Gần 5 năm sau khi được hồi sinh từ một ‘vùng đất hoang tàn’, và sau đó được tích hợp như một liên minh chiến lược của các nền dân chủ hàng đầu Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ tứ Quad đang đấu tranh để tạo ra sự khác biệt trong một khu vực mà sức mạnh kinh tế và địa chính trị hứa hẹn sẽ định hình lại trật tự quốc tế. 

Trong bối cảnh hậu quả ngày càng sâu sắc trên toàn cầu từ cuộc chiến Ukraine và mối quan hệ đồng ủy nhiệm NATO-Nga , hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ diễn ra vào tuần này tại Tokyo cho thấy nhóm bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã phải loại bỏ một số hạng mục nếu muốn tạo ra những tác động thật sự có ý nghĩa, và điều này sẽ được đo lường bằng số lượng những quyết định đúng đắn, chứ không phải số lần các nhà lãnh đạo của nó gặp nhau và đưa ra những lời hứa suông.

Trong khi Bộ tứ đang cố gắng cùng nhau hành động, các động lực địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới song song với khả năng hải quân đang phát triển nhanh chóng, cùng với các điểm nóng chiến lược nguy hiểm nhất.

Mặc dù có ý định đóng vai trò như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, từ Biển Đông và Hoa Đông đến dãy Himalaya, nhưng Bộ tứ Quad gần như đã không làm gì để kiềm chế các động thái đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực; thỏa thuận an ninh trên phạm vi rộng của Bắc Kinh với Quần đảo Solomon là một ví dụ điển hình.

Tại Tokyo, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm lu mờ đi tầm quan trọng của  hội nghị thượng đỉnh với việc ông này tự đưa ra nhiều thông báo hoặc khẳng định, bao gồm việc công bố Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền ông – một nền tảng kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 13 quốc gia thành viên về các vấn đề toàn cầu như chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và các quy tắc kỹ thuật số, nhưng lại hoàn toàn không giảm các rào cản thương mại hoặc thuế quan.

Biden muốn chỉ ra rõ một điều là Mỹ sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan điều này đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu, tuy nhiên, nghịch lý là, ông này đã dần dần nới lỏng áp lực đối với Trung Quốc. Các ví dụ bao gồm như việc để cho Trung Quốc ‘úp mở’ nguồn gốc COVID-19, dỡ bỏ cáo buộc gian lận của Hoa Kỳ đối với con gái của người sáng lập Huawei Technologies của Trung Quốc và cho phép Bắc Kinh thoái lui trách nhiệm dù không đáp ứng các cam kết trong cái gọi là Giai đoạn Một thỏa thuận thương mại với Washington.

Hơn nữa, Biden tiết lộ tại Tokyo rằng ông đang xem xét lùi thuế quan thương mại đối với các sản phẩm của Trung Quốc, một hành động sẽ phá vỡ cam kết của ông là không đơn phương dỡ bỏ thuế quan trừ khi hành vi của Bắc Kinh được cải thiện.

Không phải một lần, không phải hai lần, mà là ba lần Biden đã nói trong những tháng gần đây rằng Mỹ sẽ dùng quân sự bảo vệ Đài Loan, xong chỉ để các quan chức cấp cao của nhà Trắng nhắc lại khi được phỏng vấn. Một ngày sau khi gây ra sự hiểu nhầm liên tục trên trường quốc tế (bởi vì lập trường mơ hồ), Biden đã tự xem lại các bình luận về Đài Loan của mình, và nói, “Chính sách của tôi không hề thay đổi.”

Một mất mát là việc Đài Loan bị loại khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Biden, với việc Nhà Trắng không đưa ra lời giải thích nào về việc loại bỏ trung tâm bán dẫn toàn cầu.

Việc bảo vệ Đài Loan có ý nghĩa lớn hơn đối với an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do ba chính quyền liên tiếp của Mỹ đã thất bại trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, thay vào đó chỉ dựa vào các hành động khoa trương hoặc tượng trưng. Việc Bắc Kinh nuốt chửng Hồng Kông về cơ bản cũng không phải trả giá.

Tất cả những điều này đã đặt ra những câu hỏi mới về định hướng chiến lược và sứ mệnh của Quad. Mặc dù nó vẫn là một phần không thể thiếu trong chiến lược của Hoa Kỳ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, việc ra mắt vào tháng 9 năm 2021 của Biden về liên minh AUKUS với Úc và Anh báo hiệu ‘Vùng văn hoá tiếng Anh -Anglosphere’ đã trở lại và xác nhận sự thay đổi trọng tâm của Bộ tứ Quad hướng đến những thách thức chung lâu dài, từ biến đổi khí hậu và an ninh mạng đối với sức khỏe toàn cầu và chuỗi cung ứng linh hoạt.

Biden, sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái, đã bắt đầu thông lệ các nhà lãnh đạo Quad tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh, với cuộc họp Tokyo đại diện cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư như vậy chỉ trong 14 tháng. Dưới sự lãnh đạo của Biden, tập đoàn cũng đã thực hiện một chương trình nghị sự mở rộng.

Với quy mô nhỏ, nên Quad không có đủ khả năng để đối phó với những thách thức quốc tế lớn hơn. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Quad đầu tiên vào tháng 3 năm 2021, tổ chức trực tuyến, đã tiếp cận đến những vấn đề như biến đổi khí hậu, vắc xin và các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Khi các nhà lãnh đạo Quad gặp mặt trực tiếp tại Nhà Trắng vào tháng 9 năm ngoái, với ba nhóm công việc chính là an ninh mạng, cơ sở hạ tầng và không gian. Với việc Quad không thể đạt được mục tiêu của chính mình là cung cấp một tỷ liều vắc xin COVID-19 do Ấn Độ sản xuất cho các nước đang phát triển vào cuối năm nay, điều này khiến làm gia tăng nguy cơ nhóm sẽ không đạt được những mục tiêu cốt lõi khác.

Hội nghị thượng đỉnh tuần này tại Tokyo là một lời nhắc nhở rằng một chương trình nghị sự rất rộng và đầy tham vọng không chỉ làm giảm đi sự tập trung vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Quad mà còn khiến việc đạt được kết quả khó khăn hơn.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nặng về hợp tác trong các vấn đề mở rộng từ hòa bình và an ninh đến khí hậu, không gian, an ninh y tế toàn cầu và an ninh mạng, nhưng lại không coi trọng các kế hoạch cụ thể, bao gồm các hành động cụ thể chống lại những gì họ thừa nhận là “hành động cưỡng chế, khiêu khích hoặc đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng” trong khu vực.

Khoảnh khắc của sự thật đã đến. Nhóm ngày nay phải đối mặt với một sự lựa chọn rõ ràng: bắt đầu biến những lời hùng biện của mình thành hành động cụ thể bằng cách tận dụng thế mạnh của các thành viên, hoặc có nguy cơ trở thành một ‘quán nước tán gẫu ven đường’. Mặc dù Quad hiện được tích hợp nhiều mảng hơn bao giờ hết, nhưng nó nên tập trung vào việc có thể thực hiện được để giúp nhấn mạnh giá trị chiến lược của nó.

Nếu Quad bị rạn nứt, một trật tự bá quyền phi tự do ở châu Á có thể sẽ được thiết lập, và nó sẽ tạo ra những rủi ro lớn cho an ninh quốc tế cũng như thị trường toàn cầu.

Nguồn: Nikkei
Văn Sơn biên dịch