Các nhà nghiên cứu cho biết số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ gia tăng trong thập niên tới sau 35 năm suy giảm, khi căng thẳng toàn cầu bùng phát trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina, theo The Guardian.

Chín cường quốc hạt nhân – Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Hoa Kỳ và Nga – có khoảng 12.705 đầu đạn hạt nhân vào đầu năm 2022, ít hơn 375 đầu đạn vào đầu năm 2021, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Con số này đã giảm xuống từ mức 70.000 đầu đạn vào năm 1986, khi Mỹ và Nga giảm dần kho vũ khí khổng lồ được tích lũy trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, kỷ nguyên giải trừ quân bị này dường như sắp kết thúc và nguy cơ leo thang hạt nhân hiện đang ở mức cao nhất, các nhà nghiên cứu của SIPRI cho biết.

Matt Korda, một trong những đồng tác giả của báo cáo, nói với hãng tin Pháp AFP rằng:

Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ đi đến điểm, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới có thể bắt đầu tăng lần đầu tiên.

Sau khi giảm “nhẹ” vào năm ngoái, “các kho vũ khí hạt nhân dự kiến ​​sẽ tăng trong thập niên tới”, SIPRI cho biết và đánh giá đây là một điều rất nguy hiểm.

Trong cuộc xâm lăng Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Anh, đang chính thức hoặc không chính thức hiện đại hóa hoặc tăng cường kho vũ khí của họ, viện nghiên cứu cho biết.

“Sẽ rất khó để đạt được tiến bộ về giải trừ quân bị trong những năm tới vì cuộc chiến này và vì cách Putin nói về vũ khí hạt nhân của mình”, nhà nghiên cứu Korda nói.

Ông lưu ý, những tuyên bố đáng lo ngại này đang thúc đẩy “rất nhiều quốc gia có vũ trang hạt nhân khác phải suy nghĩ về các chiến lược hạt nhân của riêng họ”.