Tóm tắt bài viết

  • Lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố chính thức rút bỏ dự luật dẫn độ, đây được xem là một động thái bất thường và có thể bắt nguồn từ hội nghị Bắc Đới Hà.
  • Trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Trung Quốc, dường như chính quyền Bắc Kinh chấp nhận mất mặt để dẹp yên phong trào dân chủ ở Hương Cảng.
  • Nếu ông Tập và nhóm của ông đã dùng tới tất cả các quân bài họ có, nghĩa là họ đang gặp vấn đề trong kiểm soát tình hình Hồng Kông, theo Nikkei Asian Review.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, một phụ tá thân cận của lãnh đạo Tập Cận Bình, đóng một vai trò quan trọng dẫn đến những diễn biến mới đây ở Hồng Kông, theo Nikkei Asian Review.

Ông Vương hiện diện ở miền nam Quảng Đông từ ngày 29 – 31/8, để “kiểm tra bảo tồn tài sản văn hóa”. Nhưng ít người tin rằng, ông Vương dành 3 ngày để xem thư pháp và vẽ tranh khi tiếp giáp Quảng Đông là đặc khu Hương Cảng đang bùng phát phong trào dân chủ.

Ông Vương Kỳ Sơn có tiếng về khả năng đưa các cuộc khủng hoảng vào vòng kiểm soát. Sau Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông thu xếp vụ phá sản lớn nhất Trung Quốc của Tập đoàn Đầu tư Ủy thác Quốc tế Quảng Đông. Năm 2003, khi dịch Sars bùng phát ở Bắc Kinh, ông Vương giữ chức thị trưởng và giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Sau khi dàn xếp các vụ bê bối này, ông Vương được mệnh danh là “đội trưởng đội cứu hỏa”. 

Theo Nikkei, vào cuối tháng 8 vừa qua, cộng đồng người Hoa ở hải ngoại đã lan truyền dự đoán rằng: Chính quyền Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Hồng Kông trước Tết Trung thu ngày 13/9.

Thông điệp được đưa ra sau cuộc hội họp bí mật thường niên của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đương chức và các trưởng lão về hưu tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc. Từ thông điệp này, người Hồng Kông cho rằng chính quyền trung ương muốn giải tán phong trào dân chủ của họ trước ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10). Tuy nhiên, người dân đặc khu băn khoăn: Bắc Kinh định giải quyết như thế nào?

Trước đó, quân đội Trung Quốc đã công bố một video cảnh cáo người biểu tình, trong đó các binh sĩ dùng vũ khí tấn công những địch thủ có bộ dạng tương tự những người biểu tình ở Hồng Kông – mặc đồ đen, đeo mặt nạ phòng độc. 

Hôm 4/9, lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tuyên bố chính thức rút dự luật. Nikkei cho rằng quyết định này có thể bắt nguồn từ hội nghị Bắc Đới Hà, theo yêu cầu của những đảng viên cao tuổi.

Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, 93 tuổi, đã đến hội nghị Bắc Đới Hà sau tang lễ của cựu thủ tướng Lý Bằng. Có nguồn tin cho rằng, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo cũng có mặt tại hội nghị nhằm giải quyết tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tới tang lễ cựu Thủ tướng Lý Bằng, tháng 7/2019 (ảnh: CCTV/ Kyodo).

Mặc dù Bắc Kinh có quân đội đồn trú tại Hồng Kông, cũng như cảnh sát vũ trang ẩn nấp ngay bên kia biên giới từ Hồng Kông, nhưng Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế nếu họ điều quân đội dẹp biểu tình. Trước đó, Tổng thống Trump không ít lần cảnh báo Trung Quốc, nếu muốn thỏa thuận thì cần hạ nhiệt ở Hồng Kông. Do đó, phản ứng quân sự với đặc khu có thể làm lợi cho đối thủ của Trung Quốc.

Nikkei đánh giá rằng quyết định rút lại dự luật là một động thái nhượng bộ, sau khi các nỗ lực dập tắt biểu tình thất bại. Trước lễ kỷ niệm 70 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, Bắc Kinh muốn một biện pháp có hiệu quả hơn là mất thể diện từ việc nhượng bộ, theo Nikkei.

Tuy nhiên, không rõ là phong trào dân chủ liệu có yên ắng hơn không, vì người Hồng Kông tuyên bố họ sẽ tiếp tục cuộc chiến, không lùi bước cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng. Nhiều người biểu tình coi sự nhượng bộ này là quá ít, quá muộn. 

videoinfo__video3.dkn.tv||75944f2b0__

Ad will display in 09 seconds

Chưa rõ ông Vương có gặp bà Lâm ở Quảng Đông hay không. Nhưng có thể ông Vương đã truyền đạt suy tính của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho chính phủ Hồng Kông, theo Nikkei.

Chủ tịch Tập đã giao phó vấn đề Hồng Kông cho hai chính trị gia nặng ký. Phó Thủ tướng thứ nhất Hàn Chính là một trong 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị. Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn là người chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập nhằm loại bỏ những kẻ thù chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập.

Theo Nikkei, việc ông Tập đưa những trợ lý nòng cốt để xử lý vấn đề Hồng Kông cho thấy ông đang có một kế hoạch. Nếu ông Tập và nhóm của ông đã dùng tới tất cả các quân bài họ có, nghĩa là họ đang gặp vấn đề trong việc kiểm soát tình hình Hồng Kông, tờ báo của Nhật Bản bình luận. Từ nay đến ngày 1/10 chỉ còn chưa đầy một tháng, tình hình vẫn không thể đoán trước được, theo Nikkei.

videoinfo__video3.dkn.tv||2186ee79c__

Ad will display in 09 seconds