5 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Ngược lại, giảm 51 tỷ đô-la Mỹ chi phí thuế quan cũng giống như “giảm 1,55 đô-la Mỹ chi phí của một gia đình chi tiêu 500 đô-la Mỹ /tuần cho thực phẩm”.

Trên thực tế, hầu hết các loại thuế đã được thực hiện kể từ năm 2019. Ông Derek Scissors nói rằng tác động của thuế quan đã được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, chính sách “đã không gây ra lạm phát có ý nghĩa vào năm 2020”.

Ông tin rằng lý do quan trọng hơn để đẩy lạm phát lên cao có thể là chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.

“Còn lạ hơn khi mọi người không đề cập đến chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ”, ông Derek Scissors viết. “Vào tháng 4 năm 2020, nguồn cung tiền hẹp (M1) là 4,77 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Vào tháng 4 năm 2021, con số đạt 18,9 nghìn tỷ đô-la Mỹ, tăng gần 300%. Sáu tháng sau, chúng ta có áp lực lạm phát”.

Ông lấy ví dụ minh hoạ để so sánh chính sách thuế quan năm 2019 với lạm phát hiện nay, giống như một người bị đau bụng vào ban đêm, đổ lỗi cho “quả trứng đã ăn vào bữa sáng” thay vì “ba chiếc pizza lớn đã ăn vào bữa trưa”.

Ông Derek Scissors nói rằng một số quan điểm cho rằng thuế quan cản trở hoạt động kinh tế, hoặc các loại thuế này đẩy giá lên. Ông nói rằng mặc dù những tuyên bố này không sai, nhưng tác động của thuế quan đối với giá bán của Trung Quốc là rất nhỏ, và tuyên bố này chỉ là “đánh lạc hướng”.

Bài báo trích dẫn các loại thuế khác có thể ảnh hưởng đến giá bán hàng. Ví dụ, thuế tiêu thụ liên bang cũng đẩy giá bán lên và có tác động gấp đôi thuế quan.

Ngoài ra, thuế quan đã không gây ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh tế.

Ông nói: “Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 340 tỷ đô-la Mỹ hàng hóa từ Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2021, con số này là 360 tỷ đô-la Mỹ”.

Tại sao thuế quan đối với Trung Quốc lại được thảo luận rộng rãi mặc dù tầm quan trọng của chúng không cao? Ông Derek Scissors cho rằng điều này là do chính sách thuế quan ngoài việc tác động thông qua hàng hóa nhập khẩu thì không gây ra nhiều tác động khác lên Trung Quốc, và đây cũng là mục tiêu phù hợp để giảm bớt sự đổ lỗi cho lạm phát.

“Cũng có những người hy vọng được hưởng lợi từ sự phục hồi ngắn hạn của thị trường chứng khoán mà việc giảm thuế lên hàng Trung Quốc có thể tạo ra”.

Ông Derek Scissors cũng chỉ ra rằng: “Một số công ty Mỹ không quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng và muốn quay trở lại cái gọi là mối quan hệ ‘bình thường’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

“Điều này có nghĩa là mong muốn chuyển nhiều chuỗi cung ứng của họ sang Trung Quốc, đầu tư mạnh vào Trung Quốc mà không cần tiết lộ nguồn vốn, và bán công nghệ nguy hiểm mà không bị cản trở”.

Ông cho rằng thuế quan lên hàng Trung Quốc hầu như không ảnh hưởng đến lạm phát hoặc tác động nhỏ đến nền kinh tế tổng thể, nhưng đối với các công ty không coi lợi ích quốc gia, thuế quan lên hàng Trung Quốc rất quan trọng.