Với nhiều quy tắc phân loại rác phức tạp và ý thức giữ vệ sinh của người dân cao, Nhật Bản được coi là một trong những nước sạch sẽ nhất thế giới.
Làng Kamikatsu, Nhật Bản, có rất nhiều loại thùng rác tại trạm đổ rác và điều này khiến du khách lúng túng vì không biết bỏ rác vào thùng nào.
Đối với loại giấy rác, ngôi làng này cũng phân thành 4 loại thùng rác: thùng rác đựng giấy báo, tạp chí, bìa carton và tờ rơi. Ngay cả với rác là lon nước cũng chia thành thùng rác chứa lon nhôm, lon sắt hay lon dạng bình xịt.
Hơn nữa, làng Kamikatsu còn phân loại thùng rác riêng dành cho vỏ chai và nắp chai vì chúng có thể tái chế thành những sản phẩm khác nhau. Đây là vài phân loại trong số 34 loại rác với các thùng rác khác nhau của làng Kamikatsu.
Tuy nhiên, câu chuyện về rác thải của ngôi làng Kamikatsu chỉ là một phần trong công nghệ tái chế và bảo vệ môi trường tại Nhật Bản.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới:
- Phân loại rác và bỏ vào túi theo quy định
Thông thường, ở nhiều nơi trên thế giới, rác chỉ được phân chia thành 2 loại: tái chế và không thể tái chế. Nhưng ở Nhật Bản, rác được chia thành 4 loại chính: rác cháy được, rác không cháy được, rác nhựa và rác tái chế.

-
Túi đựng rác cũng phải có màu sắc tương ứng
Mỗi khu vực sẽ có quy định riêng về loại túi sử dụng để đựng rác. Những túi rác này chủ yếu được mua trong siêu thị và có màu sắc quy định riêng cho từng loại rác.
Hơn nữa, mỗi túi rác phải gắn tên và số nhà của người đổ rác.
Ví dụ các loại rác cháy được sẽ được bỏ vào túi màu vàng, rác không đốt được sẽ được bỏ vào túi màu xanh. Nếu nhà nào không thực hiện như quy định thì túi rác của nhà đó sẽ bị trả về theo địa chỉ trên túi rác kèm theo thẻ nhắc nhở.

- Trả thêm phí cho rác ngoại cỡ
Rác ngoại cỡ là rác gồm giường, tủ, quạt,… hoặc những đồ có kích thước hơn 50cm.
Đối với rác ngoại cỡ, người dân phải trả phí, và rác càng lớn thì phí càng cao, dao động khoảng 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Khi muốn đổ rác loại này thì người dân có thể gọi điện thoại đến công ty xử lý rác thải của thành phố hoặc đăng ký online.
Ví dụ phí đổ rác là 84 nghìn đồng cho 1 cái ghế, 253 nghìn đồng cho 1 cái đệm và 422 nghìn đồng cho 1 cái sofa tại Shibuya, Tokyo.

- Đổ rác cần đúng giờ
Phải đổ rác trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến 8:30 sáng của ngày thu rác đã được quy định và phải bỏ ra nơi đã được quy định.
Buổi sáng, người Nhật Bản ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ vứt rác trong gia đình là của người đàn ông. Thế nên người Nhật Bản mới hay nói rằng: “ông xã chính là một cái máy vứt rác”.
Nếu lỡ mất khung giờ này thì có thể sẽ phải mang rác về nhà và chờ đến đợt thu gom sau.

- Làm sạch rác trước khi cho vào túi
Trước khi vứt rác, các loại rác đểu phải được vắt sạch nước hoặc rửa sạch. Sau đó mới được cho vào túi rác

- Vì sao Nhật Bản cần phân loại rác nghiêm ngặt?
Nhật Bản đối mặt với vấn đề lớn nhất là thiếu đất để chôn cất. Với dân số ngày càng đông kể từ thập niên 60 của thế kỷ 20, nếu Nhật không tìm ra được giải pháp để xử lý rác thải thì họ sẽ sống trong một môi trường bao quanh bởi rác.
Vì vậy, Nhật đã xây dựng một hệ thống xử lý rác chuyên nghiệp và người dân Nhật có ý thức rất cao và được hướng dẫn phân loại rác đúng như quy định.
Đối với người Nhật, hành vi xả rác là không văn minh và họ thậm chí có thói quen mang theo một túi để bỏ rác của mình vào đó khi cần đến.

Hiện nay, Nhật Bản có nhiều tập đoàn lớn tham gia ngành tái chế. Đi đầu là hãng Mitsubishi, đầu tư 12 tỷ Yên (107,6 triệu USD) để xây dựng các nhà máy tái chế mới trong và ngoài nước, nâng công suất lên 200.000 tấn.
Hãng Dowa Holding cũng đang có kế hoạch xây dựng lò nung điện với kỳ vọng tăng sản lượng tái chế rác thải lên 40% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, hãng Nippon hay Sumitomo cũng tích cực tham gia ngành rác thải và tái chế này.
Những hãng này không chỉ giúp Nhật Bản bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên liệu mà còn phát triển công ăn việc làm, kinh tế cho đất nước.
An Bình (tổng hợp)