Nhà ngoại giao của ĐCSTQ ông Lư Sa Dã – đại sứ Trung Quốc tại Pháp vừa nói rằng, làn sóng biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát COVID-19 gần đây ở nước này là do người ngoài tìm cách xúi giục “cách mạng màu”. Chứ không phải do cách kiểm soát dịch hà khắc, cực đoan của chính phủ khiến người dân vượt quá sức chịu đựng phải đứng lên phản đối.
“Đầu tiên, mọi người xuống phố để bày tỏ không hài lòng với cách các chính quyền địa phương không thể khai triển đúng và đầy đủ biện pháp mà chính phủ trung ương đưa ra, nhưng sau đó phong trào biểu tình nhanh chóng bị các lực lượng nước ngoài lợi dụng”, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã nói tại một bữa tối hôm 7/12. Phát biểu của ông được đăng trên website của đại sứ quán ngày 14/12, theo Tiền Phong.
Đại sứ Lô cũng nói: “Chúng tôi có thể ngửi thấy rõ ràng mùi của các cuộc cách mạng màu thường xảy ra ở một số quốc gia đang phát triển trong những năm gần đây. Một số người Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các lực lượng bên ngoài”.
Dù phát biểu như vậy, nhưng Đại sứ Lô không chỉ rõ lực lượng nước ngoài nào tác động.
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nói đến cách mạng màu.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng phản đối các cường quốc xúi giục cách mạng màu ở Trung Á, hàm ý nói đến các cuộc biểu tình chống chính phủ tại một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong đầu những năm 2000 và sau đó tại Trung Đông.
Bắc Kinh cũng cáo buộc “bàn tay bẩn” của người ngoài gây ra đợt biểu tình nghiêm trọng ở Hong Kong năm 2019.
Cách mạng màu là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị tại một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000, lấy tên 1 màu sắc hay 1 cây cối, bông hoa tiêu biểu. Trong những cuộc cách mạng này, những người tham gia đã đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc đoán. Các cuộc cách mạng màu nổi bật với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhà hoạt động sinh viên trong việc tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động.
Điển hình trong các cuộc cách mạng màu là Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004), và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005). Trong mỗi lần, nhiều người đã xuống đường biểu tình sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nếu thành công, nó sẽ dẫn đến sự lật đổ chính phủ hay từ chức của những lãnh đạo bị họ xem là độc đoán.
Có thể bạn quan tâm: