Đá được sử dụng để làm quần áo cho người dân, nhưng lại phơi bày lỗ hổng trong tuyên truyền của chế độ Triều Tiên.
Đối với phần lớn thế giới, đó là một sản phẩm khác biệt. Ở Triều Tiên, nơi mà mùa đông khá lạnh và không thể sản xuất đủ bông hoặc len cho quần áo may mặc, sợi tổng hợp được phát triển sau nylon được tôn vinh như là một sáng chế mang tính cách mạng, theo Reuters.
Bên ngoài Triều Tiên, loại sợi này được gọi là vinylon và ở trong nước, nó được nhà lãnh đạo Kim II Sung đặt tên là “vinalon”. Ông yêu cầu sử dụng loại sợi này để may quần áo cho người dân.
Đó là một câu chuyện tiết lộ nhiều về lịch sử của Triều Tiên. Chính quyền cho biết chất xơ này tượng trưng cho tính tự chủ của chế độ, nhưng các hồ sơ ngoại giao cho thấy dự án này kém thành công hơn ông Kim hy vọng. Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều vào nước khác hơn là những gì họ tuyên bố.
Hiện nay, người Triều Tiên nói rằng không ai còn mặc vinalon nữa. Nhưng điều đó đã không ngăn chặn được cháu trai của ông Kim Il Sung – ông Kim Jong Un – kêu gọi sản xuất thêm quần áo từ loại sợi này.
Những người đào thoát Triều Tiên nói rằng sợi vinalon đã từng là một điều kỳ diệu của Triều Tiên. Nhưng ngày nay nó cho thấy cách mà người dân xoay sở dưới sự kiểm soát của chính quyền. Nếu hôm nay người dân Triều Tiên có vinalon trong tay, họ sẽ sử dụng nó để làm lưới đánh cá, giẻ lau, dây thừng và các loại vật dụng khác, và sẽ trao đổi chúng ở các thị trường không được kiểm soát, để đổi lấy nhiều thứ hàng hóa cơ bản khác mà họ cần.
Chính quyền Triều Tiên không cung cấp một đầu mối liên lạc nào ở Bình Nhưỡng cho báo chí nước ngoài, và đại diện Liên Hợp Quốc của nước này cũng không phản hồi đề nghị bình luận về vấn đề này.
Sợi vải kỳ diệu
Theo nghiên cứu của Orbis, ngành công nghiệp sợi vinylon toàn cầu có giá trị 443 triệu đô la vào năm 2016 và dự kiến sẽ đạt 539 triệu đô la vào năm 2022. Công ty quần áo ngoài trời của Thụy Điển Fjällräven sử dụng một loại vinylon, Vinylon F từ Nhật Bản, để sản xuất các sản phẩm của hãng bao gồm cả ba lô Kånken.
Công ty Fjällräven không mua nguồn nguyên liệu từ Triều Tiên, một phát ngôn viên của công ty cho hay.
Các công ty ở Nhật Bản và Trung Quốc sản xuất vinylon từ dầu mỏ. Nhưng Triều Tiên không có trữ lượng dầu mỏ. Thay vào đó, họ sản xuất ra sợi vinalon (cách mà Triều Tiên gọi vinylon) từ hai mặt hàng mà họ có dồi dào: than và đá vôi.

Vinalon bắt đầu xuất hiện từ năm 1939, hai năm sau khi công ty DuPont của Mỹ giới thiệu nylon, một phát minh làm thay đổi thế giới thời trang ở Mĩ, tạo thêm sức hấp dẫn cho các ngôi sao điện ảnh.
Vào thời điểm đó, Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản và nylon đã làm cắt giảm sản lượng xuất khẩu lụa và bông của Nhật. Một nhà khoa học Hàn Quốc thời đó đang làm trong một đội nghiên cứu phát triển một loại sợi thay thế. Tên của ông là Ri Sung Gi.
Sáng chế của Ri bắt đầu từ những tinh thể cứng, màu trắng trông giống như muối biển. Nhưng một khi rút ra và kéo thành sợi chỉ, nó có được một kết cấu như bông. Nó rất khó nhuộm, nhưng bền.

Điều này rất hứa hẹn. Nhưng hai cuộc chiến tranh đã làm gián đoạn nỗ lực của ông Ri trong việc phát triển loại vải này.
Năm 1948, sau Thế chiến thứ hai, Triều Tiên trở thành một đất nước cộng sản.
Quân đội Triều Tiên xâm chiếm Hàn Quốc và trong ba năm tiếp theo, Mỹ đã đánh bom Bình Nhưỡng. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, khoảng 2,5 triệu binh sĩ và thường dân của cả hai nước thiệt mạng.

Năm 1953, Chiến tranh Triều Tiên dừng lại với một cuộc ngừng bắn.
Ông Ri muốn xây dựng lại và đề xuất phát triển vải của mình tại Hàn Quốc. Hàn Quốc vốn liên minh với Hoa Kỳ nên không quan tâm đến đề nghị này.
Vào thời điểm này, tất cả các quốc gia Liên Xô đã chuyển hướng phát triển sang sức mạnh công nghệ. Triều Tiên đang chiêu dụ các nhà khoa học nước ngoài, và làm tất cả những gì có thể để giữ chân họ.
Ông Ri đào thoát sang Triều Tiên. Triều Tiên đã so sánh ông với Marie Curie, nhà hoá học người Pháp đã phát triển lý thuyết về phóng xạ.
“Để khoan một lỗ trong lòng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, tôi đã phải nhìn qua ống kính hiển vi và lắc ống thí nghiệm với tất cả sự quyết tâm”, Hồi ký của Ri Sung Gi, 1990.

Tháp chủ thể Juche
Liên bang Xô Viết đang tiến lên phía trước. Ngày 12/4/1961, phi hành gia Nga Yuri Gagarin đã vượt qua đối thủ Mỹ, trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin đã bảo trợ Kim Il Sung thành người lãnh đạo của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Dưới sự cai trị của người Nhật, miền Bắc (Triều Tiên) đã nhận được nhiều đầu tư vào ngành công nghiệp nặng hơn miền Nam (Hàn Quốc) và nó có nguồn năng lượng dồi dào.
Tuy nhiên, Triều Tiên cần áo ấm cho người dân, ông Kim nói với Đại sứ Liên Xô, A.M. Puzanov. “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề quần áo thì sẽ rất khó cạnh tranh với miền Nam,” ông nói, theo như nhật ký của Puzanov. Liên bang Xô Viết lại không thể cung cấp bông.
Ri đã chứng minh trong phòng thí nghiệm rằng vinalon có thể được chế tạo ra. Kim nhìn thấy chất xơ như một công cụ chính trị.
Ông đã tạo ra một hệ tư tưởng chủ thể gọi là Juche. Từ này dịch theo nghĩa đen là “chủ thể”, nhưng mang tư tưởng con người tự làm chủ số phận của mình.
Kim gọi vinalon là “sợi juche”.
“Ngành công nghiệp vinalon là thành tựu sáng chói phản ánh tư tưởng Juche của Đảng chúng ta trong lĩnh vực hoá học.”, Kim Il Sung tuyên bố vào năm 1967.
Vào ngày 6/5/1961, Kim Il Sung đã tổ chức lễ khai mạc Nhà máy Vinalon 8 Tháng 2 ở Hamhung, tỉnh Nam Hamgyong. Kim nói với các đồng minh rằng Triều Tiên có thể sản xuất 10,000 tấn vinalon mỗi năm và sẽ sớm sản xuất hơn 300 triệu mét vải mỗi năm, theo tài liệu của kho lưu trữ Trung tâm Wilson.
Nhà máy do phân khu của Quân đội nhân dân Triều Tiên xây dựng có công suất hoạt đông cho 3 ca của 3,000 người, đã tăng năng suất một cách nhanh chóng đến mức cụm từ chiến thắng “tốc độ vinalon” bắt đầu xuất hiện trong tuyên truyền của Nhà nước Triều Tiên.
Nhìn vào các sợi vinalon đầu tiên, Ri nói rằng chúng “trắng như tuyết và nhẹ hơn cánh hoa bồ công anh”.
Kim Sung-hee, một người Triều Tiên đã tẩu thoát đến Hàn Quốc, cho biết cô đã tham dự lễ cắt băng khánh thành nhà máy. “Bên trong nhà máy, tôi thấy áo khoác màu hồng và đỏ. Ngay cả sau 15 năm, áo khoác vinalon vẫn không bị tước sợi, mặc dù màu sắc có thể thay đổi chút ít”, Kim Sung-hee nhớ lại, bây giờ đã 66 tuổi.
Những người đào tẩu sinh trước những năm 1980 nói họ từng mặc áo khoác, đồng phục học sinh và vớ làm bằng vinalon.
Loại sợi vải này là một phần của cuộc vận động công nghiệp giống như cuộc vận động mà Mao Trạch Đông đã phát động ở Trung Quốc. Nỗ lực này của Triều Tiên được ví von như Thiên Lý Mã. Hiện thân như một con ngựa biết bay, nó kích động công nhân bỏ qua giờ nghỉ để tăng năng suất sản xuất, được hỗ trợ bằng khẩu hiệu như “không cần uống súp”.
Năm 1961, Kim Il Sung gặp đồng chí Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và nói với ông rằng Triều Tiên đã “thành công” trong việc sản xuất vinalon, để giảm bớt vấn đề quần áo của đất nước. Đặng nói rằng quá trình này đòi hỏi nguồn điện. Nhưng Kim không lo lắng.
“Chúng tôi sẽ không cần phải sử dụng điện trong tương lai. Chúng tôi có thể sử dụng oxy”, lãnh đạo Kim Il Sung nói vào năm 1961.

Nền kinh tế của nhân dân
Vào đầu những năm 1960, mặc dù một cuộc đảo chính chống Cộng ở Hàn Quốc và cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đã đẩy Triều Tiên vào con đường leo thang quân sự, nhưng nền kinh tế của quốc gia này lại tăng trưởng nhanh chóng.
Một nhà kinh tế học tại Đại học Cambridge ở Anh, Joan Robinson, đã viếng thăm Triều Tiên vào năm 1964, và viết rằng “những phép màu kinh tế của thế giới sau chiến tranh đều bị lu mờ” bởi những gì cô nhìn thấy, bao gồm cả vinalon. Cô đã ghi lại công thức chế tạo nó.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc và Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Triều Tiên đã phát triển nhanh hơn Hàn Quốc – xu thế này tiếp tục tiếp diễn đến những năm 1970.
Năm 1972, CIA ghi nhận các số liệu từ năm 1956-1971, cho thấy Triều Tiên đã sản xuất được 7 triệu mét vải dệt, nhiều hơn Hàn Quốc. Trong những năm đầu, sản lượng các sản phẩm từ cá, than, quặng sắt, thép, xi măng, phân hoá học, máy kéo của Triều Tiên cũng vượt quá sản lượng của Hàn Quốc.

Các số liệu của CIA cho thấy, đến giữa những năm 1960, Triều Tiên đã đều đặn xuất khẩu nhiều hơn so với Hàn Quốc tính theo đơn vị đồng đô la.

Vua của Sợi
Người Triều Tiên gọi vinalon là “Vua của Sợi” và lồng nó vào trong phim hoạt hình, để dạy trẻ em rằng đất nước đã độc lập và thành công như thế nào.
Chương trình truyền hình năm 1976 trình chiếu nhân vật Vinalon màu đỏ, trong một cuộc đua chống lại nhân vật Nylon.
“Ai là Vua của sợi?” từ Studio phim hoạt hình ngày 26/4/1976. KCTV đã thu được cảnh quay của Munhwa Broadcasting Corporation.
Nhưng trên thực tế, vải làm từ sợi Vinalon đã bộc lộ ra nhiều mặt hạn chế. Nó không đủ giữ ấm cho mọi người. Và nguồn năng lượng để sản xuất Vinalon đang trở thành một vấn đề. Vào lúc đó, giá dầu mỏ ở phương Tây thì rẻ, còn thế giới bên ngoài Triều Tiên thì thoải mái sử dụng dầu mỏ như một loại năng lượng, cho vận chuyển và vật liệu tổng hợp.
Triều Tiên không có trữ lượng dầu mỏ nào để sản xuất vinalon hay vận hành các nhà máy của mình và Bình Nhưỡng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ Liên bang Xô Viết. Mặc dù vậy, Kim Il Sung vẫn nói Triều Tiên phải độc lập.
“Có thể rẻ hơn và nhanh hơn để sản xuất sợi tổng hợp bằng cách sử dụng hoá dầu … Tuy nhiên, việc xây dựng các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô của các nước khác cũng giống như việc để người khác nắm lấy mình bằng cách túm cổ áo”, lãnh đạo Kim Il Sung nói vào năm 1972.
Để sản xuất được vải từ đá, Triều Tiên muốn có năng lượng hạt nhân. Trong nhiều năm, nó yêu cầu đồng minh Liên Xô giúp đỡ để xây dựng các cơ sở phát điện. Nhưng Triều Tiên chỉ có được một trạm điện hạt nhân. Năm 1967, nhà sáng chế vinalon – ông Ri Sung Gi – được làm Chủ tịch Viện nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử ở Yongbyon. Ngày nay, đây là nơi chứa lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ của Triều Tiên.
Năm 1973, Kim Dong Gyu, một quan chức cấp cao của Triều Tiên, nói với lãnh đạo Romania Nicolai Ceaucescu rằng Triều Tiên đã sản xuất “70-80 tấn” vinalon, và thấy rằng số lượng này khó có thể tăng lên thêm được nữa.
“Hiện nay chúng tôi đang đấu tranh để tăng sản xuất tại các nhà máy vinalon lên đến 50,000 tấn một năm”, Kim Dong Gyu, một quan chức Triều Tiên, phát biểu vào năm 1973.
Cơ sở sản xuất Hamhung đã được mở rộng để nó có thể chế tạo thêm cacbua canxi, hợp chất than đá và đá vôi mà dựa trên đó sẽ tạo ra vinalon. Các nền kinh tế bao cấp theo kiểu Liên Xô được điều tiết bởi các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch hơn là theo quy luật cung và cầu của thị trường.
Canxi cacbua có thể được sử dụng để làm nhiều thứ. Những người đào tẩu từ Hamhung nói với Reuters là nó từng được cho rằng có thể chế tạo vũ khí hoá học – một tuyên bố mà nhiều người cũng đưa ra, và về mặt kỹ thuật là có thể, nhưng không ai chứng minh được.

Lee Min-bok, 60 tuổi, từng làm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp, đã đến thăm nhà máy vinalon đầu tiên của Triều Tiên, và nói: “Mỗi nhà máy ở Triều Tiên, bất kể là nhà máy nào… đều có các phân khu cho nền kinh tế thứ hai”.
“Người dân Triều Tiên gọi ngành công nghiệp chiến tranh là nền kinh tế thứ hai. Nền kinh tế đầu tiên được gọi là nền kinh tế nhân dân”, theo ông Lee Min-bok, 60 tuổi, đã đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 1991.
Gần đây, các chuyên gia vũ khí của phương Tây tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho rằng nhà máy vinalon có thể đã được sử dụng để sản xuất nhiên liệu tên lửa, phục vụ cho các cuộc thử nghiệm tên lửa. Các nhà khoa học cho biết điều này cũng có tính khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng chưa được chứng minh.
Khi Triều Tiên xây dựng lực lượng quân đội của mình, khoản nợ quốc tế của nó cũng tăng lên. Cuối cùng, Triều Tiên nợ Moscow tổng cộng 11 tỷ USD, nhưng hầu hết là đã được Nga xoá nợ vào năm 2012. Triều Tiên cũng tích đọng các khoản nợ ở phương Tây. Chúng đã không được trả năm này qua năm khác, tổng cộng số tiền nợ lên đến khoảng 770 triệu đô la trong những năm 1970.
Lúc đó, sự hỗ trợ của Liên Xô đang sụt giảm, và lãnh đạo mới của Trung Quốc – ông Đặng Tiểu Bình – đang đi theo các nguyên tắc kinh tế thị trường. Ông đã ký hiệp định thương mại với Triều Tiên vào năm 1982.
Triều Tiên đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất vinalon thứ hai ở Sunchon vào năm 1983, để đạt được “mục tiêu 1.5 tỷ mét vải”.
Nhà máy này là khu công nghiệp hóa chất lớn nhất trong nước và được kiểm soát bởi quân đội Triều Tiên. Cuộc nói chuyện của lãnh đạo Kim Il Sung về việc vận hành nhà máy đó bằng oxy không bao giờ thành hiện thực. Mặc dù được báo cáo là đã đầu tư 10 tỉ đô la vào nhà máy đó, nhưng khu phức hợp này chưa bao giờ được xây dựng xong.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Triều Tiên đã mất tất cả các nguồn viện trợ từ Liên Xô. Và hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của người dân Triều Tiên. Trung Quốc đã xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn vải và quần áo sang Triều Tiên, theo các dữ liệu hải quan.
“Trong những năm 1990, người Triều Tiên chủ yếu dựa vào vải Trung Quốc để làm quần áo. Kể từ đó, một lượng lớn vải Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Triều Tiên”, theo ông Choi Goog-jin, một doanh nhân Hàn Quốc đã cố gắng nhập khẩu vinalon từ Triều Tiên vào năm 2011.
Chủ Nghĩa Tư Bản vào ban đêm
Vào ngày 8/7/1994, Kim Il Sung đột tử vì đau tim. Con trai – ông Kim Jong Il – đã tiếp quản, nhưng trong vòng một năm, Bình Nhưỡng đã buộc phải yêu cầu các tổ chức nhân đạo quốc tế viện trợ.
Thành phố công nghiệp Hamhung có một trận lụt và không thể đưa than vào thành phố. Vì vậy, mọi hoạt động sản xuất sợi bị đình trệ lại.
Không có công việc để làm. Cư dân từ Hamhung nói vinalon đã trở thành một loại hàng hóa cơ bản trong một chương trình trao đổi để tồn tại. Đó là một câu chuyện tương tự như bao câu chuyện khác xảy ra trên khắp đất nước Triều Tiên.
Nạn đói xảy ra khiến 3 triệu người Triều Tiên thiệt mạng. Người Triều Tiên vẫn gọi những năm đó là “Tháng Ba khó khăn”, một thuật ngữ được đưa vào bởi các phương tiện truyền thông chính thức của Nhà nước Triều Tiên để khuấy động người dân.
Những người đào tẩu Triều Tiên nói rằng, người ta lấy những bộ phận máy móc, cũng như niken tinh khiết và đồng từ dây và ống dẫn, để đem trao đổi ở các thị trường phi chính thức.
“Người ta xẻ máy móc lấy từ nhà máy vinalon thành các mảnh kim loại, buôn lậu và bán chúng … Một số người trong đó đã bị hành quyết công khai. … Các dây chuyền sản xuất ngừng chạy … Công nhân bị chết đói”, Jeong Jin-hwa, 53 tuổi, đã đào thoát đến Hàn Quốc vào năm 1999, nhớ lại.
Đến năm 1996, khi nhà phát minh của vinalon – ông Ri Sung Gi – qua đời, ngay cả những Đảng viên trung thành với hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa đã chuyển sang kinh doanh – một hình thức “tự lực” của Chủ Nghĩa Tư Bản.
Năm 2001, nhà doanh nghiệp Hàn Quốc Choi Goog-jin đã thành lập một công ty, Công ty TNHH Vinalon Hàn Quốc, để nhập khẩu vinalon của Triều Tiên. Sau một năm thử nghiệm mẫu và đàm phán, công ty đã thất bại.
Ông Choi nói: “Vinalon không có khả năng cạnh tranh trong sản xuất quần áo. Nếu bạn nhìn những bộ vest làm từ vinalon ở Triều Tiên, chúng rất thô và nặng”.
Năm 2002, tại quận Onsong, Triều Tiên, một học sinh trung học tên Choi cho biết anh đã mua một chiếc áo phông Adidas và quần ngắn theo kiểu hàng nhái từ chợ. Những bộ quần áo màu xanh da trời được làm từ vinalon.
Choi, giờ đây đang sống ở Hàn Quốc, nói: “Tôi mặc bộ quần áo Adidas hàng nhái này cho đến khi tôi đến đây”. “Màu sắc không thay đổi. Nó khá là bền”.
“Người Triều Tiên chúng tôi có cách nói thế này – chủ nghĩa xã hội vào ban ngày và chủ nghĩa tư bản vào ban đêm. Đó là, chính trị và những gì được nhìn thấy trên bề mặt là chủ nghĩa xã hội, nhưng bên dưới, những thứ mọi người làm là tư bản “, theo ông Choi, hiện nay 30 tuổi, đã đào thoát sang Hàn Quốc năm 2006
VINALON “chiến thắng”
Năm 2010, Kim Jong Il mở lại khu phức hợp Vinalon 8 Tháng 2.
“Đây là một sự kiện cực kỳ lớn, quan trọng như việc tung ra một loại bom A mới, và đại diện cho một thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội”, ông Kim Jong Il, mở lại khu công nghiệp liên hợp Vinalon, tuyên bố vào năm 2010.
Năm sau, ông qua đời bất ngờ trên tàu hoả riêng của mình. Con trai của ông, Kim Jong Un, đã tiếp quản và trong năm 2012 đã đưa ra những thay đổi về kinh tế, bao gồm cả việc phớt lờ các thị trường phi chính thức.
Có nhu cầu cho vinalon – trong các thị trường tư nhân ấy.

Jung Min-woo, 29 tuổi, từng là một sĩ quan quân đội, trước khi rời khỏi Triều Tiên vào năm 2013. Ông nói một số sĩ quan quân đội có cấp bậc đã mua đồng phục vinalon sáng bóng được đặt may từ các thị trường tư nhân để trông thật ngầu.
“Nhiều quan chức cấp cao mặc chúng … nhưng chúng không phù hợp cho một cuộc chiến tranh,” ông Jung nói.
“Nếu chiến tranh bùng phát, rất nhiều tia lửa và viên đạn sẽ bắn qua lại … bông có xu hướng tan chảy và biến mất, nhưng vinalon sẽ đốt cháy bạn bởi vì nó dính vào da bạn”, ông Jung nói.
“Đồng phục vinalon không thích hợp để chiến đấu. Khi trời mưa, đồng phục ngâm nước và trở nên rất nặng, đương nhiên sẽ làm cho người lính di chuyển khó khăn. Sau một thời gian, đồng phục trở nên rất cứng”, ông Choi Goog-jin, doanh nhân Hàn Quốc, cho biết.
Đến nay, thay vì sản xuất vinalon, nhiều người Triều Tiên đã sản xuất quần áo cho Trung Quốc. Kang Eung Chan, người đã đào tẩu vào năm 2013, cho biết ông đã thuê 40 thợ may địa phương và sử dụng các loại vải nhập khẩu – bao gồm cả nylon – để làm áo cho khách hàng Trung Quốc. Ông trả cho công nhân địa phương khoảng 40-50 đô la một tháng.
“Ai mặc vinalon bây giờ? Hầu như không có ai cả “, ông Kang nói.
Mặc dù vậy, Triều Tiên cho biết vẫn sản xuất sợi vinalon. Trong bài phát biểu năm mới vào năm 2017, ông Kim Jong Un đã lên kế hoạch cải tổ khu phức hợp vinalon.
“Ngành này sẽ hồi sinh tại khu phức hợp Vinalon 8 tháng 2, mở rộng năng lực của các nhà máy hóa chất lớn khác và biến đổi quy trình kỹ thuật theo cách riêng của chúng tôi”, ông Kim Jong Un tuyên bố.
Nếu vị lãnh đạo mới này điều khiển được sản lượng vinalon của Triều Tiên cũng mãnh liệt như các cuộc thử nghiệm tên lửa của mình, thì loại vải làm từ đá này có thể sẽ tìm được một khởi đầu mới.
An Bình