Vào thứ Tư (19/1), cầu thủ bóng rổ Hoa Kỳ Enes Kanter Freedom đã đáp lại lời mời tới thăm Trung Quốc của cựu ngôi sao bóng rổ Yao Ming.
Theo Epoch Times tiếng Trung, Kanter, cầu thủ 29 tuổi của Boston Celtics, là một trong số ít vận động viên quốc tế hàng đầu đã thẳng thừng chỉ trích “chế độ độc tài tàn bạo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và lên tiếng bảo vệ nhân quyền cho người Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Kanter đã chỉ trích Bắc Kinh dùng “tiền để mua sự im lặng” trước hành vi đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ. Anh cũng kêu gọi các vận động viên không tới Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.
Trước những phát biểu của Kanter, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (17/1), Yao Ming, cựu cầu thủ NBA và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc, cho biết: “Tôi không biết động cơ hay quan điểm của Kanter là gì, vì vậy tôi không nhất thiết phải đưa ra bình luận”.
Yao Ming, cựu ngôi sao bóng rổ của Houston Rockets, cho biết: “Mỗi người đều có những kênh [thông tin] khác nhau, có thể dẫn đến những ý kiến khác nhau”.
“Nếu có cơ hội, tôi muốn mời Kanter đến Trung Quốc để quan sát … anh ấy có thể hiểu biết toàn diện hơn về chúng tôi [Trung Quốc]”.
Kanter đã đáp lại lời mời đến thăm Trung Quốc của Yao Ming trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Tư. Kanter nói, “Tôi muốn nói lời cảm ơn đến Yao Ming …”, “Thực ra, tôi muốn đến Trung Quốc và tận mắt chứng kiến mọi thứ”.
“Nhưng trong chuyến đi này, tôi muốn hỏi Yao Ming xem tôi có thể đến thăm trại lao động [cưỡng bức ở Tân Cương] không?”.
Kanter nói thêm: “Tôi không cần tường thuật của Trung Quốc, tôi không muốn nghe tuyên truyền. Tôi muốn nhìn thấy một Trung Quốc thực sự và cho thế giới thấy những gì đang diễn ra. Vì vậy, tôi chắc chắn sẽ chấp nhận lời đề nghị của anh ấy”.
Kanter gần đây đã đăng những lời chỉ trích thẳng thắn về các chính sách của ĐCSTQ đối với Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan trên mạng xã hội cá nhân của mình. Anh chính thức đổi họ thành “Freedom” (tự do) vào tháng 11/2021.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính rằng hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đã bị giam giữ trong các “trại cải tạo” khác nhau ở Tân Cương kể từ năm 2017.