Sau vụ sập cầu Morandi (Italia), các chuyên gia cảnh báo chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của các quốc gia phương Tây đang trong tình trạng nguy hiểm.
Nỗi sợ hãi của người dân châu Âu tăng lên khi các chuyên gia đưa ra cảnh báo về điều kiện an toàn của hệ thống cầu đường, Guardian đưa tin.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Elisabeth Borne nói rằng, cơ sở hạ tầng của giao thông của nước này đang xuống cấp sau khi một nghiên cứu hồi tháng 7 cho thấy, 1/3 cây cầu và đường bộ trên cả nước cần được tu sửa.

Bà Elisabeth Borne sẽ trình bày một số điều luật mới vào tháng tới, bao gồm việc kiểm tra cơ sở hạ tầng thường xuyên. Chính phủ cũng đang đề xuất kế hoạch trị giá 1 tỷ bảng Anh để sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống giao thông đường bộ.
“Các cây cầu sẽ được kiểm tra hàng năm và kiểm tra chi tiết hơn 3 năm/lần”, bà Elisabeth nói thêm. “Khoảng 50% đường bộ cần được tu sửa”.
Tại Italia, có tới 300 cây cầu đang trong tình trạng nguy hiểm, trong đó một số cầu ở Agrigento, Sicily… được thiết kế bởi Ricardo Morandi, kỹ sư thiết kế cây cầu ở Genoa bị sập.
Hôm 14/8, một đoạn cầu cao tốc Morandi (thành phố Genoa, Italia) dài khoảng 80 m đã đổ sập xuống mái một công ty, đường ray tàu hỏa và nhiều tòa nhà khác bên dưới.
Cổ phiếu của Atlantia, tập đoàn quản lý đường cao tốc có cầu Morandi, đã mất hơn 24% giá trị sau vài giờ tạm đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán Milan. Autostrade per l’Italia – nhà thầu vận hành cầu Morandi, là một đơn vị thuộc tập đoàn Atlantia quản lý các đường cao tốc thu phí ở Italia.

Năm 2017, báo cáo của Viện Nghiên cứu Bộ Giao thông Liên bang Đức cũng chỉ ra rằng, gần 13% cầu ở nước này đang trong tình trạng xấu. Nhiều cây cầu được xây dựng vào những năm 1960-1970 và không cho phép lưu thông phương tiện hạng nặng.
Cơ sở hạ tầng ở Đông Đức nói chung đang trong tình trạng tốt bởi hầu hết đã được sửa và thay thế trong giai đoạn 1990-2000. Ở Tây Đức, hệ thống cầu đường có khả năng chịu được tải trọng nặng.
Tại Hà Lan, giới chức lo ngại về tình trạng cầu đường ở một số địa phương và các tỉnh. Báo Financieele Dagblad cho biết, 14 cây cầu ở tỉnh Noord-Holland (Hà Lan) có nguy cơ sập.
Ngày 16/8, chính quyền Bulgaria thông báo có kế hoạch cải tạo hơn 200 cây cầu, hầu hết được xây dựng từ 35-40 năm trước.
An Yên