Mục lục bài viết
Khương Tâm Như từng là một ông trùm tài chính phong vân hiển hách trong thời Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên, sau năm 1949, ông từng bước bị ĐCSTQ ‘cộng sản’ tài sản, cuối cùng chỉ còn lại vài ván giường và một bộ quần áo trên thân. Đây cũng là câu chuyện phong sát dễ thấy nhất dành cho chủ doanh nghiệp tư nhân.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Sau khi tha hồ đàn áp các doanh nghiệp tư nhân khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng tụt hậu thấp nhất trong hơn 30 năm, bắt đầu từ cuối năm 2022, ĐCSTQ đã đổi một bộ mặt khác, tỏ ra ưu ái các doanh nhân tư nhân. Tập Cận Bình liên tiếp hô khẩu hiệu “Tôi nhất quán ủng hộ doanh nghiệp tư nhân”, “Chúng tôi luôn coi doanh nghiệp dân doanh và doanh nhân tư nhân là người của mình”. Đến tháng 3 và tháng 4 năm 2023, tất cả các địa phương đưa ra chính sách, đảm bảo các doanh nhân tư nhân liên quan đến án sẽ “không bắt nếu nếu không thể bắt”, và sẽ “thận trọng khi truy tố và giam giữ”.
Tuy nhiên, những đảm bảo của ĐCSTQ có hữu dụng không? Nó có thực sự coi các doanh nhân tư nhân là “người của mình”? Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói: “Lấy sử làm gương, có thể biết được hưng phế.” Chúng ta hãy nói về Khương Tâm Như trong lịch sử, từ nhỏ thấy lớn, đi tìm câu trả lời cho các doanh nhân tư nhân ngày nay.
Chủ ngân hàng lớn phong vân hiển hách
Cái tên Khương Tâm Như từng rất nổi tiếng trong giới tài chính Trung Quốc. Là người Thành Cổ, Thiểm Tây, ông sinh ra ở Miên Dương, Tứ Xuyên vào năm 1890. Ông lưu học tại Đại học Waseda ở Nhật Bản, gia nhập Đồng minh Hội của Tôn Trung Sơn. Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, ông trong chính phủ Bắc Dương từng là thiêm sự của Cục Hoa kiều Quốc vụ viện, điều hành một tờ báo, điều hành một công ty sách tư nhân, từng là cổ đông của Công ty sách Trung Hoa.
Vào ngày 10 tháng 4 năm 1922, Ngân hàng Mỹ Phong, một liên doanh Trung – Mỹ, được khai trương tại Trùng Khánh. Tổng giám đốc là Lôi Văn người Mỹ, và Khương Tâm Như là phó tổng.
Ngày 5 tháng 9 năm 1926 phát sinh sự kiện một tàu chiến của Anh bắn phá Vạn Huyện, tỉnh Tứ Xuyên, giết chết hàng nghìn người, dẫn phát một phong trào bài ngoại. Vào tháng 2 năm sau, người nước ngoài ở Tứ Xuyên lần lượt di tản, tổng giám đốc người Mỹ của Ngân hàng Mỹ Phong cũng không thể không rời đi.
Tổng giám đốc đi rồi, ngân hàng phải làm sao? Đương thời, Khương Tâm Như đã tìm thấy “Vua Tứ Xuyên” Lưu Tương, huy động được hơn 30 vạn nguyên tiền, thu mua toàn bộ cổ phần của người Mỹ. Theo cách này, từ ngày 31 tháng 3 năm 1927, Ngân hàng Mỹ Phong hoàn toàn biến thành một ngân hàng của Trung Quốc, và Khương Tâm Như chịu trách nhiệm quản lý.
Khương Quốc Hùng trong bài báo “Cha tôi Khương Tâm Như” hồi ức, sau khi cha ông tiếp quản Mỹ Phong, phương châm chung là phát triển thực nghiệp. Lần đầu tiên đến Trùng Khánh, Trùng Khánh không có nước máy, không có điện, chính ông đã cùng với mọi người thành lập công ty cấp nước và công ty điện lực để phát triển sự nghiệp công cộng ở Trùng Khánh. Sau này, khi Khương Quốc Hùng đến Trùng Khánh, một số lão nhân đã nói với ông, rằng cứ mỗi khi bật đèn là lại nghĩ đến Khương Tâm Như, mỗi khi mở vòi nước lại nhớ đến Khương Tâm Như, bởi vì ông ấy đã xây dựng nó sau khi đến Trùng Khánh.
Ngoài nước và điện, Khương Tâm Như cũng không ngừng mở rộng đầu tư vào các mỏ than, giao thông vận tải, tài chính, bảo hiểm, tin tức văn hóa, v.v., điều hành tới 80 hoặc 90 công ty, hình thành nên hệ thống tư bản của Ngân hàng Mỹ Phong Tứ Xuyên.

Đến năm 1937, Khương Tâm Như trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Mỹ Phong, vốn cổ phần của ông đã tăng lên 667 ngàn nguyên (tương đương 440 ngàn lạng bạc). Hai người em trai của ông theo sát, vốn cổ phần của ba anh em chiếm 37,7% tổng vốn. Tài sản cá nhân của Khương Tâm Như, cùng với các khoản đầu tư vào các công ty khác và bất động sản, đã lên tới hàng triệu nguyên.
Tháng 11 cùng năm, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút về Trùng Khánh. Trùng Khánh trở thành khu vực hậu phương của Khánh chiến chống Nhật, và Ngân hàng Mỹ Phong trở thành ngân hàng thương mại địa phương có vốn tư nhân lớn nhất ở khu vực hậu phương. Khương Tâm Như cũng được bầu làm chủ tịch Công hội Ngân hàng Trùng Khánh.
Năm 1939, Tưởng Giới Thạch thành lập Hội gia nghị lâm thời Trùng Khánh, bổ nhiệm Khương Tâm Như làm nghị trưởng. Ông đã đảm nhiệm liên tiếp hai nhiệm kỳ, tổng cộng là tám năm. Với danh nghĩa là nghị trưởng Nghị hội lâm thời, ông viết thư cho Tưởng Giới Thạch, kiến nghị lấy Trùng Khánh là bồi đô. Tưởng Giới Thạch sẵn sàng tiếp thụ, chính thức thành lập Trùng Khánh làm bội đô (thủ đô đồng hành – tương đương thủ đô thứ 2) của Trung Hoa Dân Quốc.
Đương thời, Khương Tâm Như có ảnh hưởng rất lớn ở địa khu tây nam, đồng thời kết giao với nhiều yếu nhân của đảng, chính phủ và quân đội Quốc dân đảng, chẳng hạn như Vu Hữu Nhậm, Trương Quần, Hà Ứng Khâm, v.v.
Con trai ông là Khương Quốc Hùng từng một thời gian giao vãng với vợ chồng Tưởng Giới Thạch. Lúc đó, biệt thự của Khương gia ở Uông Sơn bờ nam Trùng Khánh, cách biệt thự Hoàng Sơn của Tưởng Giới Thạch không xa. Mỗi cuối tuần, Tưởng Giới Thạch và vợ trở về biệt thự nghỉ ngơi, thường dẫn Khang Quốc Hùng và em gái lên núi tản bộ, trò chuyện.
Thực hành giáo huấn “Lời hứa đáng giá ngàn vàng”
Khương Quốc Hùng cho biết, một trong những lý do quan trọng khiến cha ông có thể điều hành Ngân hàng Mỹ Phong tốt như vậy, là vì ông đặc biệt coi trọng chữ tín và phương châm “Lời hứa đáng giá ngàn vàng”.
Doãn Đăng Phủ, một lão nhân ở Ngân hàng Mỹ Phong và là một cựu sở trưởng của chính phủ tỉnh Quảng Đông, từng kể với Khương Quốc Hùng, vào năm 1944, quân Nhật tấn công Độc Sơn, tình hình Quý Dương rất căng thẳng, rất nhiều người định bỏ trốn, một số ngân hàng đóng cửa bỏ chạy. Còn Ngân hàng Mỹ Phong thì sao? Khi đó, người của Chi nhánh Mỹ Phong Quý Dương đã gọi điện đến Trùng Khánh để xin chỉ thị, Khương Tâm Như lập tức cử người đến Quý Dương trên một chiếc xe jeep, cùng với 3.000 lượng vàng để đảm bảo rằng những người gửi tiền ở Quý Dương có thể lấy được tiền thoát nạn. Sự việc này lúc đó đã có tiếng vang vô cùng lớn.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của Ngân hàng Mỹ Phong đã được ấn định một cách ngắn ngủi trong chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Nhật Bản từ năm 1931 đến năm 1945.
Sau chiến thắng kháng chiến chống Nhật, Khương Tâm Như ban đầu muốn làm rất nhiều việc, bởi vì sau chiến tranh, đất nước cần được xây dựng lại, nơi đâu cũng cần tiền. Nhưng sau đó, cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng nổ ra, nền kinh tế căng thẳng chưa từng có tiền lệ, và Ngân hàng Mỹ Phong bắt đầu sa sút.

Đầu tiên là cải cách thay đổi bản vị vàng mất rất nhiều tiền, sau đó lại thay đổi bản vị bạc, lại mất rất nhiều tiền. Sau đó, Dương Sâm, thị trưởng thành phố Trùng Khánh của Quốc dân đảng, người có một lô cổ phiếu Mỹ Phong, trước khi trốn khỏi Trùng Khánh, ông ta gọi Phó Tư lệnh Đồn trú Trùng Khánh Hạ Đẩu Su chạy đến nhà Khương, cầm súng đòi rút cổ phần. Khương Tâm Như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua lại cổ phiếu Mỹ Phong của Dương Sâm, sau đó xử lý một loạt sự cố rút tiền do nó gây ra, cũng thua một số tiền lớn.
Một vài sự cố này đã gần như làm cạn kiệt vốn lưu động của Ngân hàng Mỹ Phong, nhưng chúng chưa tạo thành một đòn chí mạng vào Mỹ Phong. Vậy Mỹ Phong đã sụp đổ hoàn toàn như thế nào?
ĐCSTQ đến, Khương Tâm Như bị ĐCSTQ “cộng sản”
Ngày 30 tháng 11 năm 1949, Quân đội Cộng sản tiến vào và tiếp quản Trùng Khánh. Vào thời điểm đó, để Ngân hàng Mỹ Phong có thể sống sót, Khương Tâm Như đã tổ chức một hội nghị gia đình đặc biệt, động viên người nhà bỏ ra hết số vàng bạc châu báu trong nhà. Khương Quốc Hùng cho biết, khi đó, tổng cộng 2,2 tỷ tiền quan kim và vàng đã được huy động. Sau này, có người nhận xét, nói đây là nghĩa cử “hủy gia cầu hành”.
Tuy nhiên, ngân hàng ngày ngày đều là tiền ra, số tiền này cũng không đủ, phải làm gì đây? Khương Tâm Như liền tìm đến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để thương lượng một khoản vay. Ông có một tòa nhà thương mại ở khu vực tốt nhất của Trùng Khánh, trị giá 2 tỷ tại thời điểm đó. Ông đề nghị dùng tòa nhà này thế chấp để vay 1 tỷ đồng, nhưng thương lượng không thành. Sau đó, ông đề xuất lấy tòa nhà Ngân hàng Mỹ Phong làm tài sản thế chấp, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng không đồng ý.
Khương Tâm Như nói, nếu không đưa tiền cho tôi, ngân hàng của tôi sẽ đóng cửa. Người từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói: Muốn đóng cửa thì đóng cửa đi. Ngày 4/4/1950, Mỹ Phong, ngân hàng tư nhân nổi tiếng đã hoạt động được 28 năm, buộc phải đóng cửa.
Sau khi đóng cửa, Khương Tâm Như vẫn không bỏ cuộc, ông hai lần gửi báo cáo đến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói rõ: ông nợ bao nhiêu, còn có rất nhiều bất động sản như nhà kho, nhà ở, nhà máy, v.v. số tài sản này trừ đi nợ phải trả vẫn còn dư rất nhiều, chỉ cần Ngân hàng Nhân Dân đồng ý cho vay, Ngân hàng Mỹ Phong vẫn có thể tiếp tục kinh doanh. Nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc căn bản không thèm đoái hoài.
Sau đó, ĐCSTQ bắt đầu “thanh lý” tài sản của Khương Tâm Như, việc thanh lý kéo dài trong 10 năm. Nói thẳng ra, đây là quá trình ĐCSTQ “cộng sản” tài sản cá nhân của Khương Tâm Như. Hãy đơn cử một vài ví dụ.
Ví dụ, vừa đề cập đến “Sự kiện thoái cổ phần của Dương Sâm”. Khi đó, Khương Tâm Như buộc phải móc ra 200 thỏi vàng để “mua” cổ phần của Dương Sâm. Sau năm 1949, Dương Sâm trở thành “tội phạm chiến tranh” của ĐCSTQ. ĐCSTQ nói rằng việc Khương Tâm Như mua lại cổ phần của Dương Sâm là “chuyển giao tài sản cho địch”, và phải bồi thường cho ĐCSTQ — Dương Sâm lấy đi bao nhiêu, Khương Tâm Như phải giao nộp bấy nhiêu.
Một ví dụ khác, quân phiệt Mã Bộ Phương từ tây bắc chạy đến Trùng Khánh, mang theo một lô vàng, thuê két sắt tại Ngân hàng Mỹ Phong để cất giữ. Khi ông ấy đi, đã lấy nó mang đi. Sau năm 1949, Mã Bộ Phương cũng trở thành “tội phạm chiến tranh” của ĐCSTQ. ĐCSTQ nói rằng Khương Tâm Như đã để Mã Bộ Phương lấy đi số vàng được cất giữ trong ngân hàng của ông, đây cũng là “chuyển giao tài sản cho địch”, và phải bồi thường cho ĐCSTQ.
Ngoài ra, ĐCSTQ đã bán căn nhà của Khương Tâm Như ở Trùng Khánh chỉ với giá 17 vạn tệ. Nhưng không phải toàn bộ 17 vạn tệ đều được trao cho Khương Tâm Như. Vì đương thời Khương Tâm Như cần mua một căn nhà ở Bắc Kinh, ĐCSTQ đã đưa cho ông 1 vạn tệ, và 16 vạn tệ còn lại buộc phải gửi vào Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng số tiền này là khoản cổ phiếu nhập cổ của Mỹ Phong. Nhưng Mỹ Phong đã đóng cửa từ lâu, vẫn có thể nhập cổ ư? Đó không phải là trò đùa nhảm nhí sao? Hơn nữa, nhập cổ chỉ có thể lĩnh lãi cố định, số tiền này không đáng bao nhiêu, mà mới lĩnh được hai năm, thì không cho lĩnh nữa.
Ngôi biệt thự 14,5 phòng ở Đông tây Hồng tinh Hồ Đồng mà Khương Tâm Như mua đã bị cưỡng chế để bố trí cho “quần chúng” sinh sống trong “Cách mạng Văn hóa”.
Ai có thể chịu được một cú sốc lớn đến như vậy?
Khương Tâm Như thành “phái cực hữu”
Năm 1957, Mao Trạch Đông phát động vận động phản hữu phái (chống phái hữu). Trước đó, ĐCSTQ đã nhiều lần cổ động những nhân sĩ ngoài đảng đề xuất ý kiến, giúp đảng chỉnh phong, tuyên bố: “Tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tận, ngôn giả vô tội, văn giả túc giới”, có nghĩa là là biết gì thì nói nấy, nói gì cũng được, nói là vô tội, người nghe được khuyến giới.
Khương Tâm Như tin đó là thật, ông đã phát biểu tại một hội nghị chuyên đề dành cho doanh nhân do Thành ủy Trùng Khánh tổ chức, kết quả bị xếp vào “phái cực hữu”. Vì sao?

Ông nói: “Nếu lấy đảng để thay thế hành chính, bao biện hết thảy, thì không được. Doanh nghiệp chẳng là gì ngoài ba hạng mục công tác: một là hành chính, hai là nghiệp vụ, ba là nhân sự; tổ chức đảng cả ba việc đều bao biện, những người không là đảng viên chỉ có thể chịu chi phối.” “Tại sao phát sinh vấn đề (người không là đảng viên ĐCSTQ) có chức vô quyền? Kỳ thực rất đơn giản, công tác nếu chiểu theo tài đức mà phân phối, thì làm sao có vấn đề chức quyền, có tài đức mới có thể đảm đương được. Nếu không hiểu việc, thì không nên làm quản lý, học xong thì quay lại làm không tốt sao?”
Những lời này, đương thời được coi là “ngôn luận phản động”, “phản đảng phản chủ nghĩa xã hội”.
Sau khi bị coi là “phái cực hữu”, Khương Tâm Như bị cưỡng bức tham gia lao động chân tay nặng nhọc, vác đá đến đập sông mỗi ngày. Ông đã già yếu, nên không còn cách nào khác là phải uống thuốc trợ tim ở nhà trước khi đi. Sau khi làm việc được 10 ngày, cấp trên của ông thông báo, không cho đi.
Chết thê lương trong bần cùng
Trước khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, nguồn thu nhập duy nhất của Khương Tâm Như là với tư cách là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Thành phố Trùng Khánh, với mức lương hàng tháng là 90 nhân dân tệ.
Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra vào năm 1966, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân thành phố Trùng Khánh đã ngừng trả lương cho ông, thậm chí còn trả lại các hóa đơn y tế được gửi đến, trong đó có nội dung: Mẹ kiếp cút khỏi đây!
Sau đó, hồng vệ binh lục soát ngôi nhà. Theo Khương Quốc Hùng, “Việc lục soát nhà triệt để như ‘dọn sạch sành sanh’, ngay cả xoong nồi, quần áo để thay và chăn mền của nhà chúng tôi đều bị lục soát, chỉ để lại một vài chiếc giường trống và bộ quần áo mà cha tôi đang mặc!”
Vào tháng 11 năm 1969, Khương Tâm Như bị bệnh nặng, được đưa đến Bệnh viện Đại học Y khoa Liên minh Bắc Kinh, nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận.
Gia đình đã yêu cầu Chương Sĩ Chiêu, viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn Sử Trung ương, người có một số giao tình với Mao Trạch Đông, cấp giấy chứng nhận có nội dung: Người này là một nhân sĩ dân chủ cấp cao, xin hãy trị liệu cho ông ấy, v.v…
Sau đó, gia đình đã tiếp cận Ủy ban Quân quản của bệnh viện, sau nhiều lần thảo luận, Ủy ban Quân quản cuối cùng đã đồng ý. Thủ tục trước sau mất năm sáu ngày, Khương Tâm Như mới được nằm trong phòng cấp cứu. Chỉ ba ngày sau khi được đưa vào phòng cấp cứu, Khương Tâm Như đã mất vì bệnh vào ngày 16 tháng 11 năm 1969.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
